Một mối quan hệ quá nhiều sóng gió sẽ dễ dàng đổ vỡ, nhưng bình yên quá thì mối quan hệ cũng nhanh chóng chảy tan… Trở thành một cô gái 'hư đúng cách để cuộc sống nhiều màu sắc', tại sao không?
Những ngày vừa qua, khi ca sĩ Văn Mai Hương chia sẻ cái kết buồn với người đàn ông mà cô “yêu như yêu giấc mơ của chính mình” đã khiến dư luận xôn xao, bàn tán không ngớt.
Đọc những chia sẻ của Hương, tôi bị ám ảnh bởi dòng chữ: “Nhưng, sau hơn hết, khi tôi ngốc nghếch và tẻ nhạt trong gian bếp, chính là hình ảnh mà anh chẳng bao giờ muốn nhìn”…
Tôi chợt nhớ đến cô bạn cùng lớp ĐH ngày trước, bạn học giỏi, xinh và hát rất hay. Nhiêu đó cũng đủ để bạn tôi trở thành một “ca sĩ” của CLB Guitar trong trường với hàng tá “cái đuôi” theo sau. Thế nhưng, chỉ vì người yêu không thích mà bạn quyết định bỏ ngang sân khấu lẫn cái đam mê ca hát của mình.
Lại nhớ đến câu chuyện của một người chị tôi quen trên mạng, chị là con gái Sài Gòn, cá tính, năng động và là một “phượt thủ” có tiếng. Rồi cũng vì tình yêu, chị bỏ qua những hoài bão, gói ghém niềm yêu thích dành cho những chuyến đi lại để trở thành người phụ nữ của gia đình, hết lòng vì người mình yêu.
Rồi điều gì đến sẽ phải đến. Cũng như Hương, cô bạn và người chị tôi quen kia, sau khi họ chấp nhận từ bỏ những điều quen thuộc để làm vừa lòng người đàn ông của mình thì thứ họ nhận được chẳng phải là “trái ngọt”. Ngược lại, là sự chua xót khi nhận ra mình đã tự đánh mất bản thân thật rồi…
Những câu chuyện này như một vết cứa vào nỗi lòng của một bộ phận phái yếu, và nó đã tạo được hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội thời gian này bắt đầu xuất hiện những lời than vãn, kể khổ về tình trạng “thất thế vì quá tử tế” trong tình yêu của hội chị em phụ nữ.
“Ngày trước yêu nhau mình không thích nấu ăn, 2 đứa toàn ra quán thôi. Sau đấy anh bảo muốn được ăn cơm mình nấu, vậy là mình hì hục tập tành. Vài lần đầu anh hào hứng lắm, càng về sau thì càng thờ ơ. Mình và anh chia tay được 3 tháng rồi, lý do vì mình quan tâm anh nhiều quá”, chị Xuân Hồng ngậm ngùi.
Giữa “biển lời than” đầy màu sắc u ám, đường link về các khóa học “Hư như một cô gái Ngoan” hay “Muốn thoát ế, hãy làm gái hư”… chính là điểm sáng duy nhất nổi bật lên. Dĩ nhiên, chị em thi nhau tò mò và đăng ký học bằng những cú click chuột tới tấp.
Đầu tiên, đập vào mắt khi mở trang fanpage là lời quảng cáo đầy hấp dẫn: “Hò hẹn với gái hư là mong ước của tất thảy đàn ông trưởng thành“. Cùng những slogan: “Hãy hư đúng cách” hay “Hư mà không hỏng” như để tiếp tục củng cố niềm tin và giúp chị em đưa ra quyết định một cách nhanh chóng nhất.
Trong vai trò một cô nàng muốn “hư”, tôi cũng tham gia để tìm hiểu về thông tin cũng như học phí của những khóa này.
Admin (quản lý trang fanpage) cho biết: “Khóa học làm gái hư có 2 loại là cơ bản và nâng cao. Khóa cơ bản gồm có 7 buổi học, lớp sẽ mở khi có từ 5 – 10 học viên, học phí từ 350.000 – 610.000 đồng/người. Khóa nâng cao mở lớp khi có 10 học viên và học phí là 2.300.000 đồng/người”.
“Tôi biết đến khóa học này qua một trang Facebook và đã đăng ký học. Trước đây người yêu tôi luôn nói em là cô gái tuyệt vời, hoàn hảo, nhưng mà ảnh vẫn chia tay tôi để yêu cô khác với nhiều khuyết điểm hơn”, chị Ngọc Anh (27 tuổi) chia sẻ.
Chị nói tiếp, đa số học viên là phụ nữ từ 25 – 40 tuổi, có người chưa chồng, người có chồng con, thậm chí là vừa ly hôn. Tất cả đều có chung một mục đích duy nhất: Đọc vị đàn ông và biết cách “trói” chàng.
“Phòng học có tinh dầu thơm, mùi rất dễ chịu, nhạc nhè nhẹ. Giáo viên là một người phụ nữ bình thường, ngoại hình không có gì nổi bật nhưng mà lại có thần thái tự tin vô cùng. Tôi là phụ nữ còn thấy bị thu hút nữa nói gì đàn ông”, chị Anh kể lại.
Suốt 3 tiếng học, họ kể cho nhau nghe về câu chuyện của bản thân, những khúc mắc trong lòng và sự bất trị của đàn ông.
Từ bài giảng “gái ngoan” có nhiều khái niệm, ngoan vì quen với kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, được bảo bọc, yêu thương nên họ không có nhiều cơ hội tiếp xúc, cọ xát với thực tế. “Đến khi bước chân ra đời, họ vẫn chưa hết ngây thơ, mọi biến động của cuộc sống dù nhỏ nhặt cũng có thể khiến gái ngoan ngỡ ngàng hết lần này đến lần khác”.
