Chuyện tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn bị ngã đổ mới đây không phải là trường hợp duy nhất, mà chính xác là trường hợp mới nhất nói lên chất lượng thi công các công trình kiểu này.
Một bức tượng trong cụm tượng đài Chiến thắng tại TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, bị gãy đổ trong tối 9.8 |
“Tượng mà thế thì hóa ra tượng ma nơ canh à !”
Một đứa trẻ con hay người lớn va chạm thôi mà tượng đổ thì rõ ràng là về kết cấu có vấn đề, thi công cũng có vấn đề Cảnh báo chất lượng tượng đài - ảnh 2 Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) |
Chỉ mới khánh thành được 2 năm, tối 9.8, một phần cụm tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn có vốn đầu tư 14 tỉ đồng đã gãy đổ làm một em bé bị thương ở chân. Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Kạn, cho biết tượng đã được nghiệm thu mỹ thuật, song chưa quyết toán. Người đứng đầu Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Kạn nói thêm, tượng làm bằng đá xanh, sau khi đục các phần thì được gắn với nhau bởi các lớp keo, có thể sau thời gian, lớp keo không còn kết dính nên bị xô lệch khi có tác động của ngoại lực. Theo ông Trường: “Trẻ con trèo rồi đu lên tay lên đầu tượng thì làm gì mà nó chẳng gãy”. Ông cũng cho rằng, không thể dựng hàng rào để ngăn trẻ trèo lên tượng vì điều đó làm giảm yếu tố mỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho rằng cách giải thích của ông Trường hoàn toàn không chấp nhận được.
“Một đứa trẻ con hay người lớn va chạm thôi mà tượng đổ thì rõ ràng là về kết cấu có vấn đề, thi công cũng có vấn đề. Mỗi tượng đài đều phải có tính toán riêng về mặt kết cấu để bền vững. Việc tượng gồm nhiều thớt gắn với nhau cũng thường gặp trong điêu khắc. Loại tượng này không có gì khó thi công cả, có hệ thống cốt lõi, khớp để giằng với nhau. Các cốt lõi có vấn đề thì nó mới rơi dễ như thế. Một cái tượng phải đảm bảo bền vững như nhà 5 tầng, thậm chí động đất nó cũng không đổ. Tượng mà thế thì hóa ra tượng ma nơ canh à!”, ông Thành nói.
Vết gãy |
Đi tù vì rút ruột tượng đài
Ngày 10.8, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Kạn chủ trì cuộc họp báo để thông tin sự việc. Qua xác minh của cơ quan chức năng, cháu bé bị thương là Lường Văn Trân (12 tuổi, trú tổ 11A, P.Sông Cầu, TP.Bắc Kạn) đã được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn trong tình trạng bị bong dây chằng chéo đầu gối chân trái, phải bó bột để cố định. Em Trân được xác định có trèo lên tượng đài khiến một phần thân tượng bị gãy đổ rơi xuống đất dẫn tới chấn thương |
Năm 2011, vụ án rút ruột 100 tấn đồng của tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP.Điện Biên Phủ) kết thúc bằng nhiều án tù với tội danh tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ - quyền hạn khi thi hành công vụ. Năm 2004, khi hoàn thành, công trình được coi là tượng đài bằng đồng lớn nhất nước, nặng 220 tấn. Tuy nhiên chỉ vừa khánh thành, hiện tượng nứt, lún, gỉ sét đã xảy ra.
Năm 2015, sự cố thiên tai đã làm lộ ra yếu kém trong thi công công trình biểu tượng xã Đông Triều (Quảng Ninh). Sau mưa lớn kèm sấm sét, phần đỉnh cột phù điêu, bút tháp của cụm tượng đài văn hóa ở H.Đông Triều bị vỡ, rạn nứt và một bộ phận bút tháp rơi. Kiểm tra hiện trường và hồ sơ, cơ quan chuyên môn khẳng định phần móng cụm tượng và cột phù điêu được thiết kế trên nền cọc bê tông cốt thép và phần đồi thiết kế đắp đất trên nền đất tự nhiên, dẫn đến việc lún không đều gây rạn nứt khu vực tiếp giáp. Công trình do Công ty cổ phần TNHH mỹ thuật Hữu Nghị Hà Nội thi công, tổng giá trị dự toán lên tới 24 tỉ đồng. Đây cũng chính là công ty thi công tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn.
Cũng là câu chuyện chất lượng kỹ thuật làm tượng đài, ngày 10.8, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết mới đây UBND tỉnh đã quyết định giao vai trò chủ đầu tư dự án tượng đài N’Trang Lơng cho Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh. Trước đó, chủ đầu tư công trình này là Sở VH-TT-DL Đắk Nông. Theo bà Hạnh, hiện công trình vẫn đang tạm dừng thi công để Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành thanh tra, đánh giá đầy đủ sự cố về kỹ thuật.
Dự án tượng đài N’Trang Lơng được khởi công vào tháng 5.2015, tại P.Nghĩa Đức, TX.Gia Nghĩa, với tổng kinh phí 147 tỉ đồng. Công trình mới xây dựng các hạng mục móng, bệ tượng, hệ thống chống sét trị giá hơn 1,7 tỉ đồng thì tạm dừng thi công trong năm 2016 do không đạt yêu cầu chất lượng. Tháng 9.2016, Sở Xây dựng Đắk Nông kiểm tra công trình, phát hiện 9/10 vị trí cột có cường độ bê tông thấp hơn cường độ thiết kế; 1/3 sàn bê tông không bảo đảm yêu cầu, móng không đáp ứng được tải trọng của tượng...
Phần móng tượng đài N’Trang Lơng qua kiểm tra không đạt yêu cầu |
Tượng đài xấu, thiếu tính biểu tượng Chưa nói đến chất lượng, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho rằng các tượng đài hiện rất giống nhau và rất xấu, không đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của trang trí không gian, của nhu cầu thẩm mỹ người dân. Một lỗi tượng đài nữa bị phàn nàn là lấy tượng nhỏ vốn để trưng bày bảo tàng rồi phóng to lên làm tượng đài. Theo TS Phạm Hoàng Vân (ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), đó chính là trường hợp của tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tượng đài này được phóng to từ tác phẩm vốn được sáng tác để trưng bày bảo tàng của tác giả Nguyễn Hải chứ không phải thiết kế riêng cho tượng đài ngoài trời. Chính vì thế, theo ông Vân, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ thiếu tính biểu tượng. |