Dù Lider là chiến hạm chủ lực của Nga trong tương lai và được đánh giá rất mạnh nhưng lại không được các chuyên gia đánh giá cao.
Theo tờ Military Watch, khu trục hạm Lider thuộc Dự án 23560 sẽ là "tàu chiến có vũ trang mạnh nhất thế giới" và sẽ có khả năng cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng trên thế giới bởi chiến hạm Lider sở hữu những đặc tính tiên tiến vượt xa thông số của hầu như tất cả các tàu chiến hiện có.
Căn cứ vào kế hoạch trang bị được Nga công bố cho thấy, con tàu sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa tương tự như vũ khí của tàu khu trục Trung Quốc Type 055, nhưng hiện đại hơn. Các tàu khu trục lớp này cũng có thể được trang bị phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tầm cao S-500 Prometei để bảo vệ khỏi tên lửa tầm xa.
Mô hình siêu hạm Lider thuộc Dự án 23560.
Hơn nữa, tàu cũng có thể được trang bị các phiên bản hải quân của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1, Poliment-Redut và Vityaz S-350. Các thiết bị quân sự như vậy sẽ có "tầm quan trọng quyết định" để chống lại các mối đe dọa quân sự trên biển và sẽ đảm bảo sự thành công cho các nhóm tàu sân bay.
Tác giả bài báo nhận định rằng, trong tương lai các tàu chiến thuộc dự án 23560 có thể mang tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa siêu thanh tầm xa, ví dụ như Zircon, cũng như phiên bản nâng cấp của tổ hợp hàng không tên lửa siêu thanh Kinzhal. Tất cả điều này làm cho chương trình phát triển các tàu khu trục là một dự án "đầy hứa hẹn", tác giả viết.
Đặc biệt là trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, thuyền trưởng dự bị hạng Nhất, chuyên gia hải quân Vasily Dandykin cho biết về một số đặc tính của tàu Lider: "Lider sẽ là tàu chủ lực trong hạm đội tàu nổi của Hải quân Nga. Lớp tàu này có thể gọi là tàu tuần dương tên lửa. Bây giờ Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang xây dựng các tàu khu trục.
Nhưng, đặc điểm của tàu chiến Lider là ở chỗ: nó sẽ được trang bị động cơ hạt nhân, chúng tôi sẽ sử dụng các thiết bị được áp dụng cho tàu phá băng hạt nhân của Nga, công nghệ này được thử nghiệm thành công và hoạt động hiệu quả. Lider có khả năng cạnh tranh thành công với Trung Quốc và Mỹ, và thậm chí vượt họ về một số thông số", chuyên gia Vasily Dandykin nói.
Dù được Military Watch và Nga đánh giá rất cao nhưng theo phân tích của một số chiến lược gia về Hải quân, Lider mang trên mình kho vũ khí mới trên nền tảng chiếc tàu được đóng với công nghệ cũ.
Cụ thể, sau khi Liên Xô giải thể, Hải quân Nga dần xuống cấp, suốt gần 20 năm không đóng nổi một chiến hạm nào trên vạn tấn, nền công nghiệp đóng tàu (trừ lĩnh vực đặc thù là đóng tàu ngầm) xuống cấp bởi thiếu vốn và không tiếp cận được với công nghệ đỉnh cao thế giới.
Tuy khu trục hạm Lider của Nga có thực lực rất mạnh nhưng tất cả những tính năng của nó vẫn còn nằm ở trên giấy, từ mô hình thiết kế đến mô hình chế tạo còn một khoảng thời gian rất dài, cho đến khi nó trở thành một con tàu thực thụ cũng cần ít nhất là 5 năm nữa.
Ngay cả Mỹ, vốn rất phong phú kinh nghiệm đóng các chiến hạm cỡ lớn và thiết kế độc đáo cũng mất tới 8 năm mà khu trục hạm DDG-1000 Zumwalt vẫn còn chưa được biên chế chính thức. Điều này cho thấy, Nga có thể sẽ mất khoảng thời gian đến 10 năm để hoàn thiện tính năng tác chiến của khu trục hạm Lider.
Không chỉ thiếu kinh nghiệm đóng tàu lớn, công nghệ radar tầm xa trên biển và thiết bị điện tử hàng hải của Nga cũng tụt hậu một khoảng cách khá xa so với Mỹ. Điều này có thể nhận thấy ở thiết kế cột buồm tích hợp dạng tháp có kích thước quá cồng kềnh.
Những khó khăn của Nga không chỉ dừng ở đó. Hậu quả của việc “san sẻ gánh nặng” để cưu mang nền công nghiệp quốc phòng Ukraine đã khiến Nga giao phó toàn bộ mảng động cơ cho nước này, để đến bây giờ quan hệ hợp tác giữa 2 nước căng thẳng đã khiến Nga trở tay không kịp.
Nga cũng có khả năng chế tạo các động cơ hiện đại nhưng hiện nay họ không có nhà máy nào trang bị dây chuyền và có kinh nghiệm chế tạo loại động cơ chiến hạm cỡ lớn. Bởi vậy, trong vài năm tới Nga sẽ phải mất nhiều công sức để giải quyết vấn đề rắc rối này.
Tuy nhiên, trong quá khứ các chuyên gia Liên Xô đã từng đóng những chiến hạm có lượng giãn nước còn lớn hơn cả Lider như tuần dương hạm lớp Kirov hay tuần dương hạm chở máy bay (thực chất là các tàu sân bay cỡ vừa) Project 1143.4, lớp Kiev. Và Nga có thể kế thừa được những kinh nghiệm đó.
Những khu trục hạm Nga đều được đánh giá khá cao với các tính năng hoàn toàn còn chưa được định hình. Việc so sánh thiết kế tối ưu và sức mạnh thực sự của chúng chỉ có thể thực hiện được sau khi những con tàu này đã hoàn chỉnh thiết kế và trang bị vũ khí.
Tuy nhiên, kể cả hiện nay Lider đã hoàn thiện, chúng mới chỉ so được với những khu trục hạm và tuần dương hạm mạnh nhất hiện đang phục vụ trong Hải quân Mỹ và không thể được đặt ngang tầm khu trục hạm lớp Zumwalt của Mỹ. Và rõ ràng là Mỹ đã vượt so với Nga về nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ đóng tàu chiến.
Thùy Dung
Hệ thống đánh chặn ngầm độc nhất trên chiến hạm Gorshkov
Theo RIA Novosti, Hải quân Nga sẽ tiếp nhận tàu Đô đốc Gorshkov vào ngày 28/7 - lớp chiến hạm cỡ lớn sở hữu hệ ... |
Siêu chiến hạm 4 tỷ đô của Mỹ hỏng động cơ khi ra biển thử nghiệm
Tàu USS Michael Monsoor được hải quân Mỹ tiếp nhận sau thử nghiệm, dù sự cố hỏng động cơ chưa được khắc phục. |
Nhầm lẫn khiến tiêm kích Israel bắn cháy chiến hạm Mỹ năm 1967
Tưởng rằng tàu do thám USS Liberty là chiến hạm Ai Cập, quân đội Israel liên tục trút bom, nã đạn khiến 34 thủy thủ ... |