- Kỹ năng phòng, chống bạo lực, ma tuý, thuốc lá điện tử trong học đường
- Công an Đà Nẵng triệt phá ổ ma túy, thu giữ hơn 16.000 viên hồng phiến
Cục Cảnh sát điều tra (CSDT) tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, một số loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận, lực lượng Công an các cấp đã chủ động, kịp thời nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo báo cáo của Công an các địa phương, từ 15/11/2021 đến 14/12/2022, trên toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “pha trộn”, “tẩm ướp”; trong đó khởi tố 48 vụ, 91 đối tượng, xử lý hành chính 3 vụ, 6 đối tượng.
Vật chứng thu giữ: 12,6kg MTTH (là hỗn hợp của Methamphatamine, MDMA, Ketamine, Nimetazepam...) dùng pha trộn thành gói bột pha “núp bóng” dưới các loại tên gọi “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffe”, “CHALI”...; 124,1kg và 40,7 lít ma túy loại ADB-BUTINACA dùng “tẩm ướp”, “pha trộn”, “núp bóng” dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử. Đặc biệt, quá trình bắt giữ các vụ ma túy “núp bóng", đã phát hiện chất ADB-4en-PINACA, là chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp nhưng không nằm trong danh mục chất ma túy theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho hay, hiện nay gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” dưới hai dạng: Các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng. Ma túy do tội phạm thực hiện hành vi “pha trộn”, “tẩm ướp”, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa “pha trộn”, “tẩm ướp” này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó, cần sa là một loại ma túy tự nhiên, bị lạm dụng từ nhiều năm qua ở nhiều nước trên thế giới, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng.
Đơn cử, ngày 29/11, bà P.T.C., ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội (56 tuổi) có ăn 2 miếng bỏng ngô do con bà đặt mua trên mạng internet từ trước đó. Sau khoảng 1 giờ, bà C. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn, ý thức lơ mơ, bà C đã được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Các bác sĩ cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân C. trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC, một chất chính có trong cần sa. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ và đã qua cơn nguy kịch. Sau sự việc trên, phía cơ sở bán loại bỏng ngô này đã cắt liên lạc.
Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, gần đây, tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới, chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, thông qua thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA. Các chất ma túy này sẽ gây ảo giác, có thể xuất hiện co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.
Thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Trẻ em không may nuốt, uống hoặc hấp thụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật.
Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong. Ngoài ra, chúng ta cũng cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất vẫn có. Trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hóa chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.
Đơn cử, ngày 25/10/2021, học sinh trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị ngộ độc ma túy cần sa (THC) sau khi ăn kẹo xách tay từ nước ngoài về. Tháng 5/2022, vụ việc 5 người bị ngộ độc ma túy tại huyện Đông Anh, Hà Nội sau khi ăn socola hiệu Chill Max có chứa chất ma túy ADB - BUTINACA.
Tháng 7/2022, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành cấp cứu nữ sinh 20 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ ngộ độc. Qua xét nghiệm tại Viện Pháp y Quốc gia đã phát hiện mẫu thuốc lá điện tử này chứa chất ADB-BUTINACA.
Ngày 30/11/2022, vụ việc bé trai 5 tuổi, sau khi nhặt được và uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng trong lọ thuỷ tinh của thuốc lá điện tử, 15 phút sau đó người nhà phát hiện trẻ co giật toàn thân, nôn, hôn mê. Ngay lập tức cháu được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi các bác sỹ thăm khám, các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống nhanh chóng được xét nghiệm và có kết quả dương tính ma tuý tổng hợp mới ADB-BUTINACA. Mặc dù tình trạng ban đầu trẻ bị tổn thương thần kinh nặng đến mức co giật, hôn mê, suy hô hấp nhưng sau thời gian điều trị tích cực cháu bé đã may mắn hồi phục tỉnh lại...
Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo loại ma túy được sản xuất dưới các dạng viên, dạng lỏng, dạng bột, dạng tem giấy… mà còn được trộn vào nhiều loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo, đồ uống. Điển hình, tháng 4/2022, Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 10 gói bột pha nước giải khát, có mùi thơm và nghi chứa ma túy ngụy trạng dưới dạng nước trái cây (nho, xoài, dâu, đông trùng hạ thảo).
Qua giám định thành phần, phát hiện mỗi gói có khối lượng khoảng 7 gam, chứa nhiều chất ma túy tổng hợp như MDMA, Methamphetamine, Nimetazepam và các chất phụ gia nguy hại. Đây đều là loại ma túy dạng mới được Bộ Công an ra cảnh báo trước đó và lần đầu tiên xuất hiện tại TP Đà Nẵng.
Trước tình hình tội phạm ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này. Công an các địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy.
Trong đó có nêu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy như: giao dịch, mua bán của đối tượng chủ yếu diễn ra trên không gian mạng; sử dụng tài khoản mạng xã hội (zalo, viber, telegram, instagram...) để thỏa thuận số lượng, giá cả, sau đó thuê các đơn vị, cá nhân vận chuyển mà không trực tiếp giao dịch với nhau.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chỉ ra cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng “pha trộn”. Thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến tội phạm ma túy “núp bóng" dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; phối hợp với nhà trường, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật về ma túy. Đặt biệt, để phòng tránh thực trạng này, cần thiết phải có sự chung tay vào cuộc của lực lượng chức năng, sự ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo người dân.