Cần phải hiểu về PVEP

Kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP (5/2007 - 5/2017), TS Trần Đức Chính - nguyên Chủ tịch HĐQT PVEP (2008 - 2010) đã trao đổi với PetroTimes về một số vấn đề liên quan đến sự phát triển của PVEP. Xin trân trọng giới thiệu!

can phai hieu ve pvep
S Trần Đức Chính (người đứng giữa).

Ông học khoa Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov Liên bang Xôviết, nay là Liên bang Nga, tốt nghiệp ngành Địa vật lý cùng với TS Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng Giám đốc PVN. Hai người học xong thì ông Đỗ Văn Hậu là lớp người đầu tiên vươn ra biển khảo sát Địa vật lý trên con tàu Bình Minh 01 ở Vịnh Bắc Bộ. Và khi tài liệu có được từ tàu Bình Minh 01 được đưa về, ông Trần Đức Chính lại là một trong những người thực hiện xử lý số liệu địa chấn tại trung tâm xử lý số liệu đầu tiên của Việt Nam đặt tại TP HCM, trên cơ sở dàn máy tính hiện đại nhất lúc bấy giờ mà ta thu được sau giải phóng miền Nam.

Bây giờ ông Chính đã nghỉ hưu nhưng được một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mời về làm cố vấn cấp cao cho Chủ tịch HĐQT.

Tôi cũng đã được một vài lần đi công tác với ông và cũng được nghe nhiều người nói về ông. Và mỗi lần nói chuyện với ông, tôi lại học được thêm rất nhiều điều về dầu khí. Ông có cách giảng giải rất dễ hiểu, cụ thể và có phần rất dân dã. Mà ông hay ví công việc của người thăm dò, khai thác dầu khí cũng như nhà nông vậy. Ông bảo rằng, thăm dò và khai thác là hai khâu gắn bó hữu cơ với nhau. Không có thăm dò thì cũng chẳng có khai thác, mà không có khai thác tốt thì cũng không lấy đâu ra tiền để thăm dò. Rồi ông ví rằng, việc thăm dò tìm ra mỏ dầu giống như người nông dân trồng lúa. Trồng lúa là giai đoạn gieo trồng chịu nhiều rủi ro nhất, nào là hạn hán, hoặc lụt lội, rồi sâu bệnh… Những loại “trời hại” đều là những tác động khách quan mà con người không làm chủ được. Trữ lượng dầu khí là thành quả của công tác thăm dò được ví như hạt lúa đã được gặt đổ vào bồ. Còn việc khai thác thì giống như lấy thóc trong bồ ra để xay giã. Khi đã có lúa rồi bỏ vào cối, xay ra gạo, giai đoạn này cũng có rủi ro, nhưng ít hơn nhiều.

Ông dí dỏm, “những người làm dầu khí chúng tôi cũng như người nông dân, bao giờ cũng phấn đấu cho “bồ thóc” luôn đầy hơn và to hơn, lượng thóc được xay giã, ăn hết, nhất thiết phải được bù đắp ít nhất là bằng, nếu không nói là phải nhiều hơn. Đối với người nông dân “bồ thóc” vơi là đói, “bồ thóc” hết là chết. Do vậy, khái niệm phát triển bền vững đối với dầu khí chính là phải duy trì và phát triển được “bồ thóc” và để làm được việc đó phải đầu tư không ngừng nghỉ cho tìm kiếm thăm dò để duy trì và gia tăng trữ lượng để tồn tại và phát triển”.

Nói dẫn chứng như vậy rồi ông kết luận rằng, dầu khí rủi ro là thế đấy, nên một công ty dầu khí chỉ thành công khi có được một đội ngũ cán bộ tài giỏi và tâm huyết - yếu tố chủ quan quyết định để chế ngự các rủi ro khách quan. Hơn ở đâu hết, trong ngành Dầu khí mỗi dự án dầu khí, mỗi mỏ dầu khí là một công trình nghiên cứu sáng tạo, không dự án nào giống dự án nào, không mỏ nào hoàn toàn giống mỏ nào, do vậy yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định thành công trong thăm dò khai thác dầu khí, cho dù hôm nay các thành tựu khoa học công nghệ đã tiến những bước rất dài và có đóng góp rất quan trọng, song cũng chỉ là các công cụ.

Khi tôi hỏi ông về lịch sử PVEP trong 10 năm qua, ánh mắt ông lóe sáng vui mừng. Ông bảo rằng, việc thành lập PVEP vào ngày 4-5-2007 trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị trong ngành là Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC) tại thành phố Hà Nội và Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tại thành phố Hồ Chí Minh thành Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là một quyết định hết sức đúng đắn, chính xác và thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời bấy giờ.

