Cần nhiệm kỳ cho chức danh giáo sư, phó giáo sư

Vần đề về tăng đột biến số lượng giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đang tiếp tục gây nhiều tranh luận. Trong đó, nhiều chuyên gia giáo dục thẳng thắn chỉ ra rằng, tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hiện tại đang quá thấp. Bộ GDĐT cần “trả” quyền phong GS, PGS cho các trường. Việc phong chức danh GS, PGS cũng cần có nhiệm kỳ…

can nhiem ky cho chuc danh giao su pho giao su

Chia sẻ

Anh Trần Xuân Bách (32 tuổi) là người trẻ nhất trong 638 nhà giáo được công nhận phó giáo sư năm 2016. Ảnh: A.C

Định biên GS, PGS theo lĩnh vực

Năm 2017, 1.226 người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, tăng gần 60% so với năm trước. Đây cũng là con số cao kỷ lục trong 41 năm qua, thậm chí lớn hơn tổng số hai năm 2015, 2016. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra để lý giải về sự tăng đột biến này nhưng nguyên nhân đáng chú ý và nghi ngại nhất chính là “chuyến vét” trong năm cuối áp dụng Quyết định 174/2008/QĐ-TTg.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiêu chuẩn để công nhận chức danh GS, PGS theo Quyết định 174 là quá thấp, thậm chí còn dễ dàng hơn cả quy định bảo vệ luận án tiến sĩ. Cụ thể, trong 4 tiêu chuẩn công nhận chức danh PGS không có tiêu chuẩn nào yêu cầu ứng viên phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus.

Trong 5 tiêu chuẩn công nhận chức danh GS cũng không yêu cầu phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Các ứng viên chỉ cần “có đủ công trình khoa học quy đổi theo quy định, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học được quy đổi được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ”.

Thế nhưng, đáng nói, việc tính điểm bao gồm cả các tạp chí ISI/Scopus và tạp chí trong nước, tạp chí nội bộ trường với mức điểm quy đổi chênh lệch rất ít, từ 1,5 đến 1 điểm. Mức chênh lệch này không phù hợp với độ khó khi đăng bài trên tạp chí trong nước và tạp chí ISI/Scopus.

Trong khi đó, tiêu chuẩn để được đăng ký đánh giá luận án tiến sĩ theo quy chế do Bộ GDĐT ban hành năm 2017 đã yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án. Trong đó, một bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus hoặc hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Nhận định về sự bùng nổ số lượng chức danh GS, PGS, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ: Nhìn nhận một cách khách quan, số lượng GS, PGS tăng đột biến là do năm nay thời gian nộp hồ sơ kéo dài nên có một số ứng viên đã kết thúc làm đề tài, có nhiều thời gian viết sách để tính điểm công trình. Bên cạnh đó, vì có “manh nha” sửa đổi tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo hướng siết chặt hơn nên nhiều ứng viên cũng có tư tưởng là sẽ cố gắng để hoàn thành hồ sơ trong năm nay.

Lý giải nguyên nhân Việt Nam có số lượng nhiều GS, PGS hơn các nước, ông Tớp chỉ ra nguyên nhân, hiện ở các nước trên thế giới có quy định định biên GS, PGS, tức là mỗi lĩnh vực nghiên cứu của một trường, phòng thí nghiệm… chỉ có một người là GS, PGS và đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu đó.

Ví dụ như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 50 bộ môn thì chỉ có 50 GS, PGS và là người đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của bộ môn đó. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta thực hiện theo tiêu chuẩn, tức là người nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đã đề ra được phong hàm GS, PGS. Vì vậy, trong một bộ môn giảng dạy của một trường đại học có thể có từ 3-7 GS, PGS. Những người này thực hiện công việc nghiên cứu nhưng không phải là người đứng đầu bộ môn, đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu.

Ông Tớp cũng cho rằng, ở Việt Nam việc bổ nhiệm GS, PGS liên quan đến hệ số lương còn chưa thể trở thành một người đứng đầu trong một lĩnh vực nghiên cứu nào đó. Bởi những người có chức danh GS, PGS sẽ có bậc lương cao hơn so với chuyên viên chính.

Còn theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT: “Đúng là nhiều người tỏ ra lo ngại với số lượng GS, PGS tăng 60% so với những năm trước. Nhiều lý do được đưa ra do tính khách quan, do thời gian dài, do số lượng đầu vào lớn… nhưng cá nhân tôi cho rằng đó là con số không bình thường. Hoạt động giảng dạy hay chất lượng các bài khoa học của chúng ta thế nào trong năm qua thì chúng ta là người rõ hơn ai hết. Thành tích khoa học đóng góp cho đất nước thì còn quá hạn chế”.

Không dành cho những người háo danh

TS Lê Viết Khuyến cũng thẳng thắn chỉ rõ rằng, hiện nay một bộ phận cán bộ, giảng viên “dùng mọi cách” để được phong hàm GS, PGS là bằng chứng của việc háo danh và giải quyết “khâu oai”. Bộ GDĐT nên trả việc công nhận GS, PGS cho các trường dựa trên bộ tiêu chuẩn do Bộ GDĐT đề ra. Đương nhiên, để mọi người tâm phục, khẩu phục chắc chắn các trường sẽ đưa ra bộ tiêu chí cao hơn quy định tiêu chuẩn tối thiểu của bộ.

Lý giải quan điểm của mình, ông Khuyến cho biết: Với các nước trên thế giới, phần lớn GS đều gắn với chức danh của trường, không có chuyện GS là doanh nhân, là nhà chính trị. Vì thế, chức danh GS, PGS chỉ nên dành cho những người trực tiếp giảng dạy, có biên chế cụ thể tại trường. Người làm công tác quản lý, hoạt động trong doanh nghiệp, không có công trình nghiên cứu, không tham gia giảng dạy không nên tham gia vào chức danh này. Khi không còn đóng góp cho nghiên cứu khoa học thì chức danh đó cũng được bỏ.

TS Khuyến cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc xét hồ sơ hiện nay được chuyển từ cấp cơ sở lên đến hội đồng trung ương. Các trường đào tạo quyết định bổ nhiệm GS trên cơ sở những người được hội đồng Nhà nước công nhận. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng khi đã đặt ra danh hiệu GS, PGS cấp Nhà nước thì khó có trường nào từ chối được.

GS, PGS cũng phải có nhiệm kỳ, thường là 5 năm xét 1 lần. Trong khi ở mình GS là suốt đời, nên có người xong GS rồi là chẳng chịu làm việc nữa. Ở nước ta, thời kỳ trước đây cũng chỉ phong GS, PGS cho những người đang trực tiếp làm công tác đào tạo. Cũng có cán bộ quản lý nhưng phải là cán bộ quản lý cơ sở đào tạo hoặc cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý đào tạo. Về sau này, quy chế mở rộng đối tượng ứng viên GS, PGS nên mới có chuyện bộ trưởng làm GS, PGS.

can nhiem ky cho chuc danh giao su pho giao su Nỗi lo "lạm phát” giáo sư, dễ dãi trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Tại Hội nghị phản biện về đào tạo sau đại học của Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường (Ủy ...

can nhiem ky cho chuc danh giao su pho giao su Giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?

Tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay không quy định phải có công bố khoa học quốc tế.

/ https://laodong.vn