Mệnh lệnh của ông Kim Jong Un dừng hành động quân sự với Hàn Quốc ít ngày sau khi đe dọa này được đưa ra đã khiến dư luận rất bất ngờ.
Trước đó, các quan chức Triều Tiên liên tiếp tuyên bố cảnh báo Hàn Quốc vì chiến dịch thả truyền đơn của các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng. Bộ Tổng tham mưu nước này thậm chí còn triển khai thêm binh lính dọc biên giới.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: KCNA/Reuters) |
Chủ tịch Kim Jong Un sau một thời gian im lặng đã ra lệnh hoãn việc này. Chưa rõ vì sao ông làm như vậy, nhưng giới chuyên gia đưa ra nhiều nhận định khác nhau. Một số cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên rốt cuộc đã nhận thấy nỗ lực chân thành của Seoul cấm thả rải truyền đơn. Không ít người khác nghĩ đơn giản là Bình Nhưỡng không dám dính vào một cuộc đối đầu công khai, vì Seoul sẵn sàng đáp trả.
Trong khi đó, nhiều người tin tất cả là màn thể hiện nhằm dọa nạt Hàn Quốc, với Kim Yo Jong - em gái Kim Jong Un - là người trực tiếp răn đe còn ông đóng vai người hòa giải khéo léo.
Tuy nhiên, theo hãng tin Nga RT, Kim Dong-yup - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) - không tin vào giả thuyết sau cùng này. Ông chỉ ra rằng, trong hệ thống chính trị Triều Tiên, chỉ thị phá bỏ văn phòng liên lạc Triều Tiên, điều động quân tới biên giới, và tổ chức các cuộc tuần hành phản đối hành động của Seoul không thể được thực hiện nếu không có sự đồng ý của nhà lãnh đạo tối cao.
Kim Dong-yup nghiêng về giải thích Kim Jong Un bất ngờ dừng các kế hoạch là vì muốn chờ xem phản ứng và hành động của Hàn Quốc thế nào, vì chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã nhấn mạnh quyết tâm xử lý mọi vấn đề trong thời gian ngắn nhất có thể.
"Trong bối cảnh Bình Nhưỡng quyết tâm thực hiện kế hoạch "đột phá trước mắt" với trọng tâm được đặt vào kinh tế, Triều Tiên thậm chí phải huy động cả binh lính vào các công trường xây dựng để đạt mục tiêu này. Sự leo thang căng thẳng và biến thành khủng hoảng chắc chắn sẽ là yếu tố tiêu cực. Để đảm bảo sự tham gia của người dân Triều Tiên vào chiến dịch, "các đột phá" bên ngoài cần được điều chỉnh cả về mức độ và tốc độ", hãng tin Nga Sputnik News dẫn lời giáo sư Kim Dong-yup.
Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc hôm 16/6. (Ảnh: KCNA) |
Bình Nhưỡng có thể tạm dừng để tìm ra một lý do hợp lý hơn cho hành động về quân sự. Sau khi phá bỏ văn phòng liên lạc liên Triều và tổ chức chiến dịch phản đối Hàn Quốc quy mô lớn, tuyên bố hoãn các kế hoạch sẽ không đủ mạnh để giải thích cho việc huy động sự ủng hộ ở trong nước.
Vì vậy, nếu chính phủ Hàn Quốc không tận dụng "khoảng lặng" này như một cơ hội để nhanh chóng thực hiện các cam kết, Triều Tiên sẽ coi đó là dấu hiệu chứng tỏ không có bài học nào được rút ra và cần phải có hành động kiên quyết.
Hơn nữa, ngoài việc hoãn các kế hoạch quân sự, tại cuộc họp trù bị, Ủy ban quân sự Trung ương Triều Tiên đã bàn bạc "các dự án chính sách quân sự chủ chốt, các báo cáo và quyết định mà sẽ được trình lên phiên họp thứ 5 của Ủy ban này, cùng nhiều tài liệu phản ánh các biện pháp của chính phủ nhằm củng cố hơn nữa năng lực răn đe quân sự của đất nước".
"Mặc dù kế hoạch hành động chống lại Hàn Quốc của Bộ Tổng tham mưu đã bị hoãn, các vấn đề còn lại trong nghị trình nhiều khả năng sẽ được thông qua. Có thể, trong số đó có các vấn đề về phát triển vũ khí mới để nâng cao sức mạnh quân sự, đồng thời khoe các vũ khí chiến lược mới...".
