Cao tốc TP.HCM- Trung Lương- Mỹ Thuận sẽ được đầu tư mở rộng theo phương án nào?

Đối với dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc mở rộng khó còn con đường nào khác là triển khai đầu tư theo hình thức BOT.

Liên quan đến việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM- Trung Lương- Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã được triển khai theo theo hình thức BOT. Đối với dự án này, việc mở rộng khó còn con đường nào khác là triển khai đầu tư theo hình thức BOT.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phân cấp cho địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục thực hiện dự án mở rộng các đoạn tuyến, dự án mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giao cho tỉnh Tiền Giang nghiên cứu.

"Để dự án sớm được triển khai, các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT cần chủ động phối hợp, tham mưu làm việc với địa phương và doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư", ông Thắng đề nghị.

Đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương trước đây đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, nếu thực hiện mở rộng theo hình thức BOT sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.

antd-cao-toc-trung-luong-my-thuan-8679-7004-5328
Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã mãn tải dù mới đưa vào sử dụng và không có làn dừng khẩn cấp

“Thuận lợi nhất trong triển khai mở rộng dự án này là không phải GPMB. Với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ cần nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án theo phương án đầu tư công. Sau đó, có thể tiếp tục nghiên cứu cơ chế nhượng quyền thu phí”, Bộ trưởng nói.

Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài 61,9km, gồm 39,75km đường cao tốc (qua TP.HCM 1,15km; Long An 28,5km; Tiền Giang 10,1km) và các tuyến đường nối dài 22,1km với quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 9.844 tỷ đồng được thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Đến nay tuyến cao tốc này đã quá tải với lưu lượng xe tăng mạnh (hơn 50.000 lượt xe/ngày đêm). Sau khi dừng thu phí (năm 2019), tuyến cao tốc cũng đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn đảm bảo do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế (60-70Km/h), thường xuyên xảy ra ùn tắc và TNGT.

Đặc biệt, do tuyến chỉ mới đầu tư 4 làn xe cao tốc, không có 2 làn dừng khẩn cấp, tạo nút thắt cổ chai trong kết nối từ TP.HCM đến TP Cần Thơ.

Trong khi đó, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư phân kỳ với bề rộng nền đường 17m gồm 4 làn xe cao tốc rộng 3,5m và dải phân cách giữa, có bố trí điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng.

Trong thời gian khai thác, một số vấn đề cấp bách đã xuất hiện. Do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây hơn 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện.

Dự án giai đoạn 1 cũng chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2m (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10 km/1 dải/1 chiều). Việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng.

Căn cứ cơ sở phân tích trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

 
Theo ANTĐ