Cần cái nhìn đúng về rủi ro trong thăm dò khai thác dầu khí

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố số liệu và chỉ ra một loạt dự án chưa mang lại hiệu quả của một số Tập đoàn nhà nước, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).    

Cụ thể, KTNN cho rằng hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao; việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài còn vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.

Báo cáo KTNN cũng cho rằng PVN có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án với tổng chi phí 773 triệu USD. Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nói chung, trong đó có các DN trực thuộc PVN, không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu; nhiều khoản đầu tư, góp vốn thua lỗ.

Ngay lập tức, những thông tin do KTNN đưa ra đã khiến dư luận xã hội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của PVN đối với những dự án trên. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải thông tin mới, mà là những vấn đề PVN nhiều lần báo cáo với nhiều cấp lãnh đạo, kể cả với Bộ Chính trị để tìm cách tháo gỡ, giải quyết.

Bên cạnh đó, báo cáo của KTNN không nhắc tới những yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động tại các dự án mà chỉ tập trung vào những con số thua lỗ. Điều này đã và đang khiến dư luận xã hội có cái nhìn phiến diện đối với PVN và những khó khăn mà PVN đang phải đối mặt. Và cũng cần phải khẳng định, khi nhắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, điều cần thiết là phải có cái nhìn tổng thể về các mặt hoạt động, chứ không chỉ tập trung vào một dự án, một đơn vị kinh doanh thiếu hiệu quả.

can cai nhin dung ve rui ro trong tham do khai thac dau khi

Từ trước đến nay, PVN là doanh nghiệp nhà nước và trong nhiều năm qua đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Vào những năm từ 2006 cho đến 2014, PVN luôn được đánh giá là tập đoàn kinh tế trụ cột của quốc gia, là “công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ”. Những điều đó thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với PVN trong nhiều năm.

Điều đáng nói nhất là cho đến nay, PVN đã xây dựng được một ngành dầu khí khép kín từ khâu đầu đến khâu cuối: tìm kiếm, thăm dò, khai thác - tàng trữ, vận chuyển - chế biến sâu. Với 5 lĩnh vực cốt lõi đó là tìm kiếm thăm dò khai thác; công nghiệp khí; công nghiệp điện; chế biến dầu khí và dịch vụ kỹ thuật cao.

Về mặt tài chính, tổng tài sản của Tập đoàn không ngừng tăng, chỉ tính riêng từ khi bắt đầu hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế năm 2006, tổng tài sản của Tập đoàn ước gần 147.000 tỷ đồng, thì đến đến 30/6/2019, con số này là trên 829.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu từ hơn 98.000 tỷ đồng năm 2006, đã đạt hơn 466.000 tỷ đồng năm 2019. Đây là con số chứng minh rõ nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của PVN. Trong khi đó, năm 2018, PVN đã nộp ngân sách Nhà nước chiếm 50% trong tổng số 28 Tập đoàn, Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều mà duy nhất chỉ có PVN làm được!

Bằng trí tuệ và sức mạnh nội lực của mình, PVN đã làm được những điều gần như không tưởng, đó là chế tạo được các giàn khoan thăm dò dầu khí tự nâng; đã chinh phục được thành công cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, nơi có cấu tạo địa chất phức tạp nhất thế giới; đã khai thác thành công ở sa mạc Sahara; ở mỏ dầu tại Nhenhetxky cực Bắc nước Nga. Nhà máy lọc dầu Dung Quất không những đã sản xuất được các loại xăng, dầu phục vụ cho nhu cầu của công nghiệp, đời sống xã hội, mà còn sản xuất được thành công các loại xăng máy bay, kể cả cho máy bay phản lực chiến đấu và dầu đặc chủng cho tàu ngầm...

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng luôn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định. Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, hằng năm đóng góp vào công tác an sinh xã hội trung bình khoảng 500 tỉ đồng. Đây là những đóng góp to lớn không thể phủ nhận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với nhiều người, nguồn lợi nhuận đến từ hoạt động thăm dò – khai thác được coi là “khổng lồ”, là “siêu lợi nhuận”; nhưng “siêu lợi nhuận” luôn đi kèm với “siêu rủi ro” – đặc biệt đối với ngành kinh tế - kỹ thuật cao như dầu khí. Theo kết quả của KTNN, hiện nay Tập đoàn có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án. Con số này khiến nhiều người “ngã ngửa”, tuy nhiên, lý do của việc đầu tư không hiệu quả là gì thì ít thấy ai nhắc tới.