"Triều Tiên có thể phô diễn nhiều hành động thù địch, phụ thuộc vào thời điểm diễn ra phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quân sự trung ương. Vì vậy, việc hoãn những kế hoạch chống Hàn Quốc có thể liên quan đến chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) hoặc các vũ khí chiến lược, giống như các chiến dịch quân sự chống lại Mỹ. Và đây là viễn cảnh tồi tệ nhất", ông Kim Dong-yup bình luận thêm.
Tuy nhiên, vị giáo sư này không loại trừ viễn cảnh tích cực, đó là sự thay đổi của Bình Nhưỡng là do tiếp xúc bí mật với Hàn Quốc, nhằm ngăn tình hình xấu đi. Nhưng cho đến cách đây 2 ngày, Triều Tiên vẫn tuyên bố không có gì để nói với Seoul.
"Tôi cho rằng Triều Tiên đã cắt hết quan hệ với Hàn Quốc và đang tìm cách duy trì hệ thống cũng như phát triển hơn nữa bằng cách dần thiết lập nhữngtrao đổi nhân đạo và hợp tác kinh tế với Trung Quốc và Nga. Vì vậy, leo thang căng thẳng trong quan hệ liên Triều là khó tránh trong tương lai gần, dù phản ứng của Seoul là thế nào", Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong nói.
Tin tức về Triều Tiên trên truyền hình Hàn Quốc hồi tháng 5/2020. (Ảnh: AP) |
Ông Cheong tin rằng, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - vốn là ưu tiên chính của Seoul về Triều Tiên - là một sứ mệnh gần như không thể. Và mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời do sự thất bại của đàm phán Mỹ - Triều năm 2019.
Vì vậy, có thể chính phủ Hàn Quốc sẽ tính chuyện thay đổi các ưu tiên và soạn ra một kế hoạch tăng cường năng lực ngăn chặn hạt nhân. Nếu vẫn tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cũ, họ trước tiên cần phải đồng thuận với Mỹ về mọi khái niệm phi hạt nhân hóa cùng cách thức thực hiện việc này, và tổ chức các cuộc đàm phán 4 bên cùng với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên ở cấp làm việc và cấp cao nhất, đạt tới một thỏa thuận về giải trừ hạt nhân, tổ chức cơ cấu hòa bình và nới lỏng cấm vận chống Bình Nhưỡng.
"Nếu tình hình tiếp tục như chúng ta chứng kiến hiện nay, sẽ không có cơ quan hữu hình nào trong chính phủ Hàn Quốc hoặc các nỗ lực nào có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo, tiềm lực hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên sẽ càng tăng cao, và phi hạt nhân hóa trở nên hoàn toàn không thể", ông Cheong bình luận.
Theo ông Cheong Seong-chang, để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, Seoul không những cần đề xuất các dự án mang tính biểu tượng mà còn phải trình ra một bức tranh tổng hợp về hợp tác liên Triều khả thi, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, và có lợi cho Triều Tiên. Chỉ một đề nghị như vậy mới có thể khôi phục được niềm tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng các mối quan hệ liên Triều hữu ích.
"Kim Jong Un, trước kia, theo đuổi một chính sách cứng rắn chống lại Hàn Quốc; và ông bất ngờ chuyển sang chính sách xoa dịu vì nghĩ rằng điều đó không có lợi cho Triều Tiên. Rồi sau đó, ông lại chuyển sang lập trường cứng rắn lần nữa".
Vì vậy, có một cơ hội là sau khi Tổ hợp Công nghiệp Kaesong và tất cả cơ sở hạ tầng Hàn Quốc ở Kamgangsan bị phá hết, Triều Tiên sẽ lại trở lại chính sách hòa giải. Và giờ đây, Hàn Quốc cần nghĩ cách làm sao khôi phục lòng tin, xuống thang căng thẳng quân sự, và thiết lập các mối quan hệ liên Triều", vị chuyên gia bình luận.
Thanh Hảo
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên: Khủng hoảng có chủ đích?
70 năm sau cuộc chiến mà về mặt kỹ thuật vẫn chưa kết thúc, hai miền Triều Tiên vẫn mắc kẹt trong chu kỳ nồng ... |
Ông Kim Jong-un bất ngờ hủy kế hoạch quân sự chống Hàn Quốc
Triều Tiên đình chỉ "kế hoạch hành động quân sự" chống Hàn Quốc trong cuộc họp Quân ủy Trung ương do ông Kim Jong-un chủ ... |