Mọi công đoạn ướp trà sen Hồ Tây được làm thủ công, do vậy, để có được những bông trà đượm hương sen mà vẫn giữ vị trà thuần khiết đòi hỏi sự kỳ công, tinh tế.
Giữa những tháng 6 oi ả, Thủ đô vẫn có một góc nhỏ thơ mộng và thanh tao. Hồ Tây - nơi mà nhiều người muốn tìm đến vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn để quên đi những bận rộn thường ngày, để ngắm nhìn những nụ sen hồng chớm nở, đắm mình trong hương sen thơm ngát, cùng đó là nhẩn nha nhấp chén trà ướp hoa sen thơm dịu.
Tháng 6 khi sen hồng bắt đầu nở rộ tại các đầm ở Hồ Tây cũng là lúc người làm nghề ướp trà sen trứ danh Bách Diệp tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật vào vụ mùa mới.
Trà sen Tây Hồ ướp tưởng như đơn giản nhưng để có được những bông trà đượm hương hoa sen mà vẫn giữ vị trà thuần khiết đòi hỏi sự kỳ công, tinh tế.
Cụ Nguyễn Thị Tâm (96 tuổi, ở quận Tây Hồ) chia sẻ, gia đình có nghề truyền thống ướp trà sen từ lâu đời, đến nay cụ vẫn tiếp tục gắn bó với công việc ướp trà sen và hướng dẫn các thế hệ con cháu tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
“Mọi công đoạn ướp trà sen đều được làm thủ công hoàn toàn. Để ra được thức trà đặc biệt này phải cần qua 7 lần ủ gạo sen và sấy. Cứ một lớp trà rồi đến một lớp mỏng gạo sen” - cụ Nguyễn Thị Tâm bật mí.
Cùng Báo Công Thương ghi lại cận cảnh quy trình làm trà sen đầy công phu của người Hà Nội qua những tác phẩm dưới đây:
|
Tháng 6, khi sen hồng bắt đầu nở rộ tại các đầm ở Hồ Tây cũng là lúc người làm nghề ướp trà sen trứ danh Bách Diệp ở Hồ Tây tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật vào vụ mùa mới
|
|
Để có được 1 cân trà ướp hương sen Bách Diệp chất lượng, người làm nghề phải thu hoạch hoa từ sáng sớm. Từ cuối tháng 5, sen đã nở nhưng thời điểm chính vụ và thu hoạch nhiều nhất là giữa tháng 6 và đầu tháng 7 |
|
Sen dùng để ướp trà chủ yếu là loài sen Bách Diệp, loại sen đặc biệt này dùng để ướp ra loại trà được mệnh danh là đệ nhất trà Hà thành |
|
Cụ Nguyễn Thị Tâm cho biết, gia đình có nghề truyền thống ướp trà sen từ lâu đời, đến nay cụ vẫn tiếp tục gắn bó với công việc ướp trà sen và hướng dẫn các thế hệ con cháu tiếp nối nghề truyền thống của gia đình |
|
Cụ Nguyễn Thị Tâm cho biết, mọi công đoạn ướp trà sen đều được làm thủ công hoàn toàn |
|
Để ra được thức trà đặc biệt này phải cần qua 7 lần ủ gạo sen và sấy. Cứ một lớp trà rồi đến một lớp mỏng gạo sen |
|
Trà sen được chia làm 2 loại: Trà sen truyền thống và trà sen ướp xổi |
|
Trước hết, cần cẩn thận tách gạo ra khỏi từng bông sen, sàng lọc để chỉ thu lấy gạo sen. Việc lấy gạo sen là công đoạn khó, người làm phải nhẹ nhàng, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm |
|
Sau đó cho một lớp lá sen xuống thúng hoặc mâm đồng, lần lượt rải một lớp gạo sen xuống dưới, một lớp trà lên trên, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi hết gạo sen |
|
Sau cùng, cho một lớp lá sen phủ trên cùng. Thúng trà gạo sen cần được ướp trong khoảng 18-24 giờ, tùy theo độ ẩm của gạo sen |
|
Trà sen ướp xổi khá dễ làm. Hoa sen ngay sau khi được cắt lên tại hồ hoặc mua về từ sáng sớm cần được ướp trà luôn để tranh thủ lúc hương sen còn đượm nhất |
|
Loại trà xổi ướp trong bông sen có giá 30.000 - 50.000 đồng/bông. Đây cũng được xem là loại trà có giá đắt đỏ bậc nhất chỉ dành cho giới nhà giàu |
|
Hoa được ướp sen xong cho cắm vào các bình hoặc chậu nước để qua 1 đêm. Vào hôm sau, khi hương sen đã ngào ngạt trong trà, lúc này có thể bắt đầu lấy dùng. Với những bông sen đã ướp còn lại, có thể bảo quản bằng cách cho vào túi hút chân không bỏ ngăn đá tủ lạnh, dùng dần. |