Đến hẹn lại lên, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian cao điểm của lễ hội truyền thống. Những ngày này, nhiều lễ hội lớn trên khắp cả nước đồng loạt được tổ chức. Ghi nhận ban đầu cho thấy, so với nhiều năm trước đây, việc tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều lễ hội lớn, từng là “điểm nóng” trong nhiều mùa lễ hội trước đây, đến thời điểm hiện tại đã giảm tải, tránh xảy ra các hiện tượng phản cảm, đáng tiếc trong quá trình tổ chức.
Đổi mới tổ chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành
Đêm 11/2 (14 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025), lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) được tổ chức trang trọng. Lượng khách đổ về vẫn cao nhưng không nhiều như vài năm trước đây. Ghi nhận trong đêm diễn ra lễ khai ấn, khá nhiều người đi lễ từ các địa phương khác tá túc ngay tại khu vực Đền Trần, nhẫn nại chờ đến giờ phát ấn vào sáng sớm hôm sau.
![Cao điểm mùa lễ hội: Nhiều “điểm nóng” đã không còn “nóng” -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/13/Le_hoi_3-1739406879496.jpg)
Chị Nguyễn Thu Trang đến từ Hà Nội cho hay, nhiều người đi lễ tá túc ngay tại Đền vì khách sạn đã hết phòng cho thuê… 5h sáng ngày 12/2 (Rằm tháng Giêng), những lá ấn đầu năm 2025 bắt đầu được Ban tổ chức và nhà Đền phát đến người đi lễ, du xuân. Khu vực phát ấn chật cứng người xin ấn nhưng không xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn gây mất an ninh trật tự. 8h sáng ngày 12/2, khu vực phát ấn khá thưa vắng. Lượng người đi lễ tại Đền Trần cũng không quá đông đúc.
Được biết, một trong những lý do về sự giảm lượng khách đổ về Đền Trần trong đêm khai ấn là vì Ban tổ chức đã lùi lịch phát ấn vào 5h sáng hôm sau, đồng thời bố trí đến 3 điểm phát ấn: Nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Đền Trần - Chùa Tháp cho biết, hàng vạn lá ấn đầu năm đã được Ban tổ chức lễ hội và nhà đền chuẩn bị để phát đến người dân và du khách. Để những lá ấn lộc đầu Xuân đến với người dân được thuận lợi, tốt đẹp, công tác chuẩn bị cho hoạt động phát ấn được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo.
Tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương), ngày 12/2, lượng khách không quá cao. Ông Bùi Văn Triều, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, thông thường, ngày 14 và Rằm tháng Giêng, khách về Chùa Hương không đông như dịp Tết Nguyên đán, ngày cuối tuần, ngày khai hội. Đến đầu giờ chiều ngày 12/2, Khu di tích đón khoảng 3.000 lượt khách. Nếu tính từ trước Tết đến nay, Khu di tích đã đón 227.000 lượt khách. Đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý chưa ghi nhận trường hợp phản ánh nào về mất an ninh trật tự, vi phạm an toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm… Không xảy ra ùn tắc cả trên đường bộ lẫn đường thuỷ.
Cũng theo ông Triều, kết quả này có được nhờ công tác chuẩn bị kỹ càng, tổ chức bài bản hơn, trên cơ sở rút kinh nghiệm liên tục từ các mùa lễ hội trước đó. Đáng chú ý, năm nay, Ban tổ chức tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý các di tích, tổ chức lễ hội. Đây là hoạt động đã được thực hiện từ năm 2023, đến nay được phát huy tốt hơn.
Điển hình, Ban tổ chức đã tích hợp các loại vé với nhau, dùng quét mã QR để khắc phục những tồn tại của các mùa lễ hội trước đây như mời chào, lôi kéo khách, nâng giá, ép giá, đồng thời công khai minh bạch hơn trong công tác quản lý, nộp thuế phí Nhà nước và chi trả công, lương cho người lái đò.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, liên tục kiểm tra, nhắc nhở, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản thực phẩm. Đối với du khách, Ban tổ chức cũng tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, phát thường xuyên trên hệ thống loa, hệ thống pano, bảng hướng dẫn, công khai các loại giá dịch vụ, thuế, phí… Dự kiến, đến hết mùa lễ hội năm 2025, Khu di tích danh thắng Hương Sơn sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách.
Chuẩn bị kỹ, bài bản để tránh hành vi không đẹp tại lễ hội
Trao đổi với chúng tôi về lễ hội năm nay, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay cả nước có 8.868 lễ hội, trong đó có 8.103 lễ hội truyền thống, 687 lễ hội văn hóa, 74 lễ hội ngành nghề, 4 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
Việc quản lý lễ hội được thực hiện theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, với những quy định cụ thể, phân cấp rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội. Theo đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được các cấp, ngành và địa phương thực hiện ngày càng bài bản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời phát huy hiệu quả trong việc gìn giữ, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội Việt Nam.
Qua theo dõi và kiểm tra, hầu hết các lễ hội được địa phương quản lý, tổ chức nghiêm túc, đúng quy định, đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ban tổ chức các lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội, góp phần đưa các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng, thực hiện lối sống văn hóa, nếp sống văn minh trong lễ hội.
Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi đề án được triển khai, các địa phương đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thu thập tài liệu, tổng hợp, hoàn thiện các mẫu biểu thống kê, bài viết, hình ảnh, video giới thiệu khái quát về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc trưng của lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Cục Văn hóa cơ sở hiện đã hoàn thành xây dựng phần mềm Cổng thông tin lễ hội Việt Nam (lehoi.com.vn) với hàng ngàn trang tư liệu, bài viết, hình ảnh, video giới thiệu các loại hình lễ hội của Việt Nam được cập nhật, qua đó lan tỏa thông tin chính xác, giúp mọi người hiểu rõ hơn về các lễ hội, từ đó có những ứng xử phù hợp hơn.
Riêng về mùa lễ hội năm 2025, ông Thắng cho biết, ngay từ đầu năm, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra những chỉ đạo, yêu cầu đối với công tác quản lý và tổ chức tốt các lễ hội.
Thực hiện chỉ đạo nói trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý công tác tổ chức lễ hội, kịp thời ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn về công tác quản lý, tổ chức; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát về hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch, lễ hội trong Tết và mùa lễ hội 2025.
Đến nay, việc quản lý và tổ chức các lễ hội triển khai đúng chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/cao-diem-mua-le-hoi-nhieu-diem-nong-da-khong-con-nong-i758932/