“Việc kê khai tài sản của cán bộ công chức, lãnh đạo là đúng, song không quan trọng bằng việc kiểm soát nguồn tiền của người được kê khai, chặn nguồn tham nhũng thì mới chống được tham nhũng” - đó là quan điểm của ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - khi trao đổi với Lao Động xung quanh việc Ban Bí thư mới đây ban hành quyết định về việc công khai tài sản lãnh đạo để người dân giám sát.
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Trúng ý dân
Mới đây, Ban Bí thư ban hành Quyết định 99, trong đó có việc công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan... Quyết định trên xuất phát từ thực tế lâu nay việc kê khai tải sản lãnh đạo vẫn là một vấn đề nóng, nhân dân không được biết, không thể giám sát; sự thiếu trung thực trong kê khai tài sản ít được phát hiện, xử lý…
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng cho rằng, Quyết định 99 là “mới trong cái mới” mà Đại hội Đảng XII đã đề cập đến. Việc ra quyết định này trúng và đúng với mong mỏi của người dân, đó là cách để chúng ta đấu tranh chống tham nhũng.
Dân “kiểm tra, giám sát”, nhưng đừng bắt dân làm thay hết
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng chia sẻ: Chúng ta có khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà cụ thể ở đây là việc công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo, dân có thể biết, có thể bàn, có thể kiểm tra, giám sát, song dân không thể “làm” thay, cái gì cũng làm hết được. Làm thì chính quyền phải làm là chính. Chính quyền có trong tay công cụ là cơ quan điều tra, cơ quan xử lý kỷ luật, cơ quan ra những hình thức kỷ luật, nắm trong tay hành pháp và lập pháp. Vậy thì chính quyền phải làm.
“Tôi là người soạn thảo luật chống tham nhũng, là người soạn thảo văn bản về kê khai tài sản của công chức và cũng là người tham gia xây dựng luật kiểm toán nhà nước. Nội dung, biện pháp là cơ quan công quyền phải làm chứ không để dân làm hết, làm thay”, ông Thắng nói. Chính quyền phải trực tiếp và tiên phong chống tham nhũng, và dân sẽ kiểm tra, giám sát việc làm đó.
Chống tham nhũng từ chi bộ, từ chính quyền cơ sở
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng bày tỏ: Đừng cho rằng cứ công khai tài sản là có thể chống được tham nhũng triệt để. Bởi theo ông, muốn chống tham nhũng thì chúng ta cần phải làm quyết liệt từ từng chi bộ, từ chính quyền cơ sở. Sự việc xảy ra ở cấp nào thì cấp đó làm, không đùn đẩy lên cấp trên. Nếu không cẩn thận, quy định về kê khai tài sản sẽ trở thành “võ hạ độc nhau”. Vấn đề cốt lõi vẫn là xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trên cơ sở phát huy dân chủ của dân, để dân giám sát việc làm của cơ quan công quyền.
“Kinh nghiệm của tôi cho rằng, nhiều lần cấp trên về địa phương để nhận khiếu nại của công dân, mang về cả thùng khiếu nại nhưng rồi bỏ góc không thể làm được. Chính vì vậy, càng ở dưới, càng ở địa phương thì càng cần phải làm” - ông chia sẻ. Ông Thắng lấy ví dụ, ở cơ quan trung ương, khi nghe tin có một cán bộ tham nhũng mấy chục triệu, mấy chục tỉ, dân xót lắm nhưng rồi có khi cũng quên. Tuy nhiên, nếu ở cấp phường, xã một cán bộ mà vòi vĩnh của dân 50.000 đồng để làm giấy báo tử thì có vấn đề.
“Người dân không chỉ mất lòng tin ở việc cán bộ cấp trên tham nhũng, mà còn chính ngay ở địa phương, nơi quyền lợi sát sườn của họ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, cái gì đụng chạm thiết thực nhất đến người dân thì để họ làm. Còn tầm vĩ mô, lớn thì để trung ương làm. Hãy phân cấp ra, làm cụ thể ra, không được đùn đẩy” - ông Thắng nói.
