Cần thay đổi cách tiếp cận để đạt được hòa bình cho Trung Đông

Việc đàm phán giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, hôm 2/9, lại một lần nữa rơi vào bế tắc liên quan đến hành lang chiến lược Philadelphi, cho thấy, thay vì tìm cách thu hẹp bất đồng và tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột, các cuộc đàm phán dường như phục vụ nhiều hơn cho lợi ích của mỗi bên. Do đó, hòa bình sẽ không thể đạt được nếu các bên không thay đổi cách tiếp cận hiện tại.

Vấn đề kiểm soát Hành lang Philadelphi - dải đất hẹp dài 14,5km nằm dọc theo biên giới phía Nam của Dải Gaza với Ai Cập - đã trở thành điểm bất đồng chính trong tiến trình đàm phán ngừng bắn. Israel khẳng định quyết tâm không nhượng bộ quyền kiểm soát đối với hành lang. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần tuyên bố, các lực lượng Israel sẽ không rút khỏi Hành lang Philadelphi hoặc cho phép triển khai lực lượng quốc tế tại khu vực này. Trong khi đó, Hamas tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel nếu Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi Hành lang Philadelphi.

Cần thay đổi cách tiếp cận để đạt được hòa bình cho Trung Đông -0
Một con tin được Lực lượng phòng vệ Israel giải cứu và đưa về trung tâm y tế ở Beer Sheva, miền Nam Israel, ngày 27/8. Ảnh: Tân Hoa Xã

Về phía Ai Cập, Ngoại trưởng Badr Abdelatty, ngày 2/9, nhắc lại lập trường kiên quyết phản đối của quốc gia Bắc Phi đối với quyền kiểm soát của Israel tại Hành lang Philadelphi, đồng thời tuyên bố việc làm này của Tel Aviv là không thể chấp nhận được. Ông cũng bác bỏ quyền kiểm soát của Israel đối với Cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, đồng thời nhắc lại lập trường của Cairo về việc không chấp nhận bất kỳ sự sắp xếp thay thế nào tại cửa khẩu nối Dải Gaza với Ai Cập. Theo ông, Ai Cập luôn nhấn mạnh quyền kiểm soát Cửa khẩu Rafah bên phía Gaza phải nằm dưới sự giám sát của người Palestine và yêu cầu khôi phục hiện trạng như trước ngày 7/10/2023. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập còn phản đối một số quốc gia áp dụng tiêu chuẩn kép trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel.

Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ thất vọng với Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi cho rằng, nhà lãnh đạo Tel Aviv vẫn chưa có đủ nỗ lực để đi tới thỏa thuận giải phóng những con tin hiện đang bị Hamas giam giữ tại dải Gaza. Người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp với các nhà đàm phán Mỹ về thỏa thuận giải phóng con tin, vốn được triệu tập sau khi quân đội Israel phát hiện 6 thi thể con tin tại dải Gaza hôm 31/8, trong đó có 1 người Mỹ gốc Israel.

Hiện, cả Hamas và Israel đều đổ lỗi cho nhau về cái chết của những con tin này. Người phát ngôn của Lữ đoàn Al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, ông Abu Obeida tuyên bố, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Quân đội Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của 6 con tin nêu trên do đã cố tình cản trở các thỏa thuận trao đổi tù nhân. Đáp lại, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cáo buộc trách nhiệm thuộc về Hamas, đồng thời cảnh báo Tel Aviv sẽ đáp trả mạnh mẽ sau sự việc này. Vụ việc này được đánh giá là sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán, đồng thời gây sức ép lớn hơn lên chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận giải cứu các con tin.

Trong thời gian qua, mặc dù các cuộc đàm phán diễn ra liên tục, song, cả Israel lẫn Hamas chưa cho thấy họ thực sự mong muốn chấm dứt cuộc chiến. Thay vào đó, dường như cả hai đều muốn tiếp tục xung đột, bất chấp những thiệt hại to lớn cho người dân.

Cụ thể, tình hình hiện tại cho thấy cả Israel và Hamas đều không thực sự sẵn sàng chấp nhận rằng, kéo dài chiến tranh sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào. Đối với người dân Israel và Palestine, nhu cầu cấp thiết là lệnh ngừng bắn, không chỉ để giảm bớt thương vong mà còn để giải thoát những con tin bị giam giữ. Tuy nhiên, cảm giác cấp bách này không được chia sẻ bởi các lãnh đạo của hai bên, khiến xung đột ngày càng kéo dài và phức tạp hơn. Cuộc xung đột kéo dài này cũng đã được quốc tế hóa, đẩy khu vực đến bờ vực của cuộc chiến lớn hơn. Do đó, một lệnh ngừng bắn ở Gaza là cần thiết để xoa dịu căng thẳng khu vực, ngay cả khi không giải quyết lập tức được những nguyên nhân sâu xa.

Theo các chuyên gia, lập luận cho rằng cả hai bên đã hành động vì lợi ích riêng là khá thuyết phục. Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar không mặn mà với lệnh ngừng bắn vì ông hy vọng rằng các vụ ám sát gần đây của Israel ở Beirut (Lebanon) và Tehran (Iran) sẽ kích động một cuộc trả đũa mạnh mẽ, làm suy yếu Israel và cải thiện vị thế của Hamas. Về phía Israel, những toan tính chiến lược của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại phụ thuộc vào các thành phần cực hữu trong liên minh cầm quyền của ông.

Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn đã được nối lại tại Cairo (Ai Cập) và Doha (Qatar), thách thức thực sự đối với cả hai bên là tìm được tiếng nói chung để đi đến một thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, cả Israel và Hamas vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì cuộc xung đột, vì những động cơ chính trị nội bộ hơn là vì lợi ích chung của khu vực.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chịu áp lực lớn từ cả phía trong và ngoài Israel để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng mối quan hệ với phe cực hữu đã tạo nên nút thắt cho tiến trình hòa bình. Điều này không chỉ gây tổn thương cho xã hội Israel mà còn phá vỡ niềm tin giữa người dân và chính quyền. Vấn đề con tin là một ví dụ điển hình, khi việc kéo dài chiến tranh và trì hoãn các thỏa thuận đã làm mất đi niềm tin của người dân vào khả năng bảo vệ của chính phủ. Những toan tính đó đã khiến cho cuộc chiến khốc liệt này tiếp tục kéo dài thay vì kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn cần thiết.

Tóm lại, trong khi các bên tiếp tục sử dụng xung đột để đạt được mục tiêu chính trị riêng, người dân Israel và Palestine là những người chịu tổn thất lớn nhất.

Việc chấm dứt xung đột không chỉ là một thách thức về mặt quân sự mà còn là bài toán về lòng tin, đạo đức và sự sẵn lòng đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Liệu Israel và Hamas có thực sự muốn chấm dứt xung đột hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng, nhưng điều chắc chắn là, hòa bình sẽ không thể đạt được nếu các bên không thay đổi cách tiếp cận hiện tại.

 https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/can-thay-doi-cach-tiep-can-de-dat-duoc-hoa-binh-cho-trung-dong-i742522/

Khổng Hà / CAND