- Hai cán bộ kiểm lâm ở Hà Giang tử nạn khi chữa cháy rừng
- Từ vụ cháy rừng trên núi đá, cảnh báo nguy cơ cháy cao
- Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, với diện tích bị ảnh hưởng gần 500ha. Con số này tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.
Bộ NN&PTNT đánh giá, các vụ cháy rừng đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng đã tử vong, gồm 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi dập lửa tại khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, tỉnh Hà Giang và 1 người dân tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Ngoài nguyên nhân chính do hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, số vụ cháy rừng tăng trong những tháng đầu năm tăng còn do sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ gây cháy lan vào rừng chiếm gần 65% số vụ. Xử lý thực bì, dọn vườn, sử dụng lửa bất cẩn trong rừng chiếm hơn 20% số vụ. Còn lại xuất phát từ đun nấu, đốt than, đốt cỏ, săn bắt động vật rừng... "Việc chặt phá, khai thác rừng trái phép diễn biến phức tạp trong khi các chỉ đạo, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu hiệu quả, thiếu công cụ để xử lý trách nhiệm. Nhiều địa phương vẫn sử dụng công cụ thô sơ như dao phát, cành cây để dập lửa khi có cháy rừng. Nếu gặp cháy lớn thì lúng túng, không đủ trang thiết bị có hiệu suất cao để khống chế đám cháy nhanh. Việc huy động nhiều người tham gia nhưng thiếu trang thiết bị nên hiệu quả chữa cháy rừng thấp", Bộ NN&PTNT cho hay. Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng - kiểm lâm cũng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức cả về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện. Chế độ, chính sách đối với lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, kinh phí chi trả công cho người tham gia chữa cháy rừng chưa thỏa đáng nên không động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia chữa cháy rừng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng xem xét, bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng, đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong dự án đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Về dài hạn, Bộ NN&PTNT đề xuất ban hành quy định hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy rừng, cùng đó bổ sung thiết bị bay không người lái vào danh mục cần thiết được phép sử dụng đối với cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp và đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng.
Ngoài cháy rừng, theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2ha giảm 75,7ha so với cùng kỳ năm ngoái. Các vụ phá rừng chủ yếu tại Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... Những khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh cũng thường bị tàn phá.
https://cand.com.vn/Xa-hoi/chay-rung-gia-tang--vi-sao--i730402/