can phai hieu ve pvep

Lần lại lịch sử trước đó, khi mà Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí được thành lập và trưởng thành, chúng ta mới chỉ dừng lại chủ yếu ở việc tham gia quản lý, giám sát các hoạt động dầu khí ở trong nước và chỉ mới bắt đầu tăng cường năng lực tự đầu tư, tham gia vào các dự án dầu khí ở trong nước và một số dự án đầu tiên ở nước ngoài với tư cách là một bên nhà thầu. Còn hôm nay, sau khi PVEP ra đời, chúng ta đã thống nhất được hoạt động ở khâu đầu và tập trung được tất cả các nguồn lực của PVN: con người và tài chính… và đã có được một công ty dầu khí thực thụ. Từ chỗ “ăn theo”, PVEP đã có thể tự đầu tư, tự thăm dò, tự khai thác với tư cách là người điều hành thực thụ không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới. Chúng ta đã thành công khi tạo ra được một thực thể mạnh, giữ vai trò chủ lực của PVN trong lĩnh vực hoạt động then chốt, cốt lõi của ngành Dầu khí là thăm dò khai thác ở cả trong và ngoài nước.

Đội ngũ cán bộ của PVEP là những người cực kỳ tâm huyết, có tri thức, trí tuệ và trên cả đó là lòng yêu nước, có khát vọng cháy bỏng tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc. Chính lòng yêu nước đã giúp cho cán bộ, công nhân viên PVEP trên những con tàu thăm dò địa chấn, trên những giàn khoan trở thành những “chiến binh” giữ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Cũng từ khi PVEP ra đời, chúng ta mới thực sự đi bằng sức của mình, mở rộng được đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài, tạo nên được vị thế, thương hiệu PVN & PVEP trên trường quốc tế. Trong thời gian qua, PVEP thực sự đã là đơn vị đầu tiên tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Ngày hôm nay khi nói tới thăm dò khai thác dầu khí ở trong nước và ở nước ngoài của Việt Nam là phải nói đến PVEP.

Trong giai đoạn 2007-2013, PVEP đã thành công trong mở rộng đầu tư, tạo lập được quỹ trữ lượng đủ lớn, duy trì, gia tăng được sản lượng khai thác, đưa vào khai thác nhiều mỏ mới, ký nhiều hợp đồng lớn và đóng góp cực lớn cho PVN và ngân sách Nhà nước. Có những thời điểm, PVN đóng góp tới 25% GDP và 30% ngân sách quốc gia, thì trong đó PVEP đã chiếm một tỷ lệ rất đáng kể.

Bây giờ, giá dầu sụt giảm, số phận PVEP cũng không khác gì nhiều so với nhiều tập đoàn dầu khí danh tiếng trên thế giới. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng điều buồn nhất là rất nhiều người, kể cả một số lãnh đạo cấp cao cũng không hiểu được tính đặc thù của ngành Dầu khí, đặc biệt là tính đặc thù của nghề thăm dò, khai thác dầu khí. Khi cái khó ập đến cũng là cơ hội vàng để chúng ta tự nhìn nhận lại mình để đi tiếp, để tiếp tục phát triển. Đó cũng chính là bản lĩnh của những người dầu khí. Trong lịch sử mấy chục năm phát triển, đây không phải là lần đầu tiên ngành Dầu khí phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như hiện tại. Công bằng mà nói, cái khó hiện nay của PVEP có thể gói trong 3 yếu tố khách quan và chủ quan là: i) Giá dầu thấp, ii) Cơ chế tài chính và hệ thống kế toán hiện tại chưa phù hợp với đặc thù của một doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm thăm dò - khai thác dầu khí và iii) Năng lực cạnh tranh của PVEP còn hạn chế.

Nghề tìm kiếm, thăm dò dầu khí là nghề có độ rủi ro cực kỳ cao, gần như là cao nhất so với tất cả các ngành nghề khác. Đầu tư cho việc tìm kiếm, thăm dò khai thác cũng cực kỳ lớn và dài hạn. Song cũng hệt như người nông dân đi làm ruộng: không gieo trồng, chăm bẵm thì lấy đâu ra thóc mà đổ vào cối xay.

Để tìm ra được một mỏ mới, phải đầu tư cho thăm dò, phải khoan nhiều giếng. Ở ngoài biển, giếng khoan thăm dò rẻ nhất cũng phải vài chục triệu USD, giếng ở độ sâu nước biển lớn thì có khi lên tới hàng trăm triệu USD và không phải mũi khoan nào cũng có thể thành công. Một mũi khoan không có dầu là hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD mất toi… nhưng khi có dầu, mà lại có trữ lượng lớn thì lãi khủng khiếp. Người ta bảo, tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là nghề siêu rủi ro, nhưng cũng siêu lợi nhuận. Trên thế giới, trước kia, cứ trung bình trong 4-5 dự án thì được 1-2 dự án thắng lợi. Còn bây giờ, 5 dự án thì may ra có 1. Bởi dầu khí là tài nguyên không tái tạo, mà những chỗ nào có tiềm năng lớn, dễ làm thì người ta đã làm hết rồi. Nếu như ngày hôm nay không tìm kiếm, thăm dò, phát hiện ra mỏ mới, không có trữ lượng thương mại mới đổ vào “bồ” thì không lâu sau, khi các mỏ hiện có cạn kiệt thì chỉ còn nước phá sản.

