Cảnh báo lừa đảo “đu” theo sinh trắc học

Việc thực hiện sinh trắc học là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tăng cường tính bảo mật cho khách hàng, giúp hạn chế tình trạng lừa đảo. Song, các hình thức lừa đảo cũng nhanh chóng biến tướng theo.

Đã “khớp” 16,6 triệu tài khoản

Thông tin từ NHNN cho biết, hiện nay hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 đến 2023 đạt hơn 100%/năm.

kvsinhtrachoc1.jpg -0
Giao dịch chuyển tiền qua tài khoản từ 10 triệu đồng trở lên phải xác nhận sinh trắc học. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng đem lại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. 

Vì vậy, để bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản từ 10 triệu đồng trở lên thì ngân hàng yêu cầu phải xác nhận sinh trắc học. Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ nên sẽ an toàn hơn. Trường hợp khách hàng mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không. Những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip đã được ngân hàng hướng dẫn và hỗ trợ khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng.

Tính đến 17h ngày 3/7, đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả,... Thống kê cho thấy trong 3 ngày đầu tháng 7, toàn hệ thống thực hiện trung bình khoảng 23 triệu giao dịch mỗi ngày, trong đó có trên 1,9 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm 8,2% tống giá trị giao dịch, cao hơn mức bình quân của tháng 6/2024. "Chỉ có hơn 8% giao dịch phải xác thực sinh trắc học, còn gần 92% giao dịch bình thường, nên không có chuyện tắc nghẽn. Một số trường hợp tắc nghẽn cục bộ trong ngày đầu tiên áp dụng đã được xử lý, đến ngày 2-3/7, cơ bản mọi giao dịch đã thông suốt”, ông Dũng cho biết thêm.

Dù yêu cầu bắt buộc xác thực sinh trắc học mới chỉ bắt đầu từ ngày 1/7 nhưng ngay lập tức, trên không gian mạng đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng tình huống khách hàng gặp khó khăn khi thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học nhằm chiếm đoạt thông tin. Một số ngân hàng như Vietcombank, Agribank… đã cảnh báo khách hàng về việc các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để hỗ trợ cập nhật thông tin, từ đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ hoặc gửi đường link giả mạo để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Sinh trắc học để bảo vệ khách hàng

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho hay rủi ro an ninh mạng trong bối cảnh hiện nay là rất lớn, nếu không quản lý được việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản để giao dịch là chính chủ, bất kỳ tội phạm nào cũng có thể lợi dụng. Theo đồng chí Tùng, việc lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngành ngân hàng giờ đây đã trở thành một "nghề kiếm tiền" của nhiều đối tượng. Các đối tượng lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, quy mô mỗi tổ chức lên tới hàng trăm người, ngồi văn phòng, phân vai nhiệm vụ rõ ràng: Có nhóm chuyên nghiên cứu kịch bản; có nhóm được đào tạo để thực hiện kịch bản lừa đảo, ứng biến với các tình huống sau vài tháng học việc; có nhóm xử lý dòng tiền… Các kịch bản được các đối tượng lừa đảo “sáng tạo” rất nhanh. Cụ thể, ngành ngân hàng mới thực hiện xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7 thì ngay lập tức đã xuất hiện hình thức lừa đảo giả danh cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân xác thực sinh trắc học. Các đối tượng giả danh cũng ngày càng chuyên nghiệp, thành thạo.

Trước đây, các đối tượng lừa đảo giả danh công an, cán bộ kiểm soát dễ bị phát hiện bởi sử dụng nhiều khái niệm, câu lệnh còn sai thì hiện nay, tất cả câu lệnh, thuật ngữ chuyên ngành đã được các đối tượng sử dụng gần như hoàn toàn chính xác. Việc xử lý dòng tiền cũng được các đối tượng lừa đảo xử lý rất nhanh. Sau khi tiền lừa đảo về tài khoản người nhận (đều là tài khoản không chính chủ mua từ người khác), chỉ cần vài giây là dòng tiền tỏa đi các hướng.

Đơn cử trong năm 2023, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an Quảng Bình phát hiện đường dây lừa đảo trên mạng với 300 đối tượng. Chính vì vậy, theo đồng chí Tùng, việc ngành ngân hàng thực hiện yêu cầu xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng hết sức quan trọng.

Từ phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết thời gian tới, nhằm thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng, NHNN tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán; đồng thời nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác (như dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử…) và kết nối thanh toán xuyên biên giới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đa dạng...

ơ quan Công an khuyến cáo 4 “chiêu” lừa đảo phổ biến

Thứ nhất là mạo danh các cơ quan tổ chức, cá nhân có uy tín, người thân, ngân hàng… chiếm 50% hoạt động, phương thức lừa đảo.

Thứ hai là mời gọi đầu tư vào loại hình kinh doanh trên mạng. Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã kêu gọi đầu tư vào sàn vàng, sàn chứng khoán quốc tế… Theo đó, đối tượng dụ người chơi bằng cách cho đánh thắng vài lần, tài khoản tăng lên vài lần nhưng không rút tiền ra được. Muốn rút được tiền, người chơi phải nộp thêm tiền. Cứ như vậy, có nhà đầu tư đã mất đến 20-30 tỷ đồng.

Thứ ba là dùng thông tin nhạy cảm để tống tiền, chủ yếu đánh lừa tình cảm, sau đó dẫn dụ nạn nhân gửi thông tin, video, hình ảnh nhạy cảm sau đó dùng những clip nhạy cảm này đe dọa và tống tiền. Thời gian qua có rất nhiều người, có cả người làm trong cơ quan nhà nước bị sập bẫy. Hoạt động lừa đảo này rất chuyên nghiệp, có tổ chức và có kịch bản rõ ràng.

Thứ tư là lừa cài ứng dụng chứa mã độc hại để chiếm quyền sử dụng tài khoản.

https://cand.com.vn/phap-luat/canh-bao-lua-dao-du-theo-sinh-trac-hoc-i736468/

Hà An / CAND