Nhiều người thường nhầm lẫn giữa bệnh zona thần kinh và giời leo, từ đó chủ quan cho rằng đây chỉ là một dạng viêm da thông thường.
Tuy nhiên, việc tự ý điều trị zona thần kinh bằng các mẹo dân gian có thể dẫn đến nhiễm trùng, biến chứng về thần kinh, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Hiểu đúng về bệnh zona thần kinh
Khác với những gì nhiều người nghĩ, zona thần kinh không phải là một bệnh nhiễm trùng mới, mà là sự tái phát của virus gây bệnh thủy đậu - virus Varicella zoster (VZV). Bệnh chỉ xuất hiện ở những người đã từng bị thủy đậu trước đó.
Triệu chứng điển hình của zona là các mụn rộp (mụn nước) mọc trên nền da đỏ, chứa dịch viêm màu hồng và có áp lực cao khiến vùng da trở nên căng bóng. Các mụn nước này có thể kết lại thành từng đám, khi đó, áp lực bên trong giảm đi, khiến da bớt căng hơn.
Trong khi đó, bệnh giời leo là từ gọi chung có các hiện tượng viêm da dị ứng do tiếp xúc với côn trùng có độc tính. Biểu hiện của giời leo dễ bị nhầm lẫn với zona thần kinh vì cũng gây bỏng rát và tổn thương da. Tuy nhiên, nguyên nhân hoàn toàn khác biệt: Đây là phản ứng viêm da do axit phosphoric hữu cơ tiết ra từ một số loài côn trùng.
Trong đó, bọ giời, một loại côn trùng có khả năng phát sáng màu xanh lục vào ban đêm, thường được nhắc đến vì khi bò lên da, nó để lại chất nhầy chứa axit photpho hữu cơ gây bỏng da. Nếu bị đè nát, mức độ tổn thương sẽ nghiêm trọng hơn, không còn là những vệt dài mà lan rộng thành mảng lớn. Chính vì thế, dân gian gọi bệnh này là “giời leo”.
Đáng lo ngại, bệnh zona thần kinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người cao tuổi. PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết: “Cứ 3 người lớn thì có 1 người mắc zona. Đáng chú ý, hơn 90% người trên 50 tuổi mang virus VZV tiềm ẩn trong hệ thần kinh, và do đó có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh”.
Một trong những biến chứng thường gặp là đau dây thần kinh sau zona - tình trạng có thể kéo dài trên 3 tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, dù hiếm gặp, zona còn có thể gây mù lòa nếu tổn thương ở mắt, hoặc mất thính lực nếu ảnh hưởng đến tai. Một số nghiên cứu cũng ghi nhận mối liên hệ giữa bệnh zona và các biến cố tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ.
Tiêm vắc xin để phòng tránh biến chứng
Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc zona thần kinh với các triệu chứng nổi bật như phỏng nước kéo dài, đau nhức dữ dội. Tuy nhiên, do nhầm lẫn với bệnh giời leo do côn trùng gây ra, nhiều bệnh nhân đã chủ quan, tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian như đắp đậu xanh, lá cây, bôi dầu gió, thoa mật ong... Những cách chữa “mẹo” này không những không hiệu quả mà còn khiến vùng da tổn thương nặng hơn, dễ dẫn đến biến chứng như bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn hoặc vi nấm), nhiễm trùng da và để lại sẹo.
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Nhiều bệnh nhân nhập viện vì zona thần kinh thường đã có tổn thương da nghiêm trọng kèm theo tình trạng đau dây thần kinh kéo dài. Đây là bệnh phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được điều trị kịp thời, zona thần kinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng. Bệnh thường biểu hiện bằng những mảng da mẩn đỏ, xuất hiện các mụn nước nhỏ chứa dịch, mọc thành cụm và phân bố thành dải - thường thấy ở vùng eo lưng hoặc mạn sườn. Người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội dọc theo đường đi của dây thần kinh. Đáng lưu ý, cơn đau có thể kéo dài hằng tháng, thậm chí nhiều năm sau khi các tổn thương ngoài da đã lành - hiện tượng này được gọi là đau dây thần kinh sau zona".
Do đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là những người có bệnh lý nền hoặc hệ miễn dịch suy giảm, nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh zona thần kinh. Việc tiêm vắc xin không chỉ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn làm nhẹ mức độ nghiêm trọng nếu không may nhiễm bệnh. Đây là một biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, khi xuất hiện các dấu hiệu sớm như đau rát, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước ở vùng da, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc, đắp lá cây, bôi dầu gió, thoa mật ong hay các loại “thuốc dân gian” khác, vì có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm và tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.