ChatGPT và những nguy cơ tiềm tàng

Cuối năm 2022, toàn thế giới xôn xao về sự xuất hiện của một ứng dụng chatbot mới trên nền tảng mạng xã hội với tên gọi ChatGPT. Chỉ năm ngày sau khi xuất hiện, ứng dụng này đạt số lượng người dùng cực ấn tượng với 1 triệu thành viên.

Một tháng sau đó, con số này lên tới hơn 10 triệu. Những tin tức về chatbot này bùng nổ khắp mạng xã hội và liên tục án ngữ trên top tìm kiếm của Google và tiếp tục nóng lên trong thời gian tới.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là hệ thống chatbot được tạo bằng khoa học công nghệ GPT-3 (Generative Pretraining Transformer 3). Đây là một mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý tiếng nói hiện đại nhất hiện nay. Nó có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản. GPT-3 áp dụng được trong nhiều lĩnh vực như: Dịch ngôn ngữ, mô phỏng tiếng nói và tạo văn bản cho chatbot. Hiện công cụ này đang là một trong những mô hình AI xử lý ngôn ngữ lớn và mạnh nhất ở thời điểm hiện tại với tổng tham số lên đến 175 tỷ.

chatgpt.jpg -0
Cần cẩn trọng với ứng dụng mới ChatGPT.

Trong đó, chức năng được sử dụng rộng rãi nhất chính là tạo ChatGPT. Hiểu một cách đơn giản, công cụ này xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cho phép chúng trò chuyện như con người. Một điểm đáng chú ý chính là việc tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Mô hình này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết content, viết mã, viết luận.

Về cơ bản, ChatGPT là một chatbot do OpenAI – một tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo tại San Francisco, Hoa Kỳ phát triển. Được giới thiệu chính thức vào tháng 11/2022, công cụ này lập tức bùng nổ bởi khả năng đối đáp đa ngôn ngữ như người thật, hỗ trợ viết luận văn trôi chảy cho sinh viên và thậm chí viết mã lập trình cơ bản chỉ trong chớp mắt. Với công nghệ học máy và nguồn dữ liệu khổng lồ, ChatGPT còn có thể làm thơ, giải đáp rất nhiều thắc mắc của người dùng một cách tự nhiên.

Sở dĩ Google lo lắng đến ChatGPT là bởi năng lực trả lời vấn đề của chatbot này quá tự nhiên với độ chính xác vượt xa tất cả các loại hình chatbot trong quá khứ. Trong khi đó, mảng tìm kiếm và giải đáp thông tin vốn đã được Google thống trị từ lâu. Chỉ sau 40 ngày ra mắt, siêu AI này đã đạt 10 triệu người dùng mỗi ngày, vượt kỉ lục so với các ứng dụng khác. Trước đó, Instagram đã mất đến 355 ngày mới đạt được con số như của ChatGPT.

Cách thức hoạt động của ChatGPT khá đơn giản. Chúng nhận câu hỏi hoặc lời kể của bạn. Sau đó đưa ra lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc ấy. Tuy nhiên để có thể hoạt động như thế này đòi hỏi những thuật toán vô cùng phức tạp. Mô phỏng này sử dụng phương pháp tiêu dùng hạ tầng, lấy các dữ liệu văn bản từ internet.

Tổng cộng bao gồm 570GB đến từ nhiều nguồn thông tin khác nhau cùng với 300 tỷ từ được đưa vào trong hệ thống. Hoạt động như một mô hình ngôn ngữ nên nó hoạt động dựa theo xác suất. Nó dự đoán, phân tích và đưa ra đáp án. Để có thể làm được điều này, mô hình đã phải trải qua những cuộc thí nghiệm và giám sát chặt chẽ. Tại đây, người dùng cung ứng đầu vào một cách cụ thể, ví dụ "Giá vàng hôm nay như thế nào?".

Trong trường hợp mô hình trả lời sai thì đáp án đúng sẽ được cập nhật ngay lập tức. Từ đó củng cố kiến thức cho hệ thống và những thông tin dần chuẩn xác hơn trong tương lai. Một trong những điều làm nên sự khác biệt của công nghệ này chính là nó vẫn tiếp tục học ngay khi vẫn đoán khoảng tiếp theo là gì. Việc không dừng lại giúp nó tăng vốn hiểu biết cho những gợi ý và thắc mắc của người sử dụng.

Bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại cho người dùng, hiện nay nền tảng này cũng được coi là kho tài nguyên cho các hành vi xấu trong tương lai trên không gian mạng với sự xuất hiện của các phần mềm lừa đảo: Sau khi ChatGPT xuất hiện, một số hacker đã lợi dụng khả năng viết code của chatbot này để viết các phần mềm lừa đảo nhằm tấn công và thực hiện ý đồ đánh cắp thông tin.

