CEO Chợ Tốt: \'Giao dịch trực tuyến ôtô có thể đạt 75% năm 2020\'

Ông Bryan Teo nhận định, hiện nay, 50% giao dịch ôtô khởi nguồn từ trực tuyến và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Chợ Tốt, tiềm năng thị trường xe mới lẫn xe qua sử dụng tại Việt Nam còn rất lớn. Đây là cơ hội để các sàn giao dịch thương mại điện tử gia tăng doanh thu nhờ sản phẩm đặc thù này.

- Ông có chia sẻ, 2 năm qua, sản phẩm có tần suất mua bán cao nhất ở Chợ Tốt là điện thoại di động, thiết bị điện tử, xe máy, bất động sản... Vậy vì sao năm nay công ty lại tập trung phát triển sàn giao dịch về xe hơi?

- Các phân tích dữ liệu của chúng tôi cho thấy nhu cầu sở hữu phương tiện này tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Tiềm năng thị trường xe mới lẫn xe qua sử dụng trong nước rất lớn.

Theo đó, thị trường ôtô cũ tại Việt Nam đang hoạt động khá sôi nổi, năm 2016 ước tính giá trị thị trường khoảng 2,7 tỷ USD và có khả năng đạt 6 tỷ USD vào năm 2020.

Chúng tôi nhận định, hiện nay, 50% giao dịch ôtô khởi nguồn từ trực tuyến và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, đến năm 2020 có thể đạt đến 75%. Do đó, đầu năm nay, chúng tôi ra mắt chuyên trang xe, giúp việc giao dịch mặt hàng đặc thù này hiệu quả, dễ dàng hơn.

- Nhiều người vẫn e ngại mua bán ôtô trực tuyến vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, công ty làm thế nào để hạn chế điều này trên chuyên trang mới?

- Để dần thay đổi thói quen mua xe của người dùng, chúng tôi tập trung xây dựng một nền tảng mua bán hiệu quả cho cả người mua và người bán. Theo đó, công ty đơn giản hoá quá trình đăng tin bán xe, phát triển thêm các tính năng lọc thông số, phân loại xe theo nhu cầu sử dụng, tư vấn gói vay ngân hàng...

Ông Bryan tại “cửa hàng tiện lợi” Chợ Tốt Xe - một chiến dịch quảng bá độc đáo của Chợ Tốt gần đây.

Hiện chúng tôi có hơn 100 kiểm duyệt viên được đào tạo bài bản, đảm bảo 100% tin được kiểm duyệt trước khi đăng lên trang.

Chúng tôi luôn lưu ý các quy tắc mua bán an toàn khi giao dịch xe như: kiểm tra và lái thử xe trước khi đi mua; khách hàng có thể sử dụng trang web của Cục đăng kiểm Việt Nam để truy vấn biển số xe và thông tin số khung xe. Ngoài ra, trang còn khuyến cáo khách hàng nhờ thợ hoặc bạn bè, người thân đi theo cùng để cùng kiểm tra xe trước khi mua.

Nhờ những nỗ lực này, tăng trưởng về doanh thu của chuyên trang xe tốt hơn chúng tôi mong đợi. Trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng người truy cập để mua bán các dòng xe đã tăng 10% qua mỗi tháng.

- Tập trung vào mảng xe hơi ảnh hưởng đến đến mô hình C2C (Consumer-to-Consumer, khách hàng với khách hàng) hiện nay như thế nào?

- Khi chúng tôi mở rộng phát triển mảng xe, C2C - hình thức thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với nhau sẽ vẫn là hạt nhân và thế mạnh.

Hiện người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn với các trang B2C (giao dịch thương mại trên internet giữa doanh nghiệp với khách hàng) để mua sản phẩm mới nhưng họ vẫn cần có một thị trường C2C hiệu quả để tìm giá tốt. Ngoài ra, khi người dân có thu nhập cao hơn và mong muốn có thêm sản phẩm cao cấp thì họ càng có nhiều nhu cầu bán những sản phẩm cũ.

Với xe máy, theo khảo sát mới đây của Chợ Tốt, người tiêu dùng đang có xu hướng đổi xe đã sử dụng trong 6 năm, trong khi với các sản phẩm công nghệ thì vòng đời càng được rút ngắn do mẫu mã đa dạng.

Tại trang của chúng tôi, số lượt liên lạc tìm mua sản phẩm mỗi tháng tăng trung bình khoảng 8% từ đầu năm đến nay, cho thấy nhu cầu về sản phẩm đã qua sử dụng giá tốt không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

- Theo kinh nghiệm của ông, để có được thành công, các sàn giao dịch hàng hóa điện tử tại Việt Nam cần ưu tiên những yếu tố gì?

- Yếu tố đầu tiên để một công ty thương mại điện tử có thể trụ vững tại thị trường mới như Việt Nam là sự đầu tư dài hạn về vốn cũng như nguồn lực. Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn người tiêu dùng dần thích nghi với mua bán trực tuyến và hệ sinh thái đang từng bước được cải thiện nên sẽ cần thêm thời gian.

Khách hàng tham gia trải nghiệm cửa hàng tiện lợi đặc biệt của Chợ Tốt Xe.

Kế đến, các công ty thương mại điện tử cần không ngừng cung cấp trải nghiệm tốt, chứng tỏ cho người dùng thấy mua bán trực tuyến tiện lợi và đáng tin cậy. Chất lượng sản phẩm vẫn là một vấn đề cần lưu ý, do đó, doanh nghiệp cần thắt chặt luật kiểm duyệt đối với các nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần kết hợp cùng nhau để xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử tốt hơn về hậu cần, cơ sở hạ tầng, thanh toán điện tử... xem đây như một chiến lược phát triển bền vững.

- Đã có những doanh nghiệp nước ngoài, tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm phát triển mô hình tương tự tại Việt Nam. Điều này gây sức ép gì cho ông?

- Từ kinh nghiệm và nguồn lực của hệ sinh thái kỹ thuật số công ty mẹ Telenor - một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, chúng tôi tự tin vào chiến lược phát triển dài hơi để có tăng trưởng tích cực tại thị trường Việt Nam.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng các tính năng sản phẩm chuyên sâu giúp tăng hiệu quả mua bán; củng cố vị trí dẫn đầu.

- Để thực hiện mục tiêu trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử số một Việt Nam, ông có những định hướng nào?

- Chúng tôi tập trung vào 3 mảng chính: Thứ nhất, sẽ cung cấp trải nghiệm đồng nhất trên các nền tảng khác nhau, song trọng tâm là nền tảng di động bởi 80% lưu lượng truy cập đến từ các thiết bị di động. Đơn vị cũng không bỏ qua sản phẩm máy tính.

Thứ hai, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào mảng phân tích dữ liệu hành vi người dùng để cá nhân hoá trải nghiệm, cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với mỗi bước sử dụng. Hiện nay, các tin đăng trên chợ được bán thành công trong vòng vài giờ đến một tuần, hiệu quả tăng 20% so với năm trước.

Thứ ba, bên cạnh mảng C2C, chúng tôi tập trung vào các danh mục sản phẩm chính có lưu lượng truy cập cao trên chợ như: xe, đồ điện tử, bất động sản nhằm đa dạng sản phẩm cho người mua và thị trường tiềm năng cho người bán.

/ Thanh Thư/vnexpress.net