Chiến sự Nga – Ukraine: Dự cảm bước ngoặt mới

Động thái công khai rút quân khỏi thành phố chiến lược Kherson của Nga đang nhận được phản ứng trái chiều từ các bên liên quan, trong đó cả Ukraine và giới chức phương Tây đều tỏ ra thận trọng. Diễn biến xung đột Nga-Ukraine có thể đối diện bước ngoặt mới ngay sau động thái này.

Cuộc rút lui khôn ngoan?

Theo RT, quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đưa ra hôm 9/11 (giờ địa phương), sau báo cáo của chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine Sergey Surovikin. Lý giải về động thái này, Tướng Surovikin cho biết, một trong những mục tiêu mà Nga đặt ra trong việc rút quân khỏi thành phố Kherson là nhằm đảm bảo các vị trí tốt hơn, đồng thời đảm bảo tính mạng của các binh sĩ và dân thường. Tướng Surovikin cho rằng quân đội Ukraine đã phát động các cuộc tấn công không kiểm soát vào thành phố Kherson.

“Tính mạng của người dân thường xuyên gặp nguy hiểm do pháo kích. Các trung tâm viện trợ nhân đạo và các tuyến đường được dân thường sử dụng để di dời qua sông Dnepr cũng đang bị tấn công”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa của Ukraine vào đập thủy điện Kakhovka gần Kherson cũng gây rủi ro nghiêm trọng cho cả quân đội và dân thường ở hữu ngạn sông Dnieper. Con đập này đã bị hư hại trong các cuộc tấn công, và nếu Kiev tiếp tục đánh phá, nhiều khu vực rộng lớn sẽ chìm trong biển lũ, dẫn đến thương vong lớn cho dân thường và khiến các binh sĩ Nga trong khu vực bị cắt đứt khỏi các lực lượng còn lại.

“Trong điều kiện này, chúng ta cần tổ chức phòng thủ ở phía Đông sông Dnieper. Việc này sẽ giúp bảo toàn điều quan trọng nhất, đó là tính mạng các quân nhân, cũng như năng lực chiến đấu của các đơn vị. Sẽ không khôn ngoan nếu cố bám trụ tại một khu vực hẹp trên hữu ngạn sông Dnieper”, Tướng Surovikin nói.

Trong một tuyên bố, Tướng Surovikin cũng cho biết, Nga đã đẩy lùi thành công bước tiến của Ukraine ở cả khu vực Kherson và Donbass. Tướng Nga cho biết quân đội Ukraine đã bị tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công trong những tháng gần đây. Trong đó, ước tính các lực lượng của Ukraine đã mất trên 12.000 binh sĩ chỉ trong tháng 10, cùng với hơn 200 xe tăng, 800 xe bọc thép khác và 18 máy bay chiến đấu. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, chỉ riêng các cuộc tấn công của Ukraine ở Kherson đã khiến Kiev thiệt hại trên 9.500 binh sĩ.

Trong khi đó, các lực lượng Nga đã hỗ trợ tất cả người dân sẵn sàng rời thành phố Kherson và đưa họ đến tả ngạn sông Dnepr, với trên 115.000 người đã rời khỏi thành phố Kherson trong những tuần gần đây. “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn cho họ”, ông Surovikin nói, đồng thời cho biết một số dân thường đã chuyển đến bán đảo Crimea ở phía Nam Ukraine. Tướng Surovikin khẳng định, quân đội Nga vẫn cố gắng ổn định tình hình ở tiền tuyến bất chấp các cuộc tấn công của Ukraine.

Theo RT, mặc dù đã đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của các lực lượng Ukraine, song việc Nga chọn rút quân khỏi Kherson về phòng thủ ở tả ngạn Dnipro có thể nhằm giành được lợi thế tốt nhất bằng cách thiết lập phòng thủ ở tả ngạn sông Dnipro để tránh. Đáng chú ý, Tướng Surovikin nói rằng, các binh sĩ rút khỏi sông Dnepr cũng có thể được điều đến các mặt trận khác để hỗ trợ các hoạt động tấn công của quân đội Nga.

8.jpg -0
Ukraine và giới chức phương Tây vẫn rất thận trọng trước động thái Nga rút quân khỏi Kherson. Ảnh minh họa: Sputnik.

Diễn biến khó lường

Động thái rút quân từ phía Nga đang vấp phải sự nghi ngờ của một số quan chức Ukraine và Tổng thư ký NATO Stoltenberg. “Chúng tôi đã biết thông báo này. Nhưng chúng tôi sẽ chờ xem điều gì thực sự xảy ra trên chiến trường. Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga, họ vẫn có khả năng quay trở lại”, ông Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn với Sky News. Mặc dù khẳng định không liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine, các nước thành viên NATO đã cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, NATO cũng đã xây dựng lực lượng dọc theo biên giới phía Tây của Nga với hơn 30.000 quân. Trước đó, Tổng Thư ký NATO từng tuyên bố sẽ tăng quy mô “lực lượng phản ứng nhanh” lên hơn 300.000 người, vì trong tài liệu được công bố hồi tháng 6 NATO coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với hòa bình và an ninh.

Về phía mình, Ukraine cho biết họ đề cao cảnh giác trước tuyên bố rút quân khỏi Kherson của Nga vì có thể đây là một cái bẫy để thúc đẩy quân đội nước này tiến vào khu vực. Mikhail Podolyak - Cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, đăng tải lên mạng xã hội Twitter: “Hành động mới quan trọng. Chúng tôi không thấy dấu hiệu Nga sẽ rời khỏi Kherson mà không thực hiện đòn đánh nào. Lực lượng thân Nga vẫn được bảo tồn trong thành phố. Các lực lượng dự bị đang được đưa về tỉnh Kherson. Ukraine hành động dựa trên dữ liệu tình báo chứ không phải các màn thông báo được dàn dựng trên truyền hình”. Ông Podolyak nói thêm rằng một nhóm các lực lượng vũ trang của Nga vẫn đang duy trì trong thành phố và trước đó nhân lực bổ sung đã được điều đến khu vực.

Giới chuyên gia nhận định rằng, việc Nga rút quân khỏi Kherson có thể đẩy diển biến chiến trường sang một hướng mới, với chiến lược mới của cả hai bên. “Cuộc xung đột sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai gần. Nga vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu dài hạn trong chiến dịch quân sự ở Ukraine trong khi Ukraine mong muốn giành lại lãnh thổ do Moscow kiểm soát kể từ năm 2014”, Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chien-su-nga--ukraine-du-cam-buoc-ngoat-moi-i673873/

An Nhiên / cand.com.vn