Châu Âu trước cuộc khủng hoảng di cư mới

Hàng triệu người tị nạn Ukraine lựa chọn ở lại châu Âu bất kể tình hình chiến sự, trong khi hàng triệu người khác- thường ít xuất hiện trên truyền thông phương Tây hơn - đang tìm cách chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực ở Trung Đông và châu Phi, với đích đến cũng là các nước phương Tây giàu có.

WashingtonPost ngày 6/6 đưa tin, sau hơn 100 ngày kể từ thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, khoảng 7 triệu người Ukraine đã rời đất nước lánh nạn với phần lớn trong số họ tìm thấy nơi trú ẩn tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Khác với quy định khắt khe lâu nay cho người tị nạn, EU đã ban bố các chính sách cởi mở chưa từng thấy khi cho phép người Ukraine sơ tán được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, quyền tự do đi lại hay thậm chí việc làm. Dù một số hãng tin loan báo, người Ukraine về nước gia tăng, song Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas dự báo sự “hào phóng” của EU sẽ khiến “ít nhất từ 2,5 đến 3 triệu người lựa chọn ở lại dù diễn biến cuộc chiến có thế nào”.

Theo lời quan chức EU, một bộ phận người tị nạn Ukraine có trình độ học vấn và kĩ năng tốt, có thể “lập tức hòa nhập vào hệ thống” của EU ở thời điểm khối đang đối mặt sự thiếu hụt nhân lực trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại phần lớn người tị nạn Ukraine là phụ nữ và trẻ em - nhóm đối tượng không phải lực lượng lao động chính. Giữa hàng triệu người di dân, cũng không ít người khó đáp ứng các tiêu chí thông thường ở EU và đặt ra gánh nặng đáng kể cho khối.

628e023785f5404cf929ab9a-1654564928870
Người dân Ukraine xếp hàng lên tàu chờ được sơ tán khỏi đất nước. Ảnh: RT

Ngoài ra, các nước EU tiếp nhận nhiều người Ukraine nhất như Ba Lan, Hungary hay Romania… đều thuộc nhóm phát triển chậm hơn các thành viên khác, khiến họ gặp khó trong nỗ lực sắp xếp nơi ở và việc làm cho những người tị nạn. Viện Nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) ước tính, chỉ việc tái định cư cho người tị nạn Ukraine sẽ tốn 43 tỷ euro, tương đương 1/4 tổng chi tiêu dự tính trong năm 2022 của EU.

Bên cạnh đó, trong khi một số nhà quan sát quốc tế cho rằng, EU có thể đã đối xử “thiên vị” với người tị nạn Ukraine hơn là những người di cư ở Trung Đông, châu Phi; thì nhiều công dân mắc kẹt tại quốc gia loạn lạc lại hi vọng họ có cơ hội được đối xử tương tự nếu đặt chân tới lãnh thổ EU thành công.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tuần trước, ông Schinas thừa nhận, một cuộc khủng hoảng tị nạn khác có thể sắp xảy ra ở châu Âu, không phải trên các chuyến tàu từ Ukraine và Ba Lan, mà từ dòng người tị nạn đổ qua Địa Trung Hải. “Nó sẽ lộn xộn hơn nhiều”, ông Schinas cảnh báo.

Sau cuộc họp của các Bộ trưởng nhóm MED5 gồm Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Síp và Malta – các quốc gia Nam Âu có đường bờ biển rộng lớn, Bộ trưởng Nội vụ Síp Nicos Nouris ngày 5/6 nhận định, các thành viên “tuyến đầu” ứng phó với làn sóng người tị nạn qua ngả Địa Trung Hải trong năm nay có thể sẽ phải tiếp nhận hơn 150.000 người di cư. Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn cho biết, khoảng 36.400 người xin tị nạn và người di cư đã đến Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Cyprus và Malta trong năm nay, trong khi con số này là 123.318 người năm 2021.

Dù số liệu 2022 dự kiến thấp hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2015 (khoảng một triệu người trên khắp châu Phi và Trung Đông đổ về EU), nhưng tình hình thực tế có thể tệ đi, trong bối cảnh thế giới đối mặt với một loạt thách thức, nhất là tình trạng thiếu lương thực và các loại ngũ cốc do tình hình chiến sự Nga-Ukraine sẽ sớm đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn. Dữ liệu của LHQ chỉ ra rằng, Nga và Ukraine cung cấp gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, trong khi Nga là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt và Ukraine là nhà cung cấp ngô và dầu hướng dương chính.

Cần lưu ý rằng, khủng hoảng lương thực chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nạn đói bùng phát sẽ kéo theo bất ổn chính trị, xã hội, thậm chí xung đột vũ trang. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) tiết lộ, 50 quốc gia, trong đó có nhiều nước ở châu Phi và Trung Đông, nhập khẩu ít nhất 30% lúa mì từ Nga và Ukraine; còn 26 quốc gia nhập khẩu nhiều hơn, trên 50% hàng hóa từ hai “vựa lương thực” thế giới này. Bất ổn nổ ra, một làn sóng di cư là rất khó tránh. Giữa lúc phương Tây và Nga chưa đạt đồng thuận về việc “giải phóng” việc xuất khẩu nông sản, phân bón mắc kẹt của Nga và Ukraine, Bộ trưởng Bộ Bộ Nội vụ Italia Luciana Lamorgese nói với Sky TG24 (kênh tin tức lớn thứ hai của Italia) hôm 3/6: “Nếu lúa mì vẫn bị chặn ở các cảng trên biển Đen, chúng ta vẫn phải dự kiến về một làn sóng người di cư lớn hơn nhiều. Chúng tôi lo ngại, cũng như các nước châu Âu tiền tuyến khác”.

Tuần trước, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Schinas từng nhận định, dù EU đã có nguồn tài chính và năng lực tốt hơn so với cuộc khủng hoảng di cư cách đây 7 năm, nhưng khối này đến nay chưa ban bố được một chính sách chung, công bằng về vấn đề người xin tị nạn. Theo ông, đây là một câu hỏi mà 27 thành viên EU cần sớm có câu trả lời. “Châu Âu có thị trường lớn nhất toàn cầu, chúng tôi chiếm 20% GDP của thế giới và có thể theo đuổi các mục tiêu chính sách lớn, bao gồm phát hành nợ chung và thiết lập các mục tiêu khí hậu tích cực nhất trên thế giới. Vậy mà chúng tôi chưa có chính sách di cư. Thật đáng buồn”, ông Schinas nêu quan điểm.

Mỹ cũng đau đầu vì người di cư

Không gặp nhiều áp lực với người tị nạn Ukraine như châu Âu nhưng Mỹ hiện cũng đối phó làn sóng di dân lớn nhất 2 thập kỉ từ Trung Mỹ và Mexico, những người muốn ra đi để thoát nghèo đói, bạo lực, nhất là tại các nước tam giác Bắc Trung Mỹ (gồm Honduras, Guatemala và El Salvador). Phần lớn những người di cư này lựa chọn đường bộ, bất chấp các mối nguy hiểm tự nhiên và nguy cơ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn lậu, buôn người và tội phạm có tổ chức. Theo NBCNews, chỉ trong tháng 4 vừa qua, lực lượng biên giới của Mỹ đã phải đối mặt với hơn 234.000 lượt người cố vượt biên từ Mexico sang Mỹ, nhiều nhất trong 22 năm.

Thiện Minh / CAND