Đầu tháng 12 này, bà Kiều Thị Thảo (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã thuê cả một hiệp thợ về dỡ toàn bộ ngói âm dương, bắt đầu hủy bỏ “di tích nhà cổ 200 năm tuổi” của mình để phản đối cán bộ sở tại đối xử bất công với gia đình bà trong nhiều năm qua. Có mặt tại nhà bà Thảo, phóng viên Báo Lao Động chứng kiến một sự thật: Còn quá nhiều bất cập gây bức xúc trong bà con đang là chủ nhân của các “di sản văn hóa” quý giá.
Ngôi nhà cổ vừa được trùng tu tôn tạo trị giá nhiều trăm triệu đồng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PV
Phá phần di sản mới được nhà nước bỏ gần 1 tỉ đồng trùng tu
Ngôi nhà cổ tuyệt đẹp về kiến trúc nghệ thuật, nằm trong quần thể các giá trị cổ kính của Di tích Quốc gia Làng cổ Đường Lâm. Bà Thảo thuê người phá nhà rồi cho biết, bà rất tiếc khi buộc phải làm như vậy. Nhất là khi Nhà nước vừa bỏ ra gần 1 tỉ đồng trùng tu nhà. Nhưng bà không còn cách nào khác, sau nhiều năm đơn thư, nhiều lần báo chí phản ánh “rát ruột”...
Bà Thảo mua lại một phần ngôi nhà cổ 200 năm tuổi này từ năm 1992, nửa kia gia đình nhà khác đang sở hữu. Chủ sở hữu phần nhà cổ bên cạnh là bà Gan, mẹ vợ ông Phan Văn Lợi - đương kim Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm. Bà Thảo chưa dám về ở ngôi nhà, vì chưa thể làm được sổ đỏ.
Hơn 10 năm trước, toàn bộ giấy tờ làm sổ đỏ cho ngôi nhà của mình, bà Thảo đã đưa cho cán bộ xã, rồi xã nộp lên thị xã. Chờ mãi không thấy “hồi âm”, bà lên hỏi thì cán bộ đưa ra một công văn do Phó Chủ tịch UBND xã Phan Văn Hóa viết rõ: Giấy tờ của bà đã nộp, nhưng cán bộ “sơ ý” làm thất lạc rồi. Bà Thảo còn giữ nguyên giấy tờ gốc của việc mua bán, sơ đồ thửa đất, nhưng nhiều năm qua, không ai chịu làm sổ đỏ cho gia đình bà.
Do nghi ngờ người ta “ém” hồ sơ của mình để không cho bà làm được sổ đỏ (vì các mục đích không tốt, như chiếm đất và nhà của bà - đơn bà Thảo viết rõ) nên bà rất lo lắng. Bà mất ngủ nhiều năm qua, gặp nhiều cấp, ngành, nhờ nhiều luật sư vào cuộc và nghe nhiều lời hứa. Gần đây nhất, lãnh đạo Thị xã Sơn Tây hứa bằng văn bản, giữa tháng 11.2017 sẽ giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, đã qua nhiều ngày, sự việc vẫn vô lý như hơn 10 năm qua. Không còn cách nào khác, bà Thảo phải phá dỡ nhà để phản đối những sự vô lý trong bảo tồn, quản lý, trùng tu khu di tích mình là chủ sở hữu.
“Vì sao bà lại phản đối cán bộ bằng kiểu triệt hạ di sản vậy. Làm thế là sai luật di sản và vi phạm cả đạo đức trong bảo tồn”, khi được hỏi, bà Thảo trả lời, bà là người được ăn học, bà biết hết và tiếc lắm. Nhưng không phá thì không thể nào giải quyết dứt điểm được “vấn đề đau lòng” đang xảy ra với bà. Lý do quan trọng: Cán bộ đem tiền thuế của dân ra trùng tu ngôi nhà mà bà cùng sở hữu với giá gần 1 tỉ đồng. Song chưa được bao lâu thì ngôi nhà đã xuống cấp không thể sinh sống nổi trong đó. Khi trùng tu một ngôi nhà cổ, họ đã dồn vật liệu tốt sang nhà người thân lãnh đạo xã, nhà bà “hứng chịu” toàn vật liệu kém chất lượng, giờ hỏng hết rồi.
Quả thật, chúng tôi có trèo lên mái nhà, thì thấy mái nhà sau khi dỡ được một nửa già, trơ ra cách làm gian dối: Ngôi nhà ngói âm dương được chia màu sắc, nhà “người thân” cán bộ ngói vẫn đỏ tươi đẹp đẽ, toàn bộ ngói nhà cổ của bà Thảo đã đen kịt.
Bà Thảo nhấn mạnh: Đấy là chưa kể, bà là chủ nhà, nhưng việc công nhận “di tích” nhà cổ bà không hề được biết, “bằng công nhận” không ghi tên bà. Vậy mà, người ta vẫn tự ý “nhảy dù” vào nhà của bà để “trùng tu di tích” mà bà cũng không hay. Không ai trao đổi xin phép với bà. Bà và dư luận báo chí đã gọi đó là “trùng tu trộm” để rồi ít lâu sau, “di tích 200 năm tuổi” nhà bà đã bị mưa dột, mối mọt, bong vỡ rất nguy hiểm.
Dấu tích của vụ “trùng tu trộm” đối với di sản thuộc chủ quyền của gia đình bà Thảo. Ảnh: PV
Đính chính tên “chủ sở hữu” nhà cổ 200 năm tuổi, vì sao?
