Leon (4 tuổi) mắc chứng rối loạn tự kỷ cấp độ nhẹ, ghét đi học và khó kết bạn. Em đã thay đổi nhờ bức tranh vẽ hai người bạn của cô giáo.
Mẹ của Leon, chị Lana Hallowes, sống tại thành phố Sydney, chia sẻ câu chuyện về người thầy giúp con trai thoát khỏi cô độc, mở lòng với bạn bè.
Khi viết bài này, tôi nhớ đến câu trích dẫn: "Tất cả những gì một đứa trẻ cần là người thầy giúp thay đổi cuộc đời chúng". Câu nói này chắc hẳn sẽ làm các bạn nhớ đến những người thầy đặc biệt, những người đã làm thay đổi nhân sinh quan hoặc giúp bạn tin tưởng vào chính mình. Tôi sắp kể cho các bạn câu chuyện như vậy, nhưng nhân vật chính là con trai bốn tuổi rưỡi Leon, hiện học mầm non.
Vài tuần trước, con trai tôi vẫn là cậu bé cô độc tại trường mầm non, vật lộn với việc đi học và không thiết tha việc kết bạn. Cháu thậm chí chẳng quan tâm đến mọi người xung quanh, không nói chuyện cùng bất cứ ai mà chỉ chơi một mình.
Con trai tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tự kỷ cấp độ nhẹ. Ở nhà, cháu là cậu bé đáng yêu, hiểu biết và thích giúp đỡ các thành viên trong gia đình. Nhưng ở trường, giữa những người xa lạ, cháu bị căng thẳng, mệt mỏi và bối rối.
Leon thường chơi một mình ngoài sân chơi. Tôi cho rằng con trai muốn làm những gì mình thích và không quá bận tâm khi cháu thường chơi một mình. Tôi đã không nhận ra rằng cháu cũng cảm thấy cô đơn.
"Con không thích các hoạt động, con không thoải mái khi ở trường, con không có bạn bè", Leon từng khóc và la hét như vậy khi tôi mặc áo cho cháu đến trường. Nhưng rồi mọi chuyện bỗng thay đổi.
Các giáo viên tại trường mầm non luôn mong muốn giúp Leon cảm thấy tốt hơn, hòa nhập với mọi người nhưng cũng tôn trọng cảm xúc riêng của cháu. Các cô đã làm riêng cho Leon một cái lều để cháu chui vào đó nếu cảm thấy không thoải mái với sự ồn ào xung quanh.
Một ngày nọ, một cô giáo đã nghĩ ra phương pháp giúp Leon hiểu về sự hòa đồng. Cô ngồi xuống cùng Leon vẽ tranh. Bức tranh của cô vẽ hai người bạn trong lớp, Eli và Ronan. Hai cậu bé này là những người quảng giao nhất trong lớp và thường rủ Leon tham gia chơi cùng. Cô bảo Leon tự vẽ cháu bên cạnh Eli và Ronan, sau đó giải thích rằng Eli và Ronan là hai người bạn của cháu.
Bức tranh giúp Leon nhận ra mình không cô độc. Ảnh: Lana Hallowes |
Leon có khả năng học tập thông qua hình ảnh rất nhanh. Mỗi khi muốn con hiểu về hoạt động bất kỳ, ví dụ đi bệnh viện khi ốm hay đánh răng trước khi ngủ, tôi đều vẽ tranh. Tôi cảm thấy xấu hổ tại sao không nghĩ ra cách này để giúp con.
Thông qua bức tranh của cô giáo, Leon nhận ra mình cũng có những người bạn tốt bụng, các bạn đều muốn chơi cùng mình. Từ đó, con trai tôi vô cùng phấn khích, thích thú và bắt chuyện với hai người bạn mới.
Ngày hôm đó, khi trở về từ lớp học, Leon giơ bức tranh cho tôi xem và hỏi rằng: "Mẹ ơi, hai người bạn của con, Eli và Ronan có thể đến nhà mình để tổ chức tiệc được không?". Câu hỏi của con khiến tôi lặng người. Lần đầu tiên tôi nghe cháu nhắc đến ai đó là bạn mình. Lần đầu tiên cháu muốn rủ những người bạn về nhà.
Giờ đây, mỗi buổi sáng chuẩn bị đi học đã không còn là sự tra tấn, không còn tiếng khóc lóc, la hét. Leon chủ động dậy sớm, chuẩn bị quần áo và háo hức được đến trường. Mỗi ngày, cháu đều nói rằng hôm nay là ngày tốt lành vì được đến trường chơi cùng các bạn.
Leon không chỉ tin là mình có bạn, cháu còn học cách tương tác và chơi cùng bạn bè. Ba cậu bé, Leon, Eli và Ronan thường thích giả vờ là những chiếc ôtô để thi xem ai chạy nhanh hơn, hoặc cùng nhau chơi trò chơi đi xe bus, chơi trốn tìm.
Ngày hôm qua, con trai tôi đã "kết nạp" thêm thành viên cho nhóm của mình. Cháu kể về người bạn thứ ba tên là Harry, cậu nhóc vô cùng đáng yêu và tốt bụng. Leon đã đi ngủ trong sự phấn khích rằng ngày mai được đi học, được kết bạn với mọi người.
Trước đây, tôi luôn lo lắng nếu Leon đi học tiểu học, cháu sẽ đối mặt với bạn bè, thầy cô, trường lớp như thế nào. Giờ đây, tôi hoàn toàn có thể yên tâm, thậm chí hy vọng sớm đến năm học mới. Chắc chắn Leon sẽ phải vật lộn với nhiều khó khăn, nhưng tôi tin cháu đã học được cách kết bạn, hòa nhập với môi trường xung quanh và cháu sẽ hạnh phúc.
Tú Anh (Theo Babyology)