- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng quá 'nóng', dễ xảy ra vấn đề
- Trái phiếu doanh nghiệp: “Quản” nhưng đừng “siết”!
- Sớm hoàn thiện "hạ tầng" pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường bất động sản vô cùng nhạy cảm khi nó liên quan đến hàng loạt ngành, lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả ngân hàng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc siết trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản, phải hết sức thận trọng, linh hoạt để không “bóp nghẹt” thị trường non trẻ này và không gây đổ vỡ hệ thống.
Thị trường vốn “khựng lại” khiến doanh nghiệp lao đao
Sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 lô trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã để lại hệ quả nặng nề không chỉ với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà cả thị trường chứng khoán, thậm thí đã nhen nhóm nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), trong tháng 4-2022 không có bất kỳ doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Còn trong tháng 5 (tính tới 27-5), một vài doanh nghiệp thuộc ngành này đã “rón rén” phát hành trở lại, nhưng khối lượng là không đáng kể. Không chỉ vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu bất động sản đã có chuỗi lao dốc kéo dài, khiến vốn hóa nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” tới trên dưới 50%.
Như vậy, nếu ví trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngân hàng là như chiếc kiềng 3 chân để đảm bảo cân bằng trong hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, thì đến nay 2 chân đã khuỵu xuống. Trong khi đó, dù không có động thái chính thức để siết tín dụng bất động sản, nhưng bản thân các ngân hàng từ lâu cũng đã nhận thấy rủi ro từ thị trường này. Do đó, để nói ngân hàng mở thêm “van tín dụng” với các doanh nghiệp bất động sản thời điểm này gần như là không thể.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện nay ngành ngân hàng không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng bất động sản, nhưng luôn cảnh báo rủi ro và bản thân các ngân hàng phải thận trọng với các khoản vay này. Thực trạng hiện nay đến 70% tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng là bất động sản - một con số quá lớn. Khi giá bất động sản đang bị đẩy cao, nếu thị trường này có vấn đề thì bản thân các ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro vì tài sản đảm bảo không bán được.
Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tháng 10-2022 tới, các ngân hàng phải thực hiện đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30%. Do đó, tín dụng bất động sản (tín dụng trung và dài hạn) sẽ gặp áp lực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng lộ trình này cần thiết phải thực hiện để đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay của các ngân hàng. “Cần phải xác định lại thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Trong đó, ngành ngân hàng là thị trường tiền tệ, cung ứng vốn ngắn hạn, còn thị trường vốn là chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cung cấp vốn trung dài hạn. Nên không thể thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề để “đổ hết lên đầu” ngân hàng được, ngành ngân hàng không thể thay thị trường vốn được” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lo lắng việc siết trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến bất động sản dẫm vào vết xe đổ, đóng băng như năm 2008 và 2011. “Tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giống như 2 lỗ mũi của doanh nghiệp, nếu bịt cả 2 thì doanh nghiệp sẽ phá sản. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với khó khăn thanh khoản” - ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Loay hoay “mở” rồi lại “siết”
Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang tồn tại hàng loạt vấn đề. Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu. Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn, hoặc phát hành để chuyển vốn lòng vòng nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Về tài sản đảm bảo của trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Do đó, trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Đáng nói, theo Bộ Tài chính, trên thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.
Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trước thực tế đó, cùng với hoạt động thanh, kiểm tra thì Bộ Tài chính đang hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thị trường này. Từ năm 2018 đến nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp và đang trình tiếp Nghị định sửa đổi. Tuy vậy, thị trường phát triển quá nhanh, khiến chính sách không theo kịp, cơ quan quản lý thể hiện rõ sự lúng túng khi qua 5 lần lấy ý kiến, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 vẫn chưa thể hoàn thiện.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích, các quy định siết trái phiếu doanh nghiệp của dự thảo sửa đổi nghị định này, nếu được ban hành có thể khiến 70 - 80% doanh nghiệp phải rời cuộc chơi trái phiếu.
Không nên “bóp nghẹt” thị trường
Dù động thái chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã khiến quy mô phát hành và dòng tiền đầu tư vào thị trường này sụt giảm mạnh 2 tháng trở lại đây, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, về dài hạn, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đồng loạt tung các “lực lượng” rà soát lại toàn bộ thị trường trong thời điểm nhạy cảm này có thể phản tác dụng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, suốt một thời gian dài cơ quan chức năng đã không giám sát thường xuyên, đến khi xảy ra vài sự cố thì quay lại giám sát chặt khiến thị trường này gần như bị đình lại toàn bộ. “Hiiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị chương trình thanh tra hàng loạt công ty kiểm toán và công ty chứng khoán. Việc thanh tra hàng loạt là không tinh tế, đáng lẽ làm thường xuyên chứ không phải giờ mới tung lực lượng đi thanh tra” - ông nói. Vị chuyên gia cũng cảnh báo, việc siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì nguy cơ vỡ nợ là thấy rõ. “Hiện nay, có khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn. Nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại?” - ông Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo nhiều chuyên gia, rủi ro cũng chính là một yếu tố tồn tại ở bất kỳ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nào trên thế giới. Có một nguyên lý gần như mặc định là trái phiếu doanh nghiệp rủi ro hơn tiết kiệm ngân hàng, nhưng an toàn hơn thị trường chứng khoán. Do đó, nếu muốn an toàn, nhà đầu tư nên gửi tiết kiệm. Còn muốn lãi suất cao khi mua trái phiếu doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải chấp nhận mức độ rủi ro nhất định. Không có hình thức đầu tư nào là an toàn 100%, vì vậy các cơ quan quản lý cũng phải có hướng mở để thị trường này phát triển. Đồng thời bản thân các nhà đầu tư cũng phải nâng cao hiểu biết của mình trước khi quyết định đầu tư, bởi nếu không có kiến thức, bạn có thể mất tiền ở bất kỳ thị trường nào, khi đầu tư bất kỳ sản phẩm nào, không riêng gì trái phiếu doanh nghiệp.