Cho đến gái ngoan còn là những cô gái bị ràng buộc và thấm nhuần cái tư tưởng con gái phải ngoan ngoãn, hiền thục, biết nghe lời… vốn đã bám rễ lâu năm trong tâm thức người Việt.
Vô hình trung, xã hội đã có cái nhìn khắt khe và những chuẩn mực đánh giá một người phụ nữ theo quy củ, khá lệch lạc. “Con gái phải biết nấu ăn, phải lo chu toàn công việc nhà. Không được uống rượu, không được cãi chồng, phải biết lo cho gia đình mới là phụ nữ tốt”…
Họ bê nguyên si cái tư tưởng đó vào tình yêu, và tự họ đánh mất sự quyến rũ, thu hút của chính mình khi trở nên tẻ nhạt nơi góc bếp với mùi dầu ăn, nước mắm bám đầy trên tóc, trên da.
Từ những câu chuyện ấy, mới vỡ lẽ ra bao nhiêu điều mà theo đúc kết của chị em là: “Hóa ra đàn ông chỉ là những đứa trẻ có râu. Họ thích thú bởi lời khen ngợi khi làm đúng điều gì đó, luôn cần chúng ta rộng lòng tha thứ khi họ mắc lỗi, luôn cần được vỗ về, an ủi khi thất bại, họ muốn người phụ nữ của họ phải biết chăm lo cho gia đình và cũng mê mẩn những cô nàng phóng khoáng. Đó chính là gái hư, nhưng không hỏng”.
Họ cho rằng, một mối quan hệ quá nhiều sóng gió sẽ dễ dàng đổ vỡ, nhưng bình yên quá thì mối quan hệ cũng nhanh chóng chảy tan…Song, để có thể dạy và học được cách trân trọng bản thân, thay đổi để sống tích cực thì chính phụ nữ phải là người hiểu đúng cốt lõi của vấn đề.
Chị Thu Trang (30 tuổi) nhận định: “Tôi cỡ tuổi này vẫn còn lẻ bóng, bạn bè đều nhận xét tôi ế vì quá ngoan nên khi thấy thông tin về khóa học này là tôi quyết đi ngay. Khóa của tôi là 6.000.000 đồng/4 buổi, cho các kỹ năng như trang điểm, phối quần áo cho các dịp thích hợp, đi bar, khiêu vũ, bí quyết giao tiếp, cả cách ôm hôn cũng có luôn“.
Theo chị Trang, ban đầu thì những kỹ năng đó khiến học viên cảm thấy thú vị thật sự, mọi người đều vui khi “có quá nhiều cái lạ lẫm mà chẳng ai dạy cho nếu tự mình không chịu học”.
Tuy nhiên, càng về cuối, khi khóa học chuyển dần sang cách ôm hôn và sex như thế nào thì chị Trang có vẻ “phân vân, hay nói cách khác là bị sốc”.
Trao đổi với chúng tôi, ThS Tâm lý học Đặng Hoàng An (ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Theo cách hiểu thông thường, gái ngoan là những bạn nữ có các phẩm chất đạo đức, có nét tính cách phù hợp với chuẩn mực xã hội, và ngược lại là gái hư. Khái niệm gái ngoan hay gái hư nôm na là cách mọi người gọi để nói về nhân cách của các cô gái”.
ThS An cũng nói thêm, gần đây một số khóa học có tên “Học làm gái hư” với tiêu chí là “Muốn thoát ế thì đừng ngoan nữa"... đã gây sự chú ý, tò mò từ nhiều người và đã có không ít cô gái đăng ký lớp học.
“Thực chất các khóa học này nhằm trang bị các kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống cho các chị em như kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác phái… Cách đặt tên lớp học có thể là một chiêu trò PR, vô hình trung khiến nhiều người hiểu theo chiều hướng tiêu cực. Kỳ thực mà nói các khóa học này rất hữu ích không chỉ riêng cho nữ giới. Với quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích các lớp đào tạo này. Tuy nhiên, cần cân nhắc về cách đặt tên cho đúng bản chất vấn đề", ThS An chia sẻ.
Elly Trần: Tôi sexy nổi loạn nhưng chưa bao giờ là "gái hư"
Elly Trần tên thật là Nguyễn Kim Hồng, sinh năm 1987, nổi tiếng trong lĩnh vực diễn viên, người mẫu nhờ theo đuổi hình tượng ... |
"Thánh nữ ngực đẹp" Ngân 98: Đừng vội gọi tôi là "gái hư"
“Để kết luận Ngân là gái ngoan hay cô gái hư thì hãy xem cách đánh giá từ những người thân, bạn bè của Ngân, ... |
Nếu diện quần chíp ren đỏ là "gái hư" thì 12 sao Việt này "đỏ mặt"
Mạng xã hội đang nóng với chuyện chàng trai chia tay bạn gái vì cô mặc quần chíp ren đỏ, theo quan niệm của anh ... |
"Tội" xem phim sex, mặc quần lót ren và ngàn lý do chia tay gây sốc
Mạng xã hội mấy ngày qua “nóng hừng hực” về chiếc quần lót ren - lý do chia tay của một chàng trai. Anh ta ... |
"Sốt" vụ chàng trai chia tay bạn gái vì mặc...quần "chip" ren đỏ
Lý do cô gái bị bạn trai chia tay có lẽ là trường hợp “có một không hai“ khiến cộng đồng “rần rần“ chia sẻ. |