Cán bộ xuất ngoại nhiều khi để giải quyết chính sách, chuẩn bị về hưu..., vì thế hiệu quả các chuyến đi nước ngoài không cao.
Trong một cuộc hội thảo tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra thực trạng, từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực đến nay đã có hàng ngàn cuộc hội thảo, chuyến đi khảo sát trong và ngoài nước với hàng ngàn cán bộ học tập về giám sát DNNN, học tập kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước.
Việc này tốn rất nhiều tiền của ngân sách, của doanh nghiệp nhưng kết quả giám sát DNNN lại rất tồi.
Bà đặt ra câu hỏi: Phải chăng chúng ta là một học trò dốt? Học biết bao nhiêu thầy, sách vở nhưng không hề học được thực tiễn để làm được việc. Hoặc các kiến thức được học về cũng bị áp dụng máy móc theo kiểu “thầy đọc, trò chép”, không hiểu một cách thực tế, linh hoạt nên có đưa vào luật cũng không đạt được hiệu quả cao.
Trao đổi với Đất Việt, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chia sẻ với nỗi trăn trở của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về hiệu quả của những chuyến đi nước ngoài để học tập, khảo sát của cán bộ, công chức.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, việc đưa cán bộ đi học tập ở nước ngoài là vấn đề có tính chất chiến lược, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, cán bộ rất cần mở rộng tầm nhìn, giao lưu quốc tế, học tập kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm...
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, thời gian qua, công tác đưa cán bộ đi học tập ở nước ngoài có sự lỏng lẻo, sơ hở trong việc thiết kế các kế hoạch, chương trình cũng như nhân sự của các đoàn.
"Sự lỏng lẻo đó gây tốn kém cho ngân sách nhà nước cũng như cho các chương trình được tài trợ, đặc biệt là có một số chương trình do doanh nghiệp tài trợ.
Thực ra, về mặt đường lối, chính sách pháp luật thì rất chặt chẽ, nhưng quá trình tổ chức thực hiện lại chưa đến nơi đến chốn, việc sử dụng ngân sách để thiết kế các đoàn đi không hiệu quả,quản lý chưa được chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, có sự thiếu gương mẫu của cán bộ là người đứng đầu, thậm chí có chuyện một số người đi để giải quyết chính sách, chuẩn bị về hưu, giải quyết cho một số người chưa bao giờ được đi đâu, cho nhân viên kế toán, lái xe đi...
Tôi biết có nhiều trường hợp như thế, vì thế, dư luận đánh giá nhiều chuyến cán bộ đi nước ngoài không hiệu quả là đúng", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chỉ rõ.
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho biết, tại Quốc hội khóa XIII, các ĐBQH đã đặt vấn đề Bộ Ngoại giao cần thống kê lại các đoàn đi nước ngoài và đánh giá hiệu quả của các đoàn đi thuộc các lĩnh vực. Tuy nhiên, câu hỏi đó chưa được trả lời.
"Đất nước còn rất nghèo, cho nên khi gửi các đoàn đi phải làm sao cho hiệu quả. Thế nhưng, trong quá trình tổ chức các đoàn đi, từ cách chọn, mục tiêu của nhiều đoàn không rõ, rồi khi về có khi có báo cáo, có khi không, chưa kể có báo cáo thì thực hiện báo cáo như thế nào... Những việc đó trước nay chưa làm được", bà Bùi Thị An nói.
Bà cũng chỉ ra thực trạng có nhiều đoàn đi nước ngoài chỉ để giải quyết chế độ, có đoàn có hiệu quả, có người có hiệu quả, nhưng nhìn chung lãng phí ngân sách rất nhiều.
Bên cạnh đó, có không ít đoàn đi nước ngoài do doanh nghiệp đứng ra tài trợ. Có doanh nghiệp đi để tham khảo, mời khách đi là có mục tiêu tốt, nhưng nhiều doanh nghiệp mời cán bộ, công chức đi để sau đó lobby chính sách.
"Đã là doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lãi. Họ đã bỏ tiền ra tổ chức các đoàn đi nước ngoài, mời cán bộ cao cấp đi cùng là phải có ý định", bà An nhấn mạnh.
Cả hai vị ĐBQH đều cho rằng, đến nay vẫn chưa có tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả của các chuyến đi nước ngoài của cán bộ, công chức.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lưu ý: "Không ai nói cán bộ đi nước ngoài học tập giỏi, trung bình hay kém vì không có tiêu chí nào để đánh giá việc đó. Nhưng đừng lấy việc những cán bộ đi rồi về làm việc không tốt thì cho rằng họ đi học kém.
Việc đánh giá hiệu quả công việc còn nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ vì một chuyến đi nước ngoài rồi nói cán bộ học tập kém. Phải công bằng chỗ đó. Tuy nhiên, phải thấy rằng Việt Nam chưa có cơ chế để đánh giá chính xác được việc áp dụng các kiến thức học tập ở nước ngoài về như thế nào, nên hiện nay chưa kết luận được hiệu quả áp dụng là có".
Vị đại biểu chưa thể khẳng định kỳ họp tới của Quốc hội có chất vấn về vấn đề cán bộ đi nước ngoài hay không, bởi việc chất vấn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng ông cho rằng cần phải rà soát, đánh giá lại, cả về mặt chính sách cũng như quá trình thực hiện các chuyến đi nước ngoài của cán bộ để xác định trách nhiệm cho rõ ràng, đảm bảo sau này việc tổ chức các đoàn đi và sử dụng ngân sách hiệu quả.
"Tất cả các đoàn đi về phải có báo cáo và phải xác định rất rõ là có lộ trình áp dụng, thực hành những kiến thức mình đã học ra sao. Còn cứ để tình trạng như hiện nay thì tốn kém tiền của của nhân dân vô cùng. Nó cũng cho thấy công tác giám sát chưa hiệu quả và chưa được chú trọng", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
5 cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La liên quan sai phạm quy chế thi THPT quốc gia
Trưa 23/7, tổ công tác của Bộ GD&ĐT cùng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Sơn La công bố thông tin liên quan ... |
Bộ trưởng GD&ĐT: "Quyết loại khỏi ngành cán bộ vi phạm quy chế thi"
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định bộ này cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ... |
Không điểm mặt cán bộ \'cắp ô đi, cắp ô về\' thì khó tinh giản biên chế
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, người đứng đầu nhận thấy được cán bộ năng lực nào yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, ... |