Đáng sợ hơn, ChatGPT có thể tận dụng chính những dòng code mình tạo ra để tiến hành các phương thức lừa đảo tinh vi hơn. Gian lận thi cử: Khả năng làm luận văn của "siêu chatbot" này khiến các chuyên gia trong ngành giáo dục gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng sinh viên có thể tận dụng công cụ này để gian lận trong thi cử, đề xuất quay lại phương án thi trên giấy để đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người.

Việc lạm dụng AI cũng có thể khiến khả năng tư duy của chúng ta bị thui chột. Ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề: Năng lực biên tập đáng sợ của ChatGPT và các công cụ chatbot tân tiến có thể đe dọa công việc của một số ngành nghề như biên tập viên, nhà thiết kế đồ họa, lập trình viên...

Những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh

Việc người dân đăng ký tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội trên không gian mạng phải cung cấp thông tin cá nhân diễn ra không ít. Việc cung cấp thông tin cá nhân ở đây được hiểu đơn giản là họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, CCCD, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng..., là tất cả những thông tin gắn liền với một cá nhân nào đó.

Những thông tin này thường được người dùng đăng tải khi tham gia các ứng dụng như: Facebook, Zalo, Instagram hay khai báo khi sử dụng các app tiện dụng, giao dịch thương mại điện tử, tham gia trò chơi trực tuyến cũng như khi truy cập trang quảng cáo trên các website… và hiện nay là ChatGPT. Đây được coi “miếng mồi béo bở” của hoạt động thu thập thông tin tình báo, tội phạm mạng, khủng bố...

Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT) tại Việt Nam hiện nay, có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại nước ta. Trong đó, có tới 175 triệu tài khoản đối với 3 mạng xã hội phổ biến nhất là Facebook, Zalo, Instagram. Từ đây đặt ra việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, CCCD, tên tài khoản các nền tảng mạng xã hội trên không gian mạng… khiến không ít người vô tình trở thành nạn nhân hoặc con mồi của các đối tượng tội phạm mạng. Nghiêm trọng hơn đó là tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước (BMNN) trên các nền tảng mạng xã hội thuộc không gian mạng.

Nguy cơ lộ, lọt BMNN từ các nền tảng mạng xã hội thuộc không gian mạng là vô cùng lớn dù đó là thông tin bí mật ở dạng nào. BMNN có thể bị lộ, mất chỉ vì một sự không tuân thủ của một vài cá nhân nhỏ lẻ. Các tài liệu chứa bí mật có thể được soạn thảo, lưu trữ trên thiết bị kết nối internet, bị đưa ra khỏi phạm vi bảo vệ và các thiết bị lưu trữ ngoài như USB hoặc các kết nối không dây như blutooth, wifi; bị gửi qua email, chat; các tài liệu bí mật được chụp lại bằng điện thoại di động và ngay lập tức có mặt trên dịch vụ lưu trữ đám mây của Apple, Google hay Microsoft.

Hệ thống mạng hoặc thiết bị lưu trữ bí mật được kết nối với thiết bị có kết nối Internet, thông tin bí mật được đề cập qua trao đổi trên các nền tảng mạng xã hội trên không gian mạng. Cuộc họp bị ghi âm ghi hình bởi một thiết bị điện thoại bị kiểm soát. Thiết kế và cấu hình của toàn bộ hệ thống mạng cần được bảo vệ bị lộ từ một thiết bị cá nhân do một cá nhân sử dụng mạng xã hội mang tới nơi làm việc bị kiểm soát. Địa điểm bí mật về an ninh, quốc phòng bị tiết lộ bởi một chia sẻ vị trí hoặc từ hậu cảnh của một bức ảnh đăng tải công khai trên các nền tảng mạng xã hội thuộc không gian mạng...

Thời gian tới, không gian mạng tiếp tục là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động gián điệp, khủng bố, phá hoại, thực hiện các hành vi phạm tội nhất là đối với nền tảng mạng xã hội mới kích thích sự tò mò của người dùng như ChatGPT và những nền tảng khác trong tương lai. Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ BMNN cho mọi người dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội trên không gian mạng.

Phải làm cho mọi người nhận thức rằng, bảo vệ BMNN nói chung, bảo vệ những thông tin cá nhân nói riêng là thiết thực góp phần xây dựng môi trường thông tin an toàn, môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội, qua đó phòng, chống, ngăn chặn âm mưu, hành động thu thập thông tin tình báo, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm mạng.

https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/chatgpt-va-nhung-nguy-co-tiem-tang-i682594/

Bình Nguyên - Bích Thu / cand.com.vn