Cầu được ước thấy

Giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Saudi Arabia năm 2007, chuyến thăm Nga của Quốc vương Saudi Arabia Salman là sự kiện lịch sử đối với cặp quan hệ song phương này.

cau duoc uoc thay
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Saudi Arabia năm 2007, chuyến thăm Nga của Quốc vương Saudi Arabia Salman là sự kiện lịch sử đối với cặp quan hệ song phương này.

Năm 1926, Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận vương triều Saudi Arabia, khi ấy nền quân chủ này mới được thành lập chứ chưa phải là đất nước Saudi Arabia như ngày nay. Vậy mà cách đây 10 năm, ông Putin là người đứng đầu nhà nước đầu tiên của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay tới thăm Saudi Arabia và hiện tại, ông Salman là Quân vương đầu tiên của Saudi Arabia tới thăm Nga.

Suốt nhiều thập kỷ, hai đối tác này ở hai phe khác nhau về ý thức hệ nên quan hệ không được tốt đẹp. Ngay cả hiện tại, hai bên xung khắc lợi ích rất cơ bản trong vấn đề Syria và trong quan hệ với Iran. Điểm sáng đáng kể duy nhất là sự hợp tác giữa hai bên nhằm ổn định giá dầu lửa trên thị trường thế giới. Thoả thuận hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực năng lượng này giúp Saudi Arabia duy trì được vai trò dẫn dắt trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và giúp Nga ở bên ngoài OPEC mà vẫn có được vai trò quan trọng trên thị trường dầu lửa thế giới.

Không chỉ vấn đề này có trên chương trình nghị sự của Quốc vương Salman ở Nga mà sự hợp tác ấy được hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ. Những chủ đề nội dung khác là vấn đề Syria và đặc biệt, chuyện Nga bán vũ khí hiện đại, dự kiến với tổng giá trị 3 tỉ USD, và chuyển giao công nghệ quân sự cho Saudi Arabia giúp cho chuyến thăm Nga này của Quốc vương Salman rất thành công. Xem ra, sau gần 9 thập kỷ, hai bên mới đứng trước thời kỳ trăng mật đầu tiên.

Ông Salman cần Nga vì chuyện dầu lửa đã đành, nhưng còn vì lợi ích chính trị an ninh. Saudi Arabia là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ, nhưng Mỹ hiện đang giảm dần cam kết và can dự vào khu vực Trung Đông và vùng Vịnh trong khi vai trò và ảnh hưởng của Nga, về chính trị cũng như quân sự, ngày càng vững và càng tăng. Muốn ngăn cản và ganh đua ảnh hưởng với Iran, cũng như thực hiện được lợi ích chiến lược ở Syria và khu vực, Saudi Arabia phải hợp tác và dựa cậy vào Nga chứ không thể xem nhẹ hoặc đối đầu Nga.

Thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia giúp Nga phân hoá được nước này và nhiều nước khác nữa ở khu vực với Mỹ và EU, giúp Nga thoát khó nảy sinh từ những biện pháp của Mỹ và EU trừng phạt Nga, tăng vị thế của Nga trong chính sách của những nước trong khu vực bị Saudi Arabia và đồng minh đối đầu như Syria, Iran hay Qatar, qua đó tăng cường được vai trò và ảnh hưởng của Nga ở khu vực này.

Cần nhau và có cái để cho nhau như thế, quan hệ giữa hai nước ở trước triển vọng chuyển giai đoạn và sẽ có tác động rất mạnh mẽ tới cục diện chính trị quyền lực và an ninh ở khu vực này.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cau-duoc-uoc-thay-568714.ldo

/ Hạ Lang/Lao động