Có thể nói, hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí là hoạt động có tính rủi ro bậc nhất, bởi nó không đơn thuần là việc “múc dầu lên để bán”. Ngành dầu khí có 3 rủi ro lớn mà không ai lường trước được là: Thứ nhất, rủi ro về biến động chính trị, do chiến tranh, thiên tai. Thứ hai, rủi ro về kỹ thuật - đây là loại rủi ro hay gặp nhất. Tỷ lệ thành công khi khoan thăm dò - may mắn ra là 20%. Nghĩa là cứ 10 mũi khoan thì may ra có 2 mũi tìm thấy dầu; và cứ 10 mũi khoan tìm thấy dầu thì may ra có 3 - 4 giếng cho dòng dầu thương mại. Chính vì thế, trên thế giới, các tập đoàn, công ty khai thác dầu khí thường phải liên doanh với nhau mà mục đích lớn nhất là cùng nhau chia sẻ rủi ro.

can cai nhin dung ve rui ro trong tham do khai thac dau khi

Thứ ba, rủi ro về giá dầu. Việc giá dầu thế giới tăng - giảm có ảnh hưởng toàn diện đến việc thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí trên toàn thế giới. Chúng ta thấy rất rõ, từ năm 2015, giá dầu thế giới giảm xuống mức độ kỷ lục, có thời điểm chỉ 28 USD/thùng. Hầu hết các công ty dầu khí phải dừng, giãn tiến độ, một số công ty dừng hoạt động và ngay tại Trung Đông đã có công ty phải phá sản.

Chính vì thế, việc thăm dò khai thác ở nước ngoài không phải lúc nào cũng suôn sẻ và đó là những rủi ro các công ty dầu khí buộc phải chấp nhận mà không thể dự đoán trước được.

Đó là các dự án chúng ta đầu tư ở nước ngoài, còn tại Việt Nam, việc các công ty, Tập đoàn dầu khí quốc tế “đổ tiền” vào tìm kiếm thăm dò mà không đạt được hiệu quả là chuyện không hề hiếm gặp. Có thể nhắc tới trường hợp mỏ Đại Hùng – mỏ dầu được Việt Nam mua lại chỉ với ... 1USD. Cho đến nay, các nhà khoa học của Tập đoàn Dầu khí đã tìm cách mở rộng mỏ, khoan thăm dò thêm, trong mấy năm nay, mỗi ngày mỏ đó cho thêm 10.000 thùng dầu.

Hoặc mới đây, dự án Biển Đông 01 vừa kỷ niệm 10 năm khai thác khí và dầu ở cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Dự án này vốn của BP, họ đã mất 9 năm thăm dò, đổ vào đây 500 triệu USD mà không được gì. Cuối cùng họ ra đi và giao lại hồ sơ cho Tập đoàn. Tập đoàn Dầu khí quyết tâm làm, Chính phủ quyết tâm làm và bây giờ, mỗi ngày khu mỏ này nộp cho đất nước gần 2 triệu USD. Ngoài ra, Total của Pháp và ExxonMobil của Mỹ mất hơn 500 triệu USD thăm dò ở mỏ Cá Voi Xanh; đó là chưa kể đến những dự án mất từ dăm bảy chục đến đôi ba trăm triệu thì… “vô biên”.

Có thể khẳng định rằng nghề tìm kiếm và khai thác dầu khí là một ngành nghề đặc biệt khó khăn và đầy rủi ro, bởi vậy cần xã hội có cái nhìn công tâm về ngành Dầu khí cũng như những người lao động dầu khí chân chính.

Tất nhiên, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, trong thời gian vừa qua Tập đoàn còn có những khuyết điểm: Một số dự án của Tập đoàn không đạt hiệu quả kinh tế hoặc gây thất thoát kinh phí và nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp của Tập đoàn phải xử lý bằng pháp luật đã làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu Petrovietnam và danh dự của người dầu khí. Tuy nhiên, đến thời điêm hiện nay vẫn còn không ít cơ chế đã lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của Tập đoàn vẫn còn tồn tại và trở thành rào cản đối với PVN. Để giải quyết được tình hình này, đòi hỏi phải có sự “ xắn tay áo” vào của Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, PVN cũng cần tích cực xử lý các hậu quả tài chính trước đây một cách toàn diện và triệt để nhưng lại phải thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đồng thời cần tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách; không đầu tư dàn trải; quyết liệt xử lý các dự án yếu kém, thu lỗ , tồn đọng kéo dài. Có như vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới có thể đứng vững và phát triển được!

Khánh An

Theo SKMT

can cai nhin dung ve rui ro trong tham do khai thac dau khi Ngành Dầu khí với những Nhà giàn DK1 đầu tiên

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm (5/7/1989 - 5/7/2019) nhà giàn DK1 được xây dựng trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, đánh dấu ...

can cai nhin dung ve rui ro trong tham do khai thac dau khi Cổ phiếu Dầu khí giao dịch tích cực khi PVN bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới

Ngày 26/6, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức buổi họp ...

can cai nhin dung ve rui ro trong tham do khai thac dau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Công bố quyết định bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc

Trên cơ sở đề xuất của Ủy Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ý ...