Từ sáng sớm, nhiều khu vực trung tâm phường Xuân Hương – Đà Lạt xuất hiện gió mạnh làm cây xanh bật gốc, đè trúng nhiều ô tô.
Từ sáng sớm 21/7, nhiều khu vực tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) như phường Xuân Hương, phường Lâm Viên, khu vực Lang Biang mưa to kèm gió lớn. Đến khoảng 9h cùng ngày, tại phường Xuân Hương, nhiều cây xanh đã bị gió quật ngã, đè trúng nhiều ô tô.
Tại công viên Xuân Hương, một cây thông khá lớn, đường kính thân khoảng 70 cm, bật gốc đè trúng một ô tô mang biển kiểm soát TP.HCM, khiến phương tiện này hư hỏng nặng.

Cây xanh bật gốc đè trúng một ô tô ở công viên Xuân Hương.
Anh V. chủ xe cho biết, đang cùng người thân đến Đà Lạt du lịch. Đến sáng nay, khi mọi người đang ở trong khách sạn thì nhận tin xe bị cây đè. Tại hiện trường, phương tiện bị sụp phần nóc, vỡ kính, thủng lốp, bung cửa.

Nhiều cây thông ngã ven đường.
Cách đó không xa, một ô tô khác cũng mang biển kiểm soát TP.HCM bị cành cây lớn gãy rơi trúng, khiến phương tiện này hư hỏng nhẹ. Gần hiện trường, một mái tôn diện tích khoảng 10 m² cũng bị gió giật bay. May mắn, mái tôn rơi vào khu vực công viên lúc vắng người nên không gây thiệt hại.

Một chiếc ô tô bị cây đè hư hỏng.
Một số khu vực khác cũng ghi nhận tình trạng cây xanh bị mưa gió quật ngã, đổ vào các phương tiện giao thông, chủ yếu là ô tô. Lực lượng chức năng đang tiến hành rà soát, cắt tỉa cành cây để hạn chế ngã đổ trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi bão Wipha.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra công điện khẩn, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3 – Wipha.

Mái tôn bay khắp nơi do gió to.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các xã, phường ven biển và đặc khu Phú Quý theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; nghiêm túc kiểm soát hoạt động của tàu thuyền trên biển; chủ động thông báo cho các tàu thuyền về diễn biến của bão để phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các xã, phường trên đất liền triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, có nguy cơ sụt lún, sạt lở; tổ chức lực lượng kiểm soát, hỗ trợ giao thông an toàn; đặc biệt tại các vị trí ngầm tràn, khu vực ngập sâu, sạt lở. Các khu vực có nguy cơ cần được kiểm tra thường xuyên và sẵn sàng lực lượng để phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Phát huy hiệu quả lực lượng xung kích tại địa phương theo phương châm “ba sẵn sàng”, “bốn tại chỗ”.
https://vtcnews.vn/cay-xanh-bat-goc-de-bep-o-to-nha-toc-mai-trong-mua-lon-o-da-lat-ar955479.html