Cây trái “độc, lạ” mùa Tết

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà vườn chuyên sản xuất trái cây “độc, lạ” ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm sản lượng. Những ngày qua, các nhà vườn tất bật với việc thu hoạch, giao hàng cho thương lái để tung ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Năm nay, ông Võ Hồng Quốc (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) tạo hình 200 trái đào tiên hồ lô để đáp ứng khách hàng. Những ngày cuối năm, ông Quốc tất bật. Trái đào tiên thường được người dân dùng làm thuốc Nam, đặc biệt trị ho rất hay. Năm 2010, ông Quốc nhận thấy trái đào tiên có thể tạo hình thành dáng hồ lô nên tiến hành nghiên cứu.

Cây trái “độc, lạ” mùa Tết -0

Ông Võ Hồng Quốc với trái đào tiên hình hồ lô.

“Tạo hình hồ lô trên trái đào tiên khó hơn trên bưởi Năm Roi nhưng nếu làm thành công, dáng trái rất đẹp và chưng khá lâu”, ông Quốc nói.

Khi cây ra trái nặng khoảng 200 gram, ông Quốc cho vào khuôn tạo hình, 2 bên có chữ Tài - Lộc.Đặc điểm của cây đào tiên là không tốn nhiều công chăm sóc, thậm chí khi cho trái cũng ít bị sâu bệnh và cây cho trái liên tục quanh năm. Với khoảng 400 trái đào tiên được lựa chọn trong vườn, ông Quốc tạo hình thành công 200 trái và hiện đã có khách hàng đặt mua 100 trái. Số lượng còn lại, ông Quốc bán cho khách lẻ như mọi năm. Trái từ 1,7 đến 1,8 kg có giá 700.000 đồng/trái, còn từ 1-1,2kg/trái có giá bán 300.000 đồng/trái.

Các loại trái cây tạo hình năm nay đều giảm sản lượng. “Cha đẻ” bưởi hồ lô là ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang) không sản xuất vì dịch COVID-19. “Năm nay các địa phương ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ… giãn cách xã hội từ tháng 7 nên tôi không đi lại được để thuê vườn bưởi làm. Vì vậy, dịp Tết này không có một trái bưởi hồ lô nào bán”, ông Thành nói.

Anh Lê Hồng Quân ở xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) tung ra thị trường 500 linh vật hổ làm từ dừa bonsai với mức giá từ 600.000 đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Anh Quân làm rất nhiều sản phẩm dừa bonsai, trong đó 500 sản phẩm gắn với linh vật hổ. Từ năm 2016, anh Quân đã bắt đầu nghiên cứu làm cây dừa bonsai. Để tăng giá trị, anh đã tạo ra linh vật từ gáo dừa và nhiều chi tiết, phụ kiện kèm theo.

“Ban đầu tôi chỉ tính làm linh vật hổ nhưng sau đó làm thêm những linh vật khác để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng”, anh Quân nói. Linh vật hổ khó làm, do khó tìm vật liệu cũng như rất khó tạo hình. Vật liệu phải là trái dừa to, tròn, cây dừa có bộ lá tốt, dáng đẹp. Mỗi sản phẩm làm ra, mất từ 6 tháng đến 1 năm. Hiện nay, phần lớn sản phẩm dừa bonsai của anh đã được tiêu thụ, chỉ còn lại số ít trưng bày tại nhà.

Còn anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng không làm bưởi tạo hình như mọi năm và chỉ làm dừa in chữ, khoảng 300 trái, theo đơn đặt hàng. Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ xã Phong Hoà, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) là một trong những người đi tiên phong trồng loại cam ruột đỏ. Giống cam này khi chín có ruột đỏ au nhìn rất đẹp mắt, vị ngọt dịu đặc biệt kèm chua nhẹ, không có hạt, dễ bóc, dễ ăn nên nhiều người rất thích. Vào thời điểm Tết hàng năm, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 57.000-60.000 đồng/kg, giúp nhà vườn thu lãi đậm.

Theo lời anh Sơn, trước kia các thành viên trong Tổ hợp tác cây có múi Phong Hoà trồng hơn 3ha cam ruột đỏ nhưng hiện nay họ cũng đốn gần hết để trồng mít, sầu riêng. Anh Sơn cũng chặt bỏ vườn cam ruột đỏ, trồng chanh không hạt, do ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19.

Ông Huỳnh Công Thống (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng không mặn mà với thị trường Tết năm nay. Ông Thống là người đầu tiên ở Cần Thơ trồng được cây nho thân gỗ. Loại này độc đáo ở chỗ trái có hình dáng giống trái sung, hương như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt. Hai mùa Tết trước, năm nào ông cũng bán trên thị trường khoảng 300 cây. “Do dịch nên tôi chỉ trồng có vài chục chậu, tới Tết là ra trái để bán với giá từ 1,2-1,5 triệu đồng/cây, giảm 50% so với năm rồi nhằm giữ mối”, ông Thống nói.

Chuyện chăm sóc Chúa sơn lâm ở Hà Nội Chuyện chăm sóc Chúa sơn lâm ở Hà Nội

Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 40 phút đi xe, có một trung tâm đặc biệt đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn ...

/ cand.com.vn