Chúng tôi có trong tay các văn bản chính thức do UBND thị xã Sơn Tây ban hành về vụ việc. Trong Thông báo kết luận hội nghị ngày 20.10.2017 “về việc thống nhất phương án giải quyết đơn của bà Kiều Thị Thảo liên quan đến nhà, đất..” (do ông Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chủ trì), nêu rõ, địa phương đã quan tâm vấn đề này và năm 2016, thị xã đã hỗ trợ kinh phí đo đạc bản đồ khu đất có đơn tranh chấp kể trên. Lãnh đạo thị xã đã giao cho địa phương “tiếp tục làm việc với các gia đình có liên quan, thống nhất mốc giới xong trước ngày 15.11.2017”, “chủ trì việc hướng dẫn công dân lập hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình bà Kiều Thị Thảo, bà Nguyễn Thị Gan, ông Kiều Văn Lý đối với các diện tích đất không tranh chấp”. Theo bà Thảo, dù có “lá bùa” trên để chờ đợi, nhưng quá hẹn trên hơn nửa tháng mà việc vẫn không còn chút hy vọng nào, bà đành phải phá dỡ nhà để tự sửa, tự xây mới cho con cháu ở.
Câu hỏi nữa cần đặt ra: Ai đã chỉ huy trùng tu, ai đã tự ý “nhảy dù” vào tôn tạo di tích nhà bà Thảo với giá tiền tỉ, để rồi ngôi nhà hỏng trầm trọng như hiện nay? Việc trùng tu, thay thế cấu kiện, lợp lại ngói cho phần nhà của bà là có thật, đã được cán bộ hữu trách thừa nhận. Thậm chí, trong hội nghị kể trên vào tháng 10.2017, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây đã “Giao phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ đính chính tên chủ sở hữu nhà cổ ghi trên hồ sơ, bằng công nhận di tích ghi trong hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền giải quyết trong tháng 11 năm 2017”.
Vậy là, chính quyền cơ sở đã thừa nhận có sai sót cần đính chính trong “tên chủ sở hữu nhà cổ”? Vậy, bấy lâu nay, ngôi nhà cổ đó mang tên ai, quyền lợi bảo vệ, trùng tu ai nhận? Nghiệm thu quyết toán ai ký? Rõ ràng, bà Kiều Thị Thảo không được biết hay hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Một khi cán bộ đã thừa nhận nhiều lần bằng văn bản là họ đánh mất hồ sơ nhà đất của bà Thảo thì địa phương phải có trách nhiệm “làm bù” sổ đỏ cho công dân. Bà Thảo còn giữ nguyên giấy tờ đất đai từ năm 1988, giấy mua nhà từ năm 1992. Thậm chí, ngoài những thừa nhận trước đây, ngày 23 tháng 10 năm 2015, thay mặt UBND xã Đường Lâm, ông Phó Chủ tịch Lê Minh Hải còn ký văn bản nói rõ việc làm “thất lạc hồ sơ (nhà đất để làm sổ đỏ) của gia đình bà Kiều Thị Thảo. UBND xã đã nghiêm túc kiểm điểm cán bộ chuyên môn. Hồ sơ mua bán đất của bà (Thảo) đã công chứng vẫn còn nguyên cơ sở pháp lý, vẫn là một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Lối giải quyết hiện nay khiến bà Thảo và công luận nghi ngờ về việc người ta đã giấu ém hồ sơ đất đai làm sổ đỏ của bà Thảo nhằm trục lợi bằng nhiều cách. Vì sao vụ việc vô lý, khuất tất này kéo dài mãi? Câu trả lời xuất hiện khi đầu tháng 12 năm 2017, bà Thảo đã “cùng đường” phá dỡ di tích nhà cổ loại 1 (rất quý báu) của Di tích Quốc gia. Khi phá dỡ, bà con dùng tay bẻ gẫy các viên ngói non - hạng mục xuống cấp trầm trọng dù vừa qua trùng tu gần tỉ bạc - thế là lộ ra các khuất tất còn lớn hơn nữa...
Sự việc đã kéo dài nhiều năm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu giải quyết dứt điểm. Thậm chí, ngày 9.1.2017, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban QL Di tích làng cổ Đường Lâm - còn ký văn bản khẩn thiết gửi UBND thị xã kêu gọi vào cuộc sớm để tránh việc bà Kiều Thị Thảo sẽ phá dỡ nửa “ngôi nhà cổ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật với niên đại gần 200 năm và đã được nhà nước trùng tu năm 2011”. Tuy nhiên, đến nay thì di sản đã bị tàn sát theo đúng nghĩa đen. Tiếc thay.
Với vô số ý kiến bức xúc, tâm huyết của bà con làng cổ Đường Lâm gửi về Báo Lao Động lâu nay, thiết nghĩ, đã đến lúc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP.Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ các “điểm nóng” kéo dài trong quản lý, trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích đang “sống” trong các ngôi làng cả vạn người ở “Đất Hai Vua”.
Ở Hà Giang, có một ngôi nhà cổ đẹp lạ ẩn mình giữa cao nguyên đá Sau khi nổi tiếng trên màn ảnh, Nhà của Pao trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua của du khách mỗi lần ... |
Nhà cổ hơn 200 tuổi độc đáo ở Hội An Trải qua thăng trầm lịch sử hơn 200 năm, nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc độc đáo, trở thành điểm đến ... |