Khi người đàn ông giơ tay đánh vợ, lại trước cả mặt những đứa con nhỏ thì anh ta cũng chỉ là một kẻ đê hèn.
Người ta vẫn thường hay nói rằng, phụ nữ lấy chồng như chơi canh bạc cuộc đời. Ai may mắn thì lấy được tấm chồng tốt, nhưng cũng không ít người lại gặp phải những tay chồng vũ phu. Sau ngày vui hạnh phúc, nhẫn cưới trao tay là những tháng ngày đằng đẵng sống trong tủi hổ của không ít chị em.
Thống kê của Vụ gia đình (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) cho thấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Trong số các vụ bạo lực bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%.
Có đến khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần. Những con số thống kê chưa bao giờ biết nói dối, nó trần trụi và thật sự đau đớn.
Một võ sư ở Hà Nội đánh vợ khi đang bế đứa con mới 2 tháng tuổi trên tay. |
Những người phụ nữ vốn sinh ra là để yêu thương, thì nay lại có không ít người bị đánh đập không thương tiếc. Đáng buồn hơn, người ra tay làm điều đó không ai khác lại chính là người chồng của họ. Những người mà hàng ngày họ vẫn đầu ấp tay gối.
Không biết từ lúc nào, những tay chồng vũ phu lại cho mình cái quyền thích đánh vợ lúc nào cũng được. Khi thì chúng đánh vợ trong cơn say, khi thì chỉ không vừa ý một điều gì đó. Đáng buồn là những kẻ đánh vợ không chỉ diễn ra ở nơi dân trí thấp mà nay xuất hiện như cơm bữa ở thành thị, trong những gia đình được cho là ‘văn hóa’, có ăn có học.
Hồi tháng 7/2019, một người phụ nữ đang mang bầu tháng thứ 8 ở Nghệ An bị chồng đánh cho bầm dập chỉ vì mua đôi giày hơn 100 nghìn đồng. Sau đó không lâu, ở Hà Tĩnh, một người phụ nữ bị chồng đánh gãy tay phải bó bột. Đáng nói là trong suốt 7 năm chung sống, người phụ nữ này chưa khi nào có được một ngày yên bình.
Nếu yếu đuối chẳng thể che chở yêu thương vợ con thì cũng đừng ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’ với họ, bằng không anh cũng chỉ là một kẻ đê hèn.
Trong khi đó, mới tuần trước, một ông chồng công tác tại Kho bạc Nhà nước ở Bắc Kạn thẳng tay tát, đấm vào người vợ đang ôm đứa con nhỏ, trong khi đứa con lớn chỉ biết ngoái nhìn. Sau làn sóng chỉ trích, người chồng vũ phu này biện minh rằng: “Tôi đánh vợ nhưng gia đình nào cũng có những lúc mâu thuẫn, xảy ra xô xát”.
Đúng, đã là vợ chồng thì không thiếu gì những thời điểm cãi vã, rồi nhiều khi cũng buồn, cũng có lúc thất vọng. Nhưng cứ những lúc ấy lại lôi vợ ra đánh thì liệu có đáng mặt đàn ông. Nếu yếu đuối chẳng thể che chở yêu thương vợ con thì cũng đừng ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’ với họ, bằng không anh cũng chỉ là một kẻ đê hèn.
Khi vụ việc ở Yên Bái vẫn chưa chìm xuống, thì mạng xã hội lại lan truyền clip một người chồng vốn là một võ sư đánh vợ trước mặt con ở Hà Nội.
Bất chấp trên tay người vợ là đứa con nhỏ mới chỉ hai tháng tuổi, nhưng tên chồng đê hèn vẫn sẵn sàng đấm, đá, lấy sỏi ném người vợ, ngay trước mặt đứa con trai lớn 7 tuổi.
Là một người học võ nhưng lại không có tinh thần võ đạo, hắn ta sẵn sàng dùng vũ lực để đánh đập một người phụ nữ chân yếu tay mềm đang bế trên tay con nhỏ mới chỉ 2 tháng tuổi.
Có lẽ đứa trẻ 2 tháng tuổi còn quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng chắc chắn đứa con 7 tuổi kia thì biết rõ hành động của bố với mẹ chúng đang làm.
Những cú đá, cú đấm của người bố kia chắc chắn sẽ để lại "vết đen" trong đầu của những đứa trẻ. Cũng chẳng ai dám chắc rằng, sau những hành động vũ phu từ chính người bố của chúng, những đứa trẻ liệu có áp dụng hành động này vào tương lai!?
Từ xưa và cho đến tận bây giờ, câu nói xúc phạm nặng nề nhất đối với đàn ông đấy là khi bị ai đó nói họ “tính đàn bà”, “đồ đàn bà”. Đơn giản, đàn ông sinh ra là để bao bọc, chở che, nhường nhịn phụ nữ, ít ra là với những người phụ nữ của mình.
Nhưng giờ thì mấy ai nói được câu: “Không chấp đàn bà”, mà thay vào đó là những cái tát, cú đấm thẳng vào mặt vợ của mình.
Trong cơn điên của một kẻ đê hèn, những tay chồng vũ phu sẵn sàng quên đi những câu thề non hẹn biển để đánh đập vợ, sao cho thỏa thú tính.
gia đình rồi có còn là tế bào của xã hội, là hạt nhân khi những cú đấm, cú đá vẫn còn hiển hiện đâu đó trong mỗi mái nhà.
Độc giả có đồng tình với quan điểm tác giả bài viết? Hãy bày tỏ ý kiến của mình TẠI ĐÂY hoặc gửi trong ô bình luận ở bên dưới.