Cán bộ không được nịnh cấp trên: Thế thì...ốm mất!

 Trong đề án “ Văn hóa công vụ” nêu rõ cán bộ không được nịnh bợ lấy lòng lãnh đạo cấp trên.

can bo khong duoc ninh cap tren the thiom mat

Ảnh minh họa

Đề án “Văn hóa công vụ” được Bộ Nội vụ soạn thảo nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Phạm vi, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Đề án quy định khá nhiều điểm chi tiết, ví dụ trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện "4 xin, 4 luôn": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

"Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng", đề án nêu rõ.

Nói chung đây là một đề án được hy vọng sẽ đem lại không khí văn minh, lịch thiệp tại chốn công sở, bởi nó giúp cho cán bộ, công chức có thái độ ứng xử đúng mực với người dân và đồng nghiệp, cấp trên. Chỉ có vấn đề đặt ra là ai sẽ giám sát, chế tài xử phạt sẽ thế nào nếu cán bộ, công chức không thực hiện đúng như quy định.

Một nội dung được nhiều người chú ý đó là hành vi “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng đối với cấp trên”. Quả thực đây chắc chắn sẽ là một “cửa ải” khó vượt qua với nhiều cán bộ, công chức. Còn nhớ cách đây không lâu, một luận án tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học với đề tài “Hành vi “nịnh” trong tiếng Việt” cũng đã gây xôn xao dư luận. Chuyện “nịnh” nhau đã trở thành đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ, chứng tỏ nó không hề đơn giản.

Có ý kiến bình luận vui rằng nếu thực hiện đề án này một cách triệt để, có chế tài xử phạt nghiêm khắc thì chắc nhiều công chức cán bộ sẽ… phát ốm vì không được nịnh bợ. Những vị cấp dưới chuyên nịnh bợ cấp trên để lấy lòng, để được ưu ái trong công việc cũng phát ốm, vì từ giờ sẽ không được “uốn 3 tấc lưỡi” mà “mồm miệng đỡ chân tay”. Cấp trên thiếu những lời nịnh bợ của cấp dưới, chắc cũng vật vã như thiếu thuốc, từ trước tới giờ chuyên nghe những lời tâng bốc êm tai, giờ không còn nghe thánh thót bên tai nữa, chắc cũng phát ốm vì buồn chán.

Ấy là nói cho vui thế thôi, chứ dẹp được tật nịnh hót, bợ đỡ trong công sở thì tốt quá. Mọi thứ sẽ trở về với đúng vị trí của nó, một là một, hai là hai. Sẽ không còn những lời nói dối trá, khen tụng một tấc đến giời, cán bộ công chức sẽ được nói thẳng, nói thật với cấp trên của mình.

Chỉ có điều, ai dám là người dũng cảm, không nịnh nọt cấp trên đây? Không khéo lại bị mất lòng cấp trên, bị trù úm hoặc xếp vào diện tinh giảm biên chế. Có nhiều người đã chọn cách dễ nhất, thay vì nỗ lực bằng tài năng thực chất, cứ ngày ngày cúi cong lưng xuống một chút, lựa chọn những lời êm ái ngon ngọt dễ nghe để tâng bốc cấp trên hòng tiến thân.

Có lẽ cũng nên có thêm một quy định để cân bằng ứng xử: đối với cấp trên, không được nghe những lời xu nịnh có mục đích không trong sáng của cấp dưới, dù điều đó có mát gan mát ruột đến đâu đi chăng nữa. Không là không, dứt khoát là thế!

can bo khong duoc ninh cap tren the thiom mat TP.HCM: Khởi tố cán bộ khẳng định nghiêm minh của pháp luật

Việc khởi tố vụ án và xử lý kỷ luật cán bộ một mặt khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ luật của ...

can bo khong duoc ninh cap tren the thiom mat Cán bộ, công chức không được nịnh bợ cấp trên

Đề án Văn hóa công vụ nêu rõ cán bộ phải thực hiện "4 xin, 4 luôn" khi tiếp xúc với người dân, không được ...

/ http://baodatviet.vn