Vì dầu khí rủi ro quá lớn, cho nên các công ty dầu quốc tế và cả một số quốc gia như Nhật Bản, người ta đã phải dành những khoản ngân sách hằng năm đủ lớn để đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò, xem như một quỹ rủi ro. Khi tìm kiếm thăm dò sẽ lấy tiền từ quỹ này và nếu có rủi ro bị mất thì cũng không đụng chạm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như không ảnh hưởng tới độ “đẹp” của báo cáo tài chính của công ty và lớn hơn không ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia hay tiền… thuế của dân. Cho nên đối với dầu khí, giảm đầu tư cho công tác tìm kiếm, thăm dò là chết.

Đầu tư ra nước ngoài cũng vậy, nếu như trong nước khi thăm dò khai thác chỉ rủi ro về kỹ thuật, thì khi ra nước ngoài sự rủi ro ấy còn nhân lên gấp bội bởi những biến động về môi trường đầu tư như: chính trị, kinh tế, tài chính, biến động về chi phí, về giá dầu… và còn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn dầu khí… Song chúng ta không thể không đầu tư vì sự sống còn của chính PVEP/PVN. Chúng ta phải ít nhất là duy trì được “bồ thóc” trữ lượng, ngay cả khi ở trong nước tiềm năng dầu khí có hạn, các mỏ hiện có đang suy giảm nhanh chóng. Đây là cách mà mọi công ty dầu khí quốc gia phải làm (hãy tạm gác sang một bên nhiệm vụ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia), chưa nói đến các công ty dầu khí quốc tế họ không có giới hạn ranh giới trong hay ngoài nước.

Nói về tương lai của PVEP, giọng ông chùng xuống: “Phải nói giai đoạn 5 năm tới đây là rất khó khăn. Trong 2-3 năm qua, PVEP phải vật lộn với giá dầu và phải trả giá cho những thiếu sót chủ quan có từ trước mà đến bây giờ gây hậu quả. Nhưng phải khẳng định rằng, giữ được như thế đã là rất giỏi, cực kỳ giỏi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu như PVEP không tái cơ cấu triệt để, cũng như không có các thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách, cung cách làm việc thì khó có thể nói PVEP tồn tại bền vững được”.

Giá dầu thấp gây tác động lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình đầu tư, sản xuất của PVEP. Nhưng đây chưa phải là vấn đề cốt tử, mà quan trọng là phải có cơ chế phù hợp với tính đặc thù của một tổng công ty tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Bây giờ đã bộc lộ rất rõ những quy định của pháp luật không còn phù hợp với một công ty hoạt động trong lĩnh vực rủi ro đặc thù như của PVEP. Bởi PVEP vừa là một công ty Nhà nước, phải chịu sự quản lý chặt chẽ đến từng đồng tiền và cũng là một công ty bình thường, mang đầy đủ các yếu tố của quy luật thị trường chứ không phải là một công ty đặc thù dầu khí.

Nếu như không thay đổi được cơ chế tài chính, chế độ kế toán và tính đến chuyện rủi ro trong hoạt động của PVEP, không có sự sòng phẳng, minh bạch trong công tác quản lý, không đảm bảo được quỹ đầu tư cho tìm kiếm thăm dò thì không thể lấy đâu ra tiền đầu tư. Vì thế phải có cơ chế tạo nguồn vốn, trong đó một phần của Nhà nước, còn lại là xã hội hóa. Mà muốn làm được điều này chỉ có duy nhất một con đường, đó là phải cổ phần hóa tối đa. Cổ phần hóa để tạo vốn cho đầu tư trung, dài hạn, để thay đổi các cơ chế quản lý theo hướng thị trường và thông lệ dầu khí thế giới. Không làm được điều này thì đừng nói chuyện phát triển PVEP. Thứ hai là tạo một cơ chế quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có hệ thống kiểm soát đa chiều. Và thứ ba là phải tạo lập được môi trường lao động lành mạnh, minh bạch, có chế độ tiền lương, đãi ngộ xứng đáng, gắn với sự đóng góp và trách nhiệm, cũng như mở rộng cửa để những người có năng lực, tâm huyết và có đóng góp thăng tiến, nhằm tạo động lực làm việc cho người lao động, khi mà lao động của họ thực sự là lao động sáng tạo ở văn phòng và đầy vất vả gian truân nơi thực địa.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 cũng đã ghi rõ rằng: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu PVN, bảo đảm vận hành đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; PVEP phải hoạt động theo cơ chế thị trường đầy đủ, phải được hưởng và tuân theo những quy luật của nền kinh tế thị trường một cách đầy đủ.

Các khó khăn chủ quan và khách quan cũng như tính đặc thù của ngành Dầu khí nói chung và của PVEP nói riêng đã rõ. Với bản lĩnh của những người làm dầu khí, chúng ta tin tưởng rằng, PVEP sẽ tái cơ cấu triệt để và thành công, cũng như sẽ có các thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách và qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phát triển bền vững trong tương lai.

/ Nguyễn Như Phong/Petrotimes.vn