Cần thêm những điều chỉnh linh hoạt và thiết thực

Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Chính vì thế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

bao hiem.jpg -0
Người lao động mong muốn có thêm nhiều điều chỉnh linh hoạt trong chính sách BHXH.

Đáp ứng nguyện vọng của người lao động

Bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng.

Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng). Điều này cho thấy, lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng.

Theo bà Minh, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.

“Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200.000 đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng). Điều đó càng minh chứng rõ nét chính sách của Nhà nước ta rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu", bà Minh cho biết.

Cũng theo bà Minh, đề xuất giảm số năm đóng BHXH cũng chính là để đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT để chăm lo cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi về già. Đề xuất này cũng nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình). Ngoài ra, trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.

Tuổi nghỉ hưu cũng nên linh hoạt

Việc giảm số năm đóng BHXH sẽ tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi được cho nhiều người lao động hơn. Tuy nhiên, từ góc độ của người lao động, họ vẫn mong muốn cơ quan xây dựng chính sách BHXH cần có thêm điều chỉnh linh hoạt hơn nữa để phù hợp với thực tế của người lao động ở từng ngành nghề hiện nay. Từ đó mới đề xuất điều chỉnh chính sách BHXH một cách sát sườn với cuộc sống của người lao động.

Hơn chục năm làm công nhân may tại KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), chị Trần Thị Thanh cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm để được hưởng lương hưu với những người như chị là rất có lợi. Chị đã tham gia BHXH được 12 năm, chỉ cần tiếp tục tham gia BHXH thêm 3 năm nữa là đủ điều kiện để được hưởng lương hưu.

“Tuy vậy, câu chuyện ở đây là việc giảm năm đóng nhưng tuổi nghỉ hưu thì lại tăng lên. Đủ điều kiện nhận lương hưu nhưng chưa đến tuổi thì cũng không được nhận. Đi làm từ năm 20 tuổi, nếu đóng BHXH liên tục thì đến 35 tuổi là người lao động đã đủ điều kiện có lương hưu, nhưng phải chờ đến tuổi 60 mới được nhận thì công nhân, người lao động mấy ai chờ được? Tôi nghĩ rằng đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít công nhân, lao động như chúng tôi đã rút BHXH một lần thời gian qua. Các cơ quan xây dựng chính sách không nên thấy nhiều người rút BHXH một lần mà cho rằng họ không nghĩ về tương lai khi về già. Lương thấp, cuộc sống khó khăn, lo trước mắt chưa xong thì làm sao nghĩ xa đến mấy chục năm sau được. Cho nên tôi nghĩ rằng phải thay đổi chính sách thế nào để người lao động họ không muốn rút, kể cả những đề xuất trong thời gian tới là việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm và thấp hơn. Nhưng vấn đề người lao động nhận thấy không phải là số năm đóng BHXH mà là tuổi nghỉ hưu quá cao, cách tính lương hưu giảm nhiều. Hy vọng trong thời gian tới, BHXH có những thay đổi để xây dựng niềm tin của người lao động trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội", chị Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, chị Đào Thị Huế, công nhân Hợp tác xã môi trường Thành Công cho rằng, cơ quan xây dựng chính sách BHXH nên tính toán để người tham gia BHXH đóng theo năng lực và ngành nghề, miễn sao đóng đủ 20 năm, bởi các ngành nghề hiện có sự đào thải cao và sức khỏe, năng lực của người lao động không đáp ứng với công việc.

“Tuổi nghỉ hưu nên tính toán linh hoạt tùy từng ngành nghề. Chẳng hạn như nghề của chúng tôi, nặng nhọc, độc hại, đặc thù khác hẳn những nghề khác. Làm sao đủ sức khỏe mà làm việc đến 60 tuổi. Nam giới còn có thể cố chứ nữ giới chắc chắn không đủ sức. Điều người lao động cần là giảm cả độ tuổi hưởng lương hưu. Độ tuổi hưởng lương hưu theo tôi biết hiện tại là 60 - 62 tuổi. Giảm thời gian đóng những vẫn phải chờ đến tuổi này mới được hưởng thì quá lâu, chính sách này chưa phù hợp. Tuổi nghỉ hưu này chỉ phù hợp với người ngồi bàn giấy, công chức nhà nước, những người không lao động tay chân thôi, chứ như dân lao động chúng tôi thì chỉ ngoài 40 tuổi là sức khỏe đã giảm quá nhiều rồi", chị Huế cho hay.

https://cand.com.vn/Xa-hoi/can-them-nhung-dieu-chinh-linh-hoat-va-thiet-thuc-i655401/

Phan Hoạt / cand.com.vn