Cathay Pacific cảnh báo sẽ sa thải nhân viên tham gia cuộc đình công được lên kế hoạch vào ngày 2/9 – 3/9 với lý do vi phạm hợp đồng.
Tom Owen, một giám đốc của Cathay Pacific, đã gửi bản ghi nhớ nội bộ cho nhân viên hôm 30/8, cho biết việc tham gia hay ủng hộ cuộc đình công được lên kế hoạch đầu tuần tới của người biểu tình, có thể cấu thành hành vi vi phạm hợp đồng lao động.
"Chúng tôi hy vọng tất cả nhân viên của mình sẽ tiếp tục công việc như bình thường và trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các mức độ tham gia. Mọi hành vi vi phạm chính sách hoặc yêu cầu quy định đều bị điều tra và có thể dẫn đến chấm dứt hợp đồng", theo nội dung bản ghi nhớ.
Cathay Pacific trước đó đã sa thải ít nhất 4 nhân viên, bao gồm hai phi công, với cáo buộc hỗ trợ các cuộc biểu tình. Hãng hàng không cũng ban hành một bộ quy tắc ứng xử sửa đổi, đề nghị "không khoan nhượng" đối với nhân viên tham gia "các cuộc biểu tình bất hợp pháp".
Máy bay của Cathay Pacific chuẩn bị hạ cánh tại Hong Kong năm 2017. Ảnh: AFP. |
Cathay Pacific là một trong những doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề nhất từ các cuộc biểu tình kéo dài gần 3 tháng ở Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc ngày 9/8 yêu cầu Cathay Pacific cấm các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia biểu tình ở Hong Kong làm bất cứ công việc nào liên quan đến các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục. Một ngày sau, hãng hàng không tuyên bố đã cấm bay một phi công bị buộc tội gây bạo động ở Hong Kong và sa thải hai nhân viên mặt đất vì có hành vi sai trái.
Hành động sa thải nhân viên của Cathay Pacific khiến người biểu tình phản đối và lên kế hoạch người tập trung tại trụ sở hãng ở Cathay Pacific City trong sân bay quốc tế Hong Kong ngày 28/8, nhằm phản đối nhận thức về "khủng bố trắng", thuật ngữ mô tả các hành động ẩn danh tạo ra bầu không khí sợ hãi. Tuy nhiên cuộc biểu tình đã bị cảnh sát cấm.
Biểu tình chống dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ nghi phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục, ngày càng diễn biến phức tạp kể từ khi nổ ra hồi đầu tháng 6. Các cuộc biểu tình đã đẩy trung tài chính châu Á hứng chịu nhiều thiệt hại trên các lĩnh vực như kinh doanh, du lịch và bất động sản.
Bắc Kinh, với mong muốn dập tắt bất ổn trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1/10, đã nhiều lần cảnh báo sẽ áp dụng nhiều biện pháp và không "khoanh tay đứng nhìn" nếu chính quyền đặc khu không thể kiểm soát tình hình.
Ngọc Ánh (Theo AFP)