Cảnh dân đủng đỉnh mua vàng, trái ngược ở Hà Nội và TP.HCM

Trái với hình ảnh người xếp hàng chờ mua vàng ở TP.HCM, tại một số tỉnh phía Nam, người dân gần như không quan tâm đến sự biến động của thị trường này.

Ghi nhận của PV VTC News sáng 13/6 tại Bình Dương, các điểm mua bán vàng tại địa phương này không có nhiều thay đổi so với trước ngày 3/6, thời điểm 4 ngân hàng cùng SJC tham gia cung ứng vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại các tiệm vàng ở TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, người dân vẫc lác đác đến mua, chủ yếu là trang sức.

Anh Trần Văn Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Kim Long - lớn nhất nhì TP Thuận An, cho biết việc các ngân hàng bán vàng miếng SJC không ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh của các cửa hàng truyền thống như anh. Bởi từ trước đến nay, mặt hàng vàng bán ra tại tiệm đều là trang sức như dây chuyền, lắc tay, nhẫn…

Anh Trần Văn Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Kim Long ở Thuận An, Bình Dương. (Ảnh: Thy Huệ)

Anh Trần Văn Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Kim Long ở Thuận An, Bình Dương. (Ảnh: Thy Huệ)

Anh Tuấn cho rằng, việc ngân hàng bán vàng miếng cũng là một thí điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phải làm thế nào để việc mua bán dễ dàng, thuận lợi hơn cho người dân, không để người dân phải cực khổ xếp hàng từ tờ mờ sáng như những ngày qua.

Tại tiệm vàng Kim Thanh (vòng xoay Lái Thiêu, TP Thuận An), trong sáng nay, nhiều người dân cũng có mặt để mua trang sức vàng. Chị Đào Thị Thanh Thảo, chủ tiệm vàng Kim Thanh, cho biết lượng khách mua bán so với thời điểm giá vàng chưa “tăng dựng đứng” giảm khá nhiều.

"Hôm giá vàng lên đỉnh, người dân ồ ạt đem bán. Vào lúc vàng lên hơn 80 triệu đồng/lượng, người dân có lời vài ba trăm nghìn cũng đem bán. Sau mấy ngày biến động, đến giờ thì sức mua ít hẳn. Phần do tình hình kinh tế, phần do giá vàng vẫn cao”, chị Thảo nói.

Về việc các ngân hàng đang cùng SJC bán vàng miếng và rất đông khách tại TP.HCM, Hà Nội xếp hàng chờ mua, chị Thảo đồng quan điểm với chủ tiệm vàng Tuấn Kim Long. Chị cho hay các tiệm truyền thống như của chị không ảnh hưởng, vì trước đến nay không bán ra hay mua vào vàng miếng.

Các tiệm vàng nhỏ tại các địa phương chủ yếu bán trang sức và gần như không kinh doanh vàng miếng. (Ảnh: Thy Huệ)

Các tiệm vàng nhỏ tại các địa phương chủ yếu bán trang sức và gần như không kinh doanh vàng miếng. (Ảnh: Thy Huệ)

Cái lo của các chủ tiệm vàng này là quy định mua bán vàng, trang sức phải có hóa đơn chứng từ chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc. Theo anh Tuấn, người dân chủ yếu bán trang sức và không có hoá đơn. Anh đưa ra ví dụ nhiều cặp đôi vừa cưới xong và đem vàng được tặng đi bán, hầu hết số vàng này không có hóa đơn.

"Vấn đề chúng tôi lo là hoá đơn chứng từ, xuất xứ nguồn gốc. Nếu áp dụng thì rất khó và còn nhiều bất cập với các cửa hàng nhỏ. Chẳng nhẽ đi mừng đám cưới thì phải đưa luôn hoá đơn mua vàng cho người ta, rất kỳ. Mà người dân đến bán, mình không mua cũng khó. Biết là phải truy xuất nguồn gốc, nhưng phải làm sao đó cho hợp lý”, anh Tuấn nói thêm.

Tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), các chủ tiệm vàng cho biết không có biến động gì từ đầu tháng 6 đến nay. Người dân địa phương trước đến nay mua sắm vàng chủ yếu là nhẫn và nữ trang.

Các tiệm vàng gần như chỉ niêm yết giá 2 loại vàng là vàng 24k và vàng 18k. Trong đó vàng 24k phần nhiều là nhẫn tròn trơn và dây chuyền, lắc tay, vòng kiềng trang sức cưới mà tiếng địa phương quen gọi là vàng y. Vàng 18k hay còn gọi là vàng tây, là nữ trang các loại. 

Thói quen mua vàng của người dân nhiều tỉnh phía Nam vẫn là vàng nhẫn và nữ trang, với 2 loại vàng quen thuộc là vàng 18k và 24k. (Ảnh: Thy Huệ)

Thói quen mua vàng của người dân nhiều tỉnh phía Nam vẫn là vàng nhẫn và nữ trang, với 2 loại vàng quen thuộc là vàng 18k và 24k. (Ảnh: Thy Huệ)

Trả lời VTC News, nhân viên tiệm vàng Sỹ Linh, tiệm vàng lớn nhất nhì chợ Phan Thiết, cho biết khách hàng của tiệm gần như không ai hỏi vàng thẻ (vàng miếng) nên tiệm không có sẵn mà chỉ bán theo đặt hàng nhưng rất hiếm.

Khách mua vàng tại tiệm chủ yếu là vàng nhẫn 24k và nữ trang 24k. Nhưng gần đây giá vàng cao, sức mua giảm rõ. Có ngày tiệm chỉ đón một vài khách đến bán hoặc đổi nữ trang.

Giá vàng 24k tiệm này niêm yết trong ngày 13/6 là 7,05 triệu đồng/chỉ (mua vào), bán ra là 7,15 triệu đồng/chỉ. Vàng 18k giá bán ra 4,36 triệu đồng, mua vào 4,2 triệu đồng/chỉ.

Tại TP Sóc Trăng, ghi nhận của PV VTC News cũng cho thấy thị trường vàng không có gì biến động và các tiệm vàng vẫn chỉ mua bán vàng trang sức và vàng nhẫn nhưng sức mua rất yếu. Khách lác đác mua nữ trang hoặc đổi trang sức cũ lấy trang sức mới, gần như không có khách hỏi vàng miếng. 

Điểm giao dịch vàng miếng của SJC tại Cần Thơ ngày 12/6 cũng thông báo khách xếp hàng mua vàng. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Điểm giao dịch vàng miếng của SJC tại Cần Thơ ngày 12/6 cũng thông báo khách xếp hàng mua vàng. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Riêng tại Cần Thơ, nơi có 1 điểm bán vàng miếng giá bình ổn của SJC - SJC chi nhánh Miền Tây ở quận Ninh Kiều, lượng khách có nhu cầu mua vàng miếng khá đông. Theo SJC Miền Tây, từ ngày 3/6, là ngày bán vàng giá bình ổn, nhu cầu khách cần mua luôn cao hơn nguồn cung chi nhánh có. Do vậy, đơn vị này cũng áp dụng theo cách yêu cầu khách xếp hàng chờ mua theo thứ tự và mỗi người cũng chỉ được mua 1 lượng vàng.

Nguồn cung vàng miếng mỗi ngày tại SJC Miền Tây phụ thuộc nguồn phân bổ từ Tổng công ty và không được biết trước, có ngày như ngày 12/6 chỉ được cung ứng khoảng 20 lượng nhưng số khách có nhu cầu là gấp đôi.

Kim Khánh / cand.com.vn