Chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVEP Trần Ngọc Cảnh.
Ông Trần Ngọc Cảnh - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVEP. |
PV: Thưa ông, chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập PVEP, xin ông cho biết ý nghĩa của ngày thành lập PVEP đối với sự phát triển của PVN?
Ông Trần Ngọc Cảnh: Chúng ta ai cũng biết rằng, từ giữa năm 1986 tới đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù bị cấm vận nhưng ít nhiều việc khai thác dầu khí của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) đã đem lại một nguồn thu nhất định cho đầu tư phát triển đất nước. Song song với chính sách khoán mới trong lĩnh vực nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, người nông dân đã tích cực lao động sản xuất, đẩy sản lượng lúa lên rất cao, đảm bảo cho nhân dân ta tuy còn nghèo nhưng đủ ăn, đủ mặc và đất nước giữ được ổn định để phát triển. Trong bối cảnh đấy, ngành Dầu khí Việt Nam cũng bắt đầu đà phát triển của mình. Bên cạnh Vietsovpetro được thành lập theo Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô, chúng ta đã chuyển mạnh từ mô hình Hợp đồng Phân chia sản phẩm (PSC) thế hệ đầu tiên: Nhà nước để nhà thầu nước ngoài đầu tư 100%, tự chịu mọi rủi ro, nếu có phát hiện dầu khí thì tiếp tục đầu tư khai thác và phân chia sản phẩm với nước chủ nhà.
Từ năm 1991-1992, chúng ta đã có nhiều cải tiến về nội dung, các điều khoản hợp đồng và bắt đầu có sự tham gia đầu tư của Petrovietnam với tư cách là một cổ đông bên phía “nhà thầu”. Đồng thời chúng ta đã tích cực đưa cán bộ vào làm việc và đào tạo tại chỗ trong các dự án dầu khí. Tiếp theo, đối với những dự án tốt, chúng ta giữ lấy quyền tham gia nhiều hơn: 50%, 51% và thành lập các công ty điều hành chung (JOC), trong đó các vị trí chủ chốt đều do người Việt Nam đảm nhận.
Đến năm 2007, đã có rất nhiều dự án mà Petrovietnam tham gia đầu tư. Đối với phần đầu tư này, ban đầu chúng ta giao hai đơn vị là Petrovietnam I, Petrovietnam II (sau này thì đổi thành PIDC, PVEP) quản lý, giám sát. Khi đó Tập đoàn đã nhận thấy vẫn còn sự manh mún trong quản lý, sự cấp thiết của việc thành lập một tổng công ty đủ mạnh cả về lực lượng, tài chính và trang thiết bị công nghệ mới… để có thể quản lý tốt các đầu tư của Petrovietnam ở các dự án thăm dò, khai thác trong nước cũng như ở nước ngoài cho nên chúng tôi mới báo cáo xin thành lập PVEP.
Để hỗ trợ PVEP trong những ngày đầu mới thành lập, với tư cách là Tổng Giám đốc của Tập đoàn lúc bấy giờ, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, ban lãnh đạo Tập đoàn lúc bấy giờ đã quyết định cử tôi sẽ kiêm nhiệm luôn vị trí Chủ tịch PVEP. Đây không phải là vấn đề quyền lực hay chức danh, mà cái chính là chúng tôi rất muốn tạo cho PVEP những cơ chế cần thiết để hoạt động có hiệu quả nhất và quản lý chặt chẽ nhất những dự án mà chúng ta có đầu tư ở trong nước và ở nước ngoài.
Đây cũng là lý do vì sao chúng ta phải thành lập PVEP. Trên thế giới cũng có rất nhiều mô hình tương tự hoạt động hiệu quả như là mô hình của Petronas và một số công ty khác.
