Bạn luôn vệ sinh răng miệng tốt: đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và vệ sinh lưỡi, thậm chí dùng cả tăm nước… nhưng hơi thở vẫn có mùi hôi.
Nguyên nhân ở đâu? Hãy kiểm tra lại chế độ ăn uống hằng ngày của bạn!
Điểm mặt các “tội đồ”
Một số loại thực phẩm có thể làm hơi thở của bạn có mùi, mặc dù rất tốt cho sức khỏe. Trong danh sách “thủ phạm”, có thể điểm mặt những “tên tuổi” như sau:
Tỏi và hành: Đây là 2 thủ phạm đứng đầu danh sách gây “ngạt thở” cho người cận kề bạn. Đó là vì các hợp chất lưu huỳnh có mùi trong tỏi và hành tồn tại rất lâu trong miệng và được hấp thụ trong máu rồi tỏa mùi trở lại khi bạn thở ra. Đây là cách từ chối “đối tác” hiệu quả nhất, nếu bạn không muốn người ấy ngồi gần.
Cà phê và thức uống có cồn: 2 loại này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn trong miệng. Chúng cũng làm khô miệng, giảm dòng chảy của nước bọt và vì thế vi khuẩn tạo mùi hôi tồn tại lâu hơn, không bị rửa trôi bằng nước bọt.
Một số thực phẩm khác như các sản phẩm từ sữa, chế độ ăn nhiều thịt, nước cam và nước giải khát. Tuy không có bất cứ bằng chứng khoa học cụ thể về việc những loại này gây ra hôi miệng. Tuy nhiên, thực tế là chính bạn cũng cảm nhận được mùi khó chịu từ miệng mình sau khi nạp những loại này.
Bất kỳ thức ăn hoặc thức uống nào cũng đều có thể gây ra mùi hôi nếu chúng còn “nán lại” trong miệng, nếu bạn không vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ.
Danh sách “cứu tinh”
Có nhiều thực phẩm và đồ uống gây hôi miệng và ngược lại, cũng có những “cứu tinh” giúp làm giảm mùi hôi của hơi thở. Danh sách có những “tên tuổi” như sau:
Nước: Chất lỏng không mùi này sẽ giúp làm sạch những mẩu vụn thực phẩm sót lại trong miệng. Nước uống thúc đẩy sản xuất nước bọt. Nước bọt hoạt động như một chất làm sạch liên tục và “giải tán” các chất gây hôi miệng trong thực phẩm, đồ uống.
Kẹo cao su không chứa đường: Nhai kẹo cao su giúp làm sạch một phần thực phẩm, tế bào chết từ răng, nướu răng, lưỡi và giúp tăng tiết nước bọt. Kẹo cao su không có đường với chất xylitol đặc biệt có hiệu quả để chống lại hơi thở hôi vì xylitol ức chế vi khuẩn miệng. Để việc nhai kẹo cao su xylitol mang lại hiệu quả tối đa, nên nhai kẹo ít nhất 5 phút sau bữa ăn.
Hoa quả và rau: Thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông đỏ và bông cải xanh tạo ra một môi trường khắc nghiệt, bất lợi đối với vi khuẩn trong miệng. Những thực phẩm giòn, nhiều chất xơ giúp chà xát, làm bung ra các vụn thức ăn. Như vậy, chúng cũng đóng vai trò giúp giảm hôi miệng.
Sữa chua: Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, ăn 2 hũ sữa chua không đường có chứa vi khuẩn có lợi (probiotic) mỗi ngày trong 6 tuần sẽ giúp giảm hôi miệng vì sẽ giúp giảm lượng sulfua có mùi. Không chỉ vậy, yaourt có bổ sung vitamine D cũng giúp giảm vi khuẩn trong miệng. Bạn có thể chọn thêm các nguồn vitamin D khác như sữa có thêm vitamin D, nước cam, cá hồi và trứng.
Các loại thảo mộc và gia vị: Rau mùi tây có chứa chất diệp lục, có tác dụng khử mùi trong miệng. Các thực vật khác như đinh hương, cây hồi và hạt thì là cũng giúp giảm hôi miệng. Nếu bạn chưa có giải pháp nào cho hơi thở có mùi thì có thể thử cách dùng thảo mộc vì không gây hại gì.
Làm sao hết mùi khó chịu ?
Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng hôi miệng không phải là thức ăn có mùi mà vi khuẩn trong miệng của bạn.
Vi khuẩn sống bằng những phân tử thực phẩm và các tế bào chết trong miệng, tạo ra các hợp chất lưu huỳnh gây ra chứng hôi miệng. Ngoài việc lưu ý chế độ ăn uống, bạn cũng đừng quên chăm sóc vệ sinh răng miệng mỗi ngày và đến bác sĩ ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường về mặt sức khỏe.
Chải răng 2 lần/ngày. Dùng chỉ nha khoa và tăm nước để loại bỏ các mảnh vụn gây ra hơi thở hôi. Thêm một điều quan trọng là phải làm sạch lưỡi của bạn nữa.
Làm sạch miệng bằng nước súc miệng sát trùng chỉ là giải pháp tạm thời cho hôi miệng, nhưng bác sĩ không khuyến khích. Súc miệng sát trùng không kê toa thường có chứa cồn, làm khô các mô trong miệng, làm giảm lượng nước bọt và làm trầm trọng thêm hơi thở hôi trong thời gian dài.
Nếu bạn vệ sinh răng miệng và có chế độ ăn uống tốt, nhưng vẫn bị hôi miệng, cần dành thời gian đến nha sĩ hoặc bác sĩ để kiểm tra định kỳ.
Hôi miệng có thể là hậu quả của một số bệnh trạng nhất định. Các xoang bị tắc nghẽn và dịch trong mũi, bệnh dạ dày có thể dẫn đến hơi thở hôi nhưng có thể giải quyết được. Cần lưu ý rằng, mùi hôi kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh nào đó trầm trọng hơn.
Bệnh nha chu, viêm nhiễm trong miệng cũng là nguyên nhân tạo ra mùi hôi.
Điểm mặt những thực phẩm tốt giúp răng trắng sáng mà bạn nên ăn
Hàm răng trắng luôn là mơ ước của nhiều người, nó không chỉ giúp bạn có một nụ cười rạng rỡ mà còn giúp bạn ... |
Ba chiêu nhanh gọn để bảo vệ răng
Nhiều người có xu hướng xem nhẹ sức khỏe răng miệng, vốn chạm đến mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. |
https://thanhnien.vn/suc-khoe/chi-co-hoi-mieng-chia-lia-chung-ta-908745.html