Để tối ưu nguồn lực, các doanh nghiệp cho rằng nên triển khai các kho cảng LNG trung tâm, cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh thay vì xây dựng các kho cảng riêng biệt gắn với từng dự án điện sử dụng LNG.
Theo phụ lục của Quy hoạch điện VIII, có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước. Thông tin sơ bộ cho thấy, để cung cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện này, các chủ đầu tư chủ yếu dự kiến sẽ hợp tác đầu tư, xây dựng các kho cảng LNG riêng biệt, gắn liền với các dự án điện. Việc này dẫn đến công tác đầu tư các kho cảng LNG bị rời rạc, phân tán nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích tổng thể quốc gia và khả năng chậm tiến độ khi triển khai các dự án kho cảng LNG với số lượng lớn.
Trong khi đó nếu xây dựng theo mô hình “kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh” sẽ giúp tối ưu chi phí cho tất cả các khâu bao gồm: mua nguồn LNG, đầu tư hạ tầng, phân phối và truyển tải, góp phần giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu.
Kho cảng LNG Thị Vải
Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan ủng hộ quan điểm phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) để cấp nhiên liệu chung cho toàn bộ các nhà máy điện sử dụng LNG vệ tinh. Bên cạnh sẽ tối ưu về chi phí, mô hình kho cảng LNG trung tâm còn giúp tận dụng tối ưu tài nguyên diện tích cảng biển và mặt nước cho các mục đích khai thác và phát triển kinh tế khác.
Ngày 12/10 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, trong đó về LNG, Đoàn giám sát kiến nghị xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...
Trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 có 13 dự án LNG. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất dự kiến là 83 tỷ kWh. Để đáp ứng khí cho 13 dự án này cần tổng công suất kho chứa có thể cung cấp được 15 – 18 triệu tấn LNG/năm. Hiện nay, chỉ có duy nhất dự án kho chứa LNG Thị Vải với công suất (giai đoạn 1) 1 triệu tấn LNG/năm được đưa vào vận hành.