PV: Ông đánh giá như thế nào về mô hình và hiệu quả hoạt động của PVEP, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Cảnh: Trên thực tế anh em ở PVEP đã làm việc rất tốt, đã triển khai rất nhiều dự án ở trong, ngoài nước và có rất nhiều dự án chúng ta đã thành công, có hiệu quả. Tuy nhiên, trong mọi phương án về tổ chức, bao giờ cũng có những điểm mạnh, điểm yếu. Để tìm được một mô hình ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hơn ta luôn phải có cái để so sánh và luôn phải phân tích, đánh giá để chọn được mô hình tổ chức phù hợp… Đó chính là lý do tại sao sau này bên cạnh PVEP, chúng ta lại có thêm một số chi nhánh của Tập đoàn ở trong nước và ngoài nước. Như vậy, trong khối thăm dò khai thác, hiện nay Tập đoàn đang quản lý và thực hiện đầu tư thông qua 2 đơn vị thành viên là Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro và PVEP, cũng như Tập đoàn trực tiếp đầu tư vào các dự án do các chi nhánh của mình quản lý như: Biển Đông POC, Phú Quốc POC ở trong nước và Rusvietpetro, Gazpromviet ở Liên bang Nga. Hiện nay, mỗi một đơn vị đều đang hoạt động rất tốt và có nhiều đóng góp cho ngành. Nhiệm vụ của các lãnh đạo thế hệ hiện nay và các thế hệ tới là xem xét, đánh giá để lựa chọn (nếu cần thiết) các mô hình phù hợp và hiệu quả hơn. Có thể mô hình được lựa chọn sẽ khác với mô hình các thế hệ trước đã làm, nhưng dứt khoát phải đảm bảo rằng, tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp, kể cả ở trong nước và ở ngoài nước, khi đã đầu tư thì phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu.
Đối với các dự án dầu khí ở nước ngoài, trước đây chúng ta có sử dụng thuật ngữ “Ngoại giao dầu khí” với một ý rất rõ ràng là chính trị - ngoại giao, để chúng tôi có thể gắn được vị thế, gắn được tình cảm của các nước bạn bè với nước ta, để dầu khí có thể đàm phán được hợp đồng với các điều kiện ưu đãi nhất, tốt nhất cho Nhà nước. Ngược lại, một khi đã có dự án dầu khí có hiệu quả, thì chính dự án sẽ là biểu tượng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hiệu quả kinh tế phải đi trước và chính trị - ngoại giao là hậu thuẫn làm tăng thêm hiệu quả kinh tế của dự án.
Trong ngành Dầu khí của chúng ta, việc đầu tư vào công tác thăm dò - khai thác là một đầu tư mang nhiều rủi ro, cả về địa chất, kỹ thuật - công nghệ, tài chính, cháy nổ, môi trường và nhiều khi cả tính mạng con người… do vậy chúng ta phải tập trung vào đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho CBCNV-LĐ, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tốt từng công đoạn và toàn bộ dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực này, làm thế nào để đầu tư thăm dò khai thác dầu khí kể cả trong nước và nước ngoài đều phải an toàn và có hiệu quả.
PV: Thưa ông, trong những năm tháng vừa làm Tổng giám đốc Tập đoàn, vừa làm Chủ tịch HĐQT PVEP, ông có thể nói về kỷ niệm mà ông nhớ nhất?
Ông Trần Ngọc Cảnh: Những năm đầu đi ra nước ngoài, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, tất cả mọi thứ đều phải báo cáo, nhưng với bạn thì họ lại sử dụng phương thức đấu thầu. Do vậy, lẽ đương nhiên không thể có thời hạn dài cho chúng ta cân nhắc, báo cáo được. Cho nên, việc Dầu khí đầu tư ra nước ngoài đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo Tập đoàn với các bộ, ngành và Chính phủ. Dự án Iraq, Algeria… cũng là một ví dụ như thế. Chúng ta vẫn phải bỏ thầu trong khi chưa có giấy phép. Lúc đó chúng tôi thống nhất trong lãnh đạo là cứ tham gia bỏ thầu, với các điều kiện mà chúng ta đã báo cáo và được các bộ và Chính phủ chấp thuận. Nếu Chính phủ không có văn bản cho phép thì chúng ta bằng cách nào đấy sẽ rút khỏi dự án, còn Chính phủ cho phép thì chúng ta đi tiếp.
