Chiến đấu giành giường bệnh ở Vũ Hán

Zhu Wei phải chen lấn với đám đông ở bệnh viện Vũ Hán để giành giật một giường trống cho bố mình khi bệnh nhân trước qua đời.

Zhu là giám đốc marketing 38 tuổi của một công ty bất động sản ở thành phố Vũ Hán, nơi dịch viêm phổi corona khởi phát, lan ra khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Giống như bao người thuộc "thế hệ con một" của Trung Quốc, Zhu phải tìm cách cân bằng trách nhiệm chăm sóc giữa một bên là bố mẹ già, một bên là gia đình nhỏ.

Thời gian này, Zhu không chỉ đơn giản phải làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ và nhân viên viên tốt. Cô còn phải cố gắng chăm sóc bố mẹ già yếu đang nhiễm virus corona, đồng thời hy vọng nó không gây nguy hiểm cho chồng và con gái 9 tuổi. Cuộc chiến càng khó khăn hơn khi họ đang phải sống giữa thành phố gần như bị phong tỏa hoàn toàn.

"Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng sẽ cố gắng hết sức để giữ bản thân khỏe mạnh và mạnh mẽ", Zhu nói sau khi đưa người bố 65 tuổi vào bệnh viện. Cô thực sự đã phải chiến đấu để chen qua đám đông tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc ở thành phố Vũ Hán. Cô đã giành được giường trống sau khi một bệnh nhân qua đời, nhưng cho biết "không thấy tự hào về điều đó".

chien dau gianh giuong benh o vu han
Một người dân đi giữa phố vắng tanh ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hôm 14/2. Ảnh: Washington Post.

Zhu trở về nhà tắm rửa với dung dịch khử trùng, sau đó ăn tối với bánh quy và thịt hộp. "Tôi hy vọng đêm nay có thể ngủ ngon, sau nhiều đêm khóc ròng", cô nói.

Nhưng Zhu không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Bắt đầu từ tuần này, con gái cô phải học trực tuyến vì tất cả trường học ở Trung Quốc đều đóng cửa. Trong khi đó, cô phải chăm sóc mẹ đang bị nhiễm nCoV.

Câu chuyện của Zhu và gia đình cô không hiếm gặp ở Vũ Hán. Hàng chục nghìn gia đình khác trong thành phố cũng đang cố gắng bảo vệ sức khỏe cũng như sự tỉnh táo của họ vào thời điểm "như tận thế". Gần 55.000 người ở tỉnh Hồ Bắc, bao gồm thủ phủ Vũ Hán, đã bị nhiễm virus corona, 1.457 người trong số đó đã tử vong, tính tới ngày 15/1.

Cuộc chiến chống virus corona của gia đình Zhu bắt đầu theo cách không ai nhận ra. Bố cô, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ trước khi nghỉ hưu, đã không tới chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi bị đóng cửa hôm 24/1, để mua tôm cá tươi cho đêm giao thừa như thường lệ. Zhu đã lên kế hoạch đi châu Âu vào dịp lễ này nên bố mẹ cô quyết định chỉ làm một bữa tối đơn giản và không cần tới chợ hải sản, nơi virus corona đã lây nhiễm từ động vật sang người làm việc ở đó.

"Tôi vẫn không biết bố tôi bị nhiễm bệnh như thế nào", Zhu nói và đoán rằng nguyên nhân nằm ở siêu thị địa phương.

Thay vì tổ chức tiệc, Zhu cùng chồng và con gái tới nhà thăm bố mẹ và bà vào ngày 23/1. Vũ Hán đã bị phong tỏa sáng hôm đó và không khí thật ảm đạm. Hôm sau, Zhu hủy kỳ nghỉ ở châu Âu. Đêm hôm đó, người bà 94 tuổi của cô bắt đầu ho và sốt. Tuy nhiên, vì trước đó bà cô thường xuyên bị như vậy nên cả gia đình không đưa bà vào viện khám hay xét nghiệm virus corona.

Bà Zhu qua đời tại nhà 6 ngày sau đó. Nhân viên nhà hỏa táng địa phương tới đưa thi thể bà đi và cấm tất cả người trong gia đình đi theo.

"Bà tôi luôn thích có nhiều người ở bên, nhưng giờ không có bất kỳ người thân nào bên cạnh để nói lời vĩnh biệt. Chúng tôi thậm chí chưa nhận được tro cốt của bà", Zhu chia sẻ.

Tuy nhiên, họ có rất ít thời gian để đau buồn. Hai ngày sau, bố của Zhu, người mắc bệnh phổi mãn tính, bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh. Sau đó, gia đình Zhu bắt đầu cuộc chiến để bố cô được xét nghiệm và nhập viện. Bác sĩ cho biết nếu không nằm viện điều trị, bố cô sẽ chết sau vài ngày.

"Mẹ tôi bật khóc và quỳ xuống cầu xin bác sĩ giúp đỡ, nhưng họ không thể làm được gì", cô kể, bởi không bệnh viện nào còn chỗ trống. "Chưa bao giờ tôi thấy tuyệt vọng đến vậy", Zhu nói thêm.

Cô đã điền vô số tờ đăng ký, gọi tới hàng loạt số đường dây nóng và sử dụng mọi mối quan hệ mà cô có. Cô đăng bài trên mạng xã hội. Cô mua thuốc globulin miễn dịch, mặt nạ phòng độc và phân vân không biết có nên mua thuốc điều trị Ebola mà mọi người nhắc tới hay không. Bố cô yếu đi mỗi ngày và cô lo lắng mẹ sẽ bị nhiễm bệnh. Chỉ trong 3 ngày, cô sụt mất hơn 4 kg.

