Sau gần 4 tháng khởi công, dù có thuận lợi lớn về mặt bằng thi công, song dự án cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ vẫn chưa thể bứt tốc vì khó khăn nguồn cát đắp nền đường.
Tăng tốc làm cầu, chọn đơn vị thi công
Bốn tháng kể từ ngày dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khởi công, dự án thành phần 1 đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp thi công.
Đảm nhận thi công 17km chiều dài tuyến, 17 cầu tại gói thầu số 42 thuộc địa phận TP Châu Đốc, Thiếu tá Nguyễn Đình Du, Phó giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Trường Sơn cho biết, với 80 kỹ sư, công nhân và gần 40 máy móc, thiết bị được huy động cấp tập thi công, cào bóc hữu cơ nền đường đạt 90% khối lượng theo thiết kế.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng bố trí 8 điểm bơm cát, 4 điểm đường tiếp cận để khi có cát về tới công trường sẽ bơm đắp nền ngay cho kịp tiến độ.
Tại dự án thành phần 2, ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án) cho biết, trong tổng số 4 gói thầu thuộc dự án, hiện 3 gói đã lựa chọn được đơn vị thi công.
Gói cuối cùng sẽ hoàn tất lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 10/2023. Trong thời gian chờ cát về công trường, 4 mũi thi công tại dự án đang được dồn lực triển khai một số hạng mục cầu.
Hiện 11 mũi thi công cũng đang rầm rộ triển khai tại dự án thành phần 3 với các hạng mục: Cào bóc hữu cơ nền đường, làm đường công vụ, đóng cọc cầu Xà No, cầu vượt quốc lộ 61C.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án này được chia thành hai gói thầu xây lắp.
Ngoài gói số 1 đã được khởi công vào tháng 6/2023, gói còn lại đã được chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Có mặt trên đại công trường dự án thành phần 4 "vắt" qua địa phận hai tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, ghi nhận của PV cho thấy, máy móc, thiết bị cũng đang được nhà thầu tổng lực thi công nền đường tại gói thầu xây lắp duy nhất được khởi công.
Ba gói thầu xây lắp còn lại đã được Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT) thẩm định. Hiện Ban Quản lý dự án 2 đang tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Giải phóng mặt bằng gần cán đích
Có địa hình trải dài đến hơn 188km qua địa phận 4 tỉnh, thành phố nhưng hiện cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được đánh giá là một trong các dự án giao thông trọng điểm thuận lợi nhất trong công tác GPMB.
Đi qua ba huyện của TP Cần Thơ là: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 96% tổng diện tích. Riêng huyện Cờ Đỏ đã hoàn tất công tác bàn giao.
Tại dự án thành phần 3, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đã chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng với diện tích khoảng 247ha, đạt hơn 95%.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến ngày 30/9/2023, tổng diện tích đất thu hồi dự án đạt hơn 1.125ha, đạt 92%.
Trong đó, tỉnh An Giang thu hồi hơn 368ha (đạt 94%), tỉnh Hậu Giang thu hồi gần 238ha (đạt hơn 91%), tỉnh Sóc Trăng thu hồi 312ha (đạt 94%) và TP Cần Thơ thu hồi hơn 207ha (đạt gần 86%).
Về công tác tái định cư, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 5.478 hộ. Trong đó, khoảng 721 hộ dân phải bố trí tái định cư tại 9 khu tái định cư.
Phục vụ công tác di dời của các hộ dân, 7 khu tái định cư đang triển khai xây dựng mới gồm: tỉnh An Giang 1 khu, tỉnh Hậu Giang 2 khu, tỉnh Sóc Trăng 4 khu và 2 khu tái định cư đã có sẵn trên địa bàn TP Cần Thơ.
"Nút thắt" ở nguồn cát đắp nền
Nhà thầu sẵn sàng nguồn lực, diện tích mặt bằng được bàn giao ngày càng mở rộng, song dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn chưa thể bứt tốc chạy đua tiến độ bởi lý do duy nhất là "đói" cát đắp nền.
Theo tính toán, toàn dự án cần hơn 31 triệu m3 cát đắp nền đường. Hiện An Giang đảm bảo cung cấp đủ vật liệu cho dự án thành phần 1 (khoảng 9,3 triệu m3, riêng năm 2023 là 2,3 triệu m3). Ba địa phương còn lại đều đang gặp khó khăn.
Trong đó, Cần Thơ và Hậu Giang không có mỏ vật liệu cát đắp, nguồn cát không đáp ứng yêu cầu cho dự án thành phần 2 và 3 (khoảng 14 triệu m3).
Giải quyết khó khăn này, tỉnh An Giang đã thống nhất cung cấp cho Hậu Giang và Cần Thơ khoảng 7,5 triệu m3 từ mỏ Bình Phước Xuân và một số mỏ được quy hoạch trên sông Hậu. Khối lượng khai thác dự kiến mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu của hai dự án thành phần.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cần khoảng 8 triệu m3 (riêng năm 2023 cần khoảng 1,5 triệu m3). Hiện địa phương đang hoàn thiện thủ tục khai thác 7 mỏ trong quy hoạch. Sau khi được khai thác sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Theo ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, vừa qua, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã có biên bản giao Cần Thơ nghiên cứu mỏ cát trên sông Tiền.
Trữ lượng mỏ này dự kiến khoảng 3,5 triệu m3. Các nhà thầu đang khảo sát, hoàn thiện các thủ tục, có thể đưa vào khai thác từ cuối năm 2023.
Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khó khăn nhất là công tác cấp phép mỏ cát mới còn chậm do thủ tục phức tạp, phải lấy ý kiến nhiều cơ quan.
Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến đến cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
"Tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN&MT sớm phối hợp cùng với Bộ Xây dựng và các tỉnh khu vực ĐBSCL xác định trữ lượng các mỏ vật liệu thông thường điều tiết cho các tỉnh khan hiếm", ông Nghiệp nói.
Sốt ruột trước khó khăn nguồn vật liệu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, Mai Văn Tân cho biết, UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ động làm việc với hai tỉnh An Giang, Vĩnh Long để được hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp theo nhu cầu khoảng 7 triệu m3.
Ngày 25/9, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL. Trong đó, dự án thành phần 3 được giao mỏ cát với trữ lượng dự kiến khoảng 3,5 triệu m3.
Với các mỏ này, chủ đầu tư đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 để dự án có nguồn vật liệu tăng tốc.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài hơn 57km, thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 dài hơn 37km thuộc địa phận TP Cần Thơ do UBND TP Cần Thơ làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 dài khoảng 37km nằm trên địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành thành phần 4 dài 57km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.