Hồi đó anh Lê Văn Trương là người dẫn đoàn đi tham dự thầu, anh ấy bảo, nếu như phải rút thì làm thế nào? Tôi bảo: “Đơn giản thôi, vì ngành, ông với tôi cố chịu “muối mặt” một tí còn hơn là để chúng ta không được phép mà vẫn cứ làm”. Đàm phán dự án đầu tư nào ra nước ngoài cũng đều thế cả. Chúng ta đã lập báo cáo đầu tư, chúng ta đã báo cáo các cấp theo thẩm quyền, nhưng quyết định vẫn phải bằng văn bản và phải có thời gian cho cấp trên chuẩn bị… nên nhiều khi dẫn đến việc chúng ta phải làm song song.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, hiện nay lãnh đạo Tập đoàn đang rất chú trọng vào tái cơ cấu lại PVEP cho hiệu quả. Chính vì thế Tập đoàn đã đưa anh Quỳnh Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn xuống kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên một thời gian. Tôi nghĩ đó là một thông điệp rõ ràng của Tập đoàn là muốn xây dựng và tiếp tục xây dựng PVEP thành một đơn vị mạnh của Tập đoàn, cho nên đối với lãnh đạo PVEP, giai đoạn này thì đoàn kết trong tổng công ty là việc quan trọng. Chúng ta phải làm sao để CBCNV-LĐ hiểu rõ được tình hình sản xuất kinh doanh và các khó khăn trước mắt của PVEP. Hiện nay, PVEP đang rất khó khăn, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Với giá dầu ở mức 50-60USD/thùng thì tôi nghĩ đó là mức bình thường, còn vọt lên mức 100-140USD/thùng là đột biến… Do vậy, tôi nghĩ đây cũng là thời cơ để PVEP đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ của mình để sao cho bộ máy được tinh giản, hiệu quả, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với những người có cống hiến và thực sự chăm lo cho công việc của tổng công ty. Còn với những người chưa thực sự chăm lo cho công việc thì phải có mức đãi ngộ khác. Nếu không làm tốt công tác này thì trong nội bộ sẽ có sự tỵ nạnh, đùn đẩy công việc, kỷ cương xộc xệch và công việc sẽ không tiến triển thuận lợi được. Quan trọng là cần tính toán kỹ và làm cho người lao động hiểu, ủng hộ. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và tài năng của người lãnh đạo.
Hy vọng rằng, Tập đoàn và PVEP sẽ làm tốt công tác tái cơ cấu để PVEP ngày một phát triển vững mạnh hơn.
PV: Thưa ông, thế còn vấn đề cơ chế cho PVEP thì thế nào?
Ông Trần Ngọc Cảnh: Hiện nay, thực sự mà nói PVEP có vướng ở cơ chế tài chính cho đầu tư tìm kiếm - thăm dò. Từ thời chúng tôi đã có quỹ rủi ro trong tìm kiếm - thăm dò. Quỹ rủi ro ban đầu tương đối thoáng, nhưng sau này cứ dần dần rút lại, chỉ tập trung ưu tiên vào các dự án trọng điểm…
PVEP trong cơ chế mới là một thực thể độc lập, Tập đoàn là nhà đầu tư ở đó, cho nên dùng quỹ rủi ro tìm kiếm - thăm dò của Tập đoàn cho PVEP thì chưa có cơ chế. Theo kinh nghiệm, chúng ta có thể xử lý theo một trong hai cách: một là hiện nay Công ty Mẹ cùng các chi nhánh có thể dùng quỹ rủi ro của Tập đoàn, còn PVEP sẽ xin trích lập một quỹ rủi ro của PVEP riêng và Tập đoàn sẽ quản lý, giám sát quỹ này. Vietsovpetro từ lâu đã có cơ chế cho khoan tìm kiếm - thăm dò. Cách thứ hai, nếu không trích lập quỹ rủi ro ở PVEP thì Tập đoàn có thể xem xét phương án “đầu tư rủi ro” cho công tác điều tra cơ bản và các dự án tìm kiếm thăm dò do PVEP đề xuất. Nếu khoan không có phát hiện dầu khí thì Tập đoàn chịu và làm thủ tục thanh lý từ quỹ rủi ro. Còn nếu có phát hiện dầu khí thì Tập đoàn sẽ áp dụng các điều kiện thương mại đã thống nhất để PVEP tiếp tục thực hiện dự án. Trong những năm đầu thập niên 90, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các công ty Nhật vào thăm dò - khai thác dầu khí ở Việt Nam bằng giải pháp này.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Thành lập PVEP, với tư cách là Chủ tịch đầu tiên của PVEP, tôi xin chúc toàn thể cán bộ lãnh đạo, các chuyên gia, nhân viên, người lao động của PVEP cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công trong các dự án đầu tư vào tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí cả ở trong nước và nước ngoài. Vinh quang và trách nhiệm đang chờ đón các đồng chí.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Kính chúc ông sức khỏe và tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của PVEP và của PVN.