Sau đó, một đồng nghiệp gọi tới nói rằng có bệnh nhân vừa qua đời tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Vũ Hán nên có thể có giường trống. "Đó là cơ hội duy nhất của tôi. Tôi hiểu mình phải có mặt ở đó để giành lấy chiếc giường", Zhu nói.

Cô mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo kính và ba chiếc khẩu trang. "Không có thời gian để lưỡng lự. Tôi phải chiến đấu để có chiếc giường đó", Zhu nói.

chien dau gianh giuong benh o vu han
Bệnh nhân giao tiếp với bác sĩ trong phòng cách ly tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán hôm 13/2. Ảnh: Reuters.

Đó chỉ là bước đầu tiên trong cuộc chiến của gia đình Zhu. Mẹ cô phải đi cách ly trong một phòng khách sạn do chính phủ trưng dụng. Zhu quyết định ở lại nhà bố mẹ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho chồng và con gái.

Mẹ cô sau đó bắt đầu sốt. Ngày 10/2, bà được chẩn đoán nhiễm virus corona và được đưa tới Bệnh viện Zijing ở Vũ Hán, cơ sở y tế tư nhân được chính phủ tiếp quản, hôm 12/2.

"Hai người ở chung một phòng bệnh ở đó. Đó là nơi không được sạch sẽ giống như nơi tôi từng đến và thật khó để ngủ khi không có gối, nhưng tôi phải cố gắng xoay xở", bà Ding Li, mẹ của Zhu, cho biết. Zhu đã cố gửi gối tới phòng bệnh cho mẹ, nhưng không người giao hàng nào được tới gần khu vực đó.

"Bác sĩ ở đây rất tốt nhưng thật không may khi họ không có chuyên gia về bệnh hô hấp. Bởi tất cả bác sĩ giỏi giờ đang tập trung điều trị các ca bệnh nặng ở bệnh viện khác. Bạn phải hiểu rằng hầu hết bác sĩ ở Vũ Hán đang kiệt sức và tôi không muốn phàn nàn hay đổ lỗi cho bất kỳ ai", bà Ding chia sẻ.

Vào thời điểm đó, Zhang Wei, chồng của Zhu và là giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính ở Đại học Hồ Bắc, dự kiến trở lại làm việc từ hôm nay nhưng phải dạy trực tuyến. Đồng thời, anh phải kèm cặp bài vở cho cô con gái học lớp 4 của họ, Renyin.

"Môn toán thì dễ thôi, nhưng âm nhạc là môn mà mẹ và bà con bé giỏi hơn tôi. Tôi gặp chút khó khăn với nó nhưng giờ chắc ổn rồi", Zhang nói và thêm rằng anh phải tìm cách để giúp con gái không cảm thấy buồn chán. Sau giờ học, Renyin chơi trò Minecraft trên mạng cùng bạn bè, sau đó nhảy dây hoặc chơi Lego cùng bố.

Tình hình hiện tại khá khó khăn với mọi người. Nhưng họ đang cố gắng điều chỉnh những xáo trộn của cuộc sống gia đình, cũng như áp lực đang đè nặng lên vai cả nhà.

"Cháu nhớ mẹ và bà. Cháu mong bà sớm khỏe để cùng cháu đi chơi công viên và xem phim. Cháu cũng hy vọng bố có thể cải thiện khả năng nấu nướng và đừng cằn nhằn vì cháu lấy nhiều giấy ăn lau miệng", Renyin nói qua điện thoại.

Bố mẹ Zhang hiện sống cùng để giúp đỡ hai bố con. Zhang chỉ rời nhà ba ngày một lần theo quy định của chính quyền để mua thêm nhu yếu phẩm.

"Trước khi bố mẹ vợ ốm, tôi rất ghét phải ở nhà vì những quy định cứng nhắc này. Nhưng giờ, tôi tin nó là điều tốt cho mọi người, bởi nguy cơ lây nhiễm rất lớn nếu nhiều người đi ra ngoài", Zhang nói.

chien dau gianh giuong benh o vu han
Người đàn ông đeo khẩu trang đứng bên ngoài cửa hàng mỹ phẩm đóng cửa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Washington Post.

Ngay cả khi dịch chấm dứt, gia đình này cho rằng họ và Vũ Hán sẽ phải đối đầu với những vấn đề mới. Zhu cho rằng thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng khi nhiều dự án xây dựng năm nay bị trì hoãn và giá nhà sẽ giảm.

Nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện giờ, Zhu đang có nhiều mối ưu tiên khác. Cô đang phải chiến đấu để đảm bảo cả gia đình sống sót qua dịch Covid-19.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

chien dau gianh giuong benh o vu han Nhân viên y tế tại Vũ Hán đã kiệt sức

Mệt mỏi, không đủ nhân lực, trang thiết bị thiếu thốn, những nhân viên y tế Trung Quốc tại tuyến đầu Vũ Hán trong hơn 1 ...

chien dau gianh giuong benh o vu han Người nước ngoài tại tâm dịch Vũ Hán chia sẻ về những tháng ngày đặc biệt

Giữa tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc vẫn còn có những người nước ngoài lưu lại và cùng với những người bản địa trải ...

chien dau gianh giuong benh o vu han Bác sĩ Vũ Hán cầu xin khẩu trang

Y bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán của Yu Yajie phải dùng băng dính dán khẩu trang rách, tái sử dụng kính ...

chien dau gianh giuong benh o vu han Bế tắc ở Vũ Hán

Peter, sinh viên người Nigeria, 25 tuổi, hơn một tuần qua chưa rời khỏi căn hộ tại Vũ Hán vì sợ bị nhiễm nCoV.

/ vnexpress.net