Phải làm rõ và chặn nguồn tham nhũng
Theo ông Thắng, “người dân không quan tâm kê khai bao nhiêu tiền, mà họ quan tâm và muốn biết nguồn tiền nào, từ đâu ra, về như thế nào? Ví dụ mua nhà, xe… bằng tiền mặt thì làm sao mà dân biết được nguồn tiền đó về như thế nào mà giám sát? Quá trình kê khai tài sản, nếu khóa sổ từ hôm nay, không tính đến ngày hôm qua thì từ đó nguồn tiền có về nữa không? Việc đó chúng ta phải làm được, biết được và chặn được”.
“Tôi không quan tâm đến vấn đề kê khai mà tôi cần chứng minh nguồn tài chính từ đâu? Bản kê khai tài sản chỉ thể hiện được người kê khai có bao nhiêu tiền. Hành vi tham nhũng là ở chỗ người kê khai làm gì để nguồn tiền đó về. Người kê khai sử dụng lao động, sử dụng quyền lực hay lợi dụng uy thế kiếm tiền. Tham nhũng quyền lực mới là thứ tham nhũng lớn nhất, nguy hiểm nhất” - ông bày tỏ.
“Hãy gội đầu trước khi tắm”
Theo ông Vũ Phạm Quyết Thắng, việc kê khai tài sản không nhất thiết phải rộng như hiện nay. “Cán bộ cấp cao làm trước, làm gương mẫu, từ cao đến thấp. Bao giờ cũng vậy, nên gội đầu trước khi tắm, như thế cơ thể sẽ hoàn toàn sạch sẽ” - ông nói. Cũng theo ông, giám sát tài sản lãnh đạo thì đồng thời phải giám sát tài sản của người thân. “Cán bộ có thể liêm khiết, nhưng người thân dựa thế vào quyền lực của họ để tham nhũng thì sao” - ông đặt câu hỏi.
Ông nhấn mạnh: “Tôi luôn kỳ vọng vào sự quyết liệt của Đảng trong phòng chống tham nhũng. Chính vì việc hiện nay vẫn còn một bộ phận đảng viên chưa trong sạch, nên cần phải chính đốn Đảng một cách quyết liệt, thanh trừ ngay những đảng viên mất phẩm chất”.
* Tham nhũng quyền lực là thứ tham nhũng lớn nhất, nguy hiểm nhất. Để chống tham nhũng, quan trọng là phải chặn nguồn tham nhũng” (Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng) * Quy định kê khai tài sản của quan chức ở một số nước như thế nào? Theo luật liên bang Mỹ, mọi Tổng thống và ứng cử viên Tổng thống đều phải kê khai tài sản rõ ràng, trong vòng 30 ngày kể từ khi tuyên bố ý định tranh cử chính thức. Hiến pháp Mỹ quy định không một nhân viên công cử tại nhiệm nào được nhận tiền từ một Chính phủ nước ngoài. Các báo cáo về tài sản cá nhân phải được nộp trước khi các ứng viên tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Song, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi một ứng cử viên đệ trình báo cáo chi tiết, người ta cũng khó đo đếm độ chính xác của nó. |
Dự án BT: Cơ hội cho lợi ích nhóm
Đối với những dự án BT (xây dựng - chuyển giao), do thiếu công khai, minh bạch, cùng những lỗ hổng pháp lý, rất dễ ... |
Vì sao xử lý tiêu cực, tham nhũng, kê khai tài sản phải để dân biết?
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trước đây một số vấn đề liên quan đến cán bộ không công khai nên người dân không biết để ... |
Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)
Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ... |
https://laodong.vn/thoi-su/chan-nguon-tham-nhung-moi-chong-duoc-tham-nhung-571123.ldo