- Lần đầu tiên áp khung pháp lý trí tuệ nhân tạo, hợp pháp hóa tài sản số
- Khung pháp lý cho tài sản số: Chú trọng an toàn và khuyến khích đổi mới sáng tạo
Các chuyên gia cho rằng, nếu có khung pháp lý phù hợp, tài sản số đem lại cơ hội phát triển kinh tế và Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài sản số toàn cầu…
Cơ hội phát triển công nghiệp tài sản số

Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua, trong đó có quy định về tài sản số; tiếp đó, Chính phủ và các bộ, ngành đang xây dựng khung pháp lý phát triển tài sản mã hóa đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Theo đại diện Hội Tự động hóa Việt Nam, Việt Nam đang ở giai đoạn xác lập khung pháp lý cho tài sản số với những điểm nhấn quan trọng. Trong đó, tài sản số đã được đưa vào nhóm đối tượng cần theo dõi, nghiên cứu để tiến tới xây dựng cơ chế quản lý phù hợp.
Các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang tiếp cận nghiên cứu thử nghiệm. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu mô hình tài sản số gắn với giá trị thực. Đây là tiền đề quan trọng để tài sản số có thể đóng góp cho nền kinh tế số.
Các chuyên gia về blockchain cũng cho rằng, việc Chính phủ xác định blockchain (chuỗi khối) là một trong những công nghệ trọng điểm, nằm trong mục tiêu tăng trưởng quốc gia (trong danh mục 11 công nghệ chiến lược quốc gia), kèm theo ba sản phẩm khuyến khích nghiên cứu và phát triển là bước tiến quan trọng.
Chuyên gia cũng kỳ vọng, Chính phủ sẽ có hành động nhanh hơn, mạnh hơn, để biến blockchain trở thành động lực tăng trưởng hợp pháp, an toàn và bền vững.

Tổng giám đốc Binace Richard Teng, tại tọa đàm "Chiến lược quốc gia về tài sản số - Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu", do Báo Lao động tổ chức ngày 15-7 vừa qua, nhận định việc ban hành khung pháp lý cho tài sản số là thách thức lớn, không chỉ với Việt Nam mà với cả toàn cầu, do lĩnh vực này mới và thay đổi nhanh. Do vậy, yếu tố then chốt là phải cân bằng được giữa luật pháp và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Richard Teng, thị trường tài sản số toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, nhiều quốc gia đã đưa ra những thông điệp khẳng định tài sản số không biến mất mà sẽ tái định hình tài chính truyền thống.
Cần khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển

Đại diện các start up công nghệ trong nước cũng chia sẻ về khung pháp lý cho tài sản số. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc của Sky Mavis (thành lập năm 2018) cho rằng, trước đây những hoạt động liên quan tài sản số được coi là “vùng xám”, nghĩa là doanh nghiệp làm những gì luật pháp không cấm. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa mới nhất, lại có quy định những hoạt động không được nhắc đến trong luật thì sẽ bị cấm. Cách nhìn này vô tình tạo ra những hạn chế.
Hơn nữa, quy định như vậy ảnh hưởng đến không gian đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng của toàn cầu trong lĩnh vực blockchain.
“Việc các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy định về tài sản số sẽ tạo cơ hội cho cả thị trường và doanh nghiệp. Nhưng nếu làm không đúng, khác với thông lệ trên thế giới, có thể sẽ đánh mất đi cơ hội”, ông Trung nói.

Cùng quan điểm, ông Trần Huy Vũ, Giám đốc Kyber Network - một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain phân tích, bản chất của công nghệ là phát triển rất nhanh. Có những ứng dụng hiện tại rất nhỏ nhưng chỉ trong 3-5 năm tới có thể thành trụ cột quan trọng. Do vậy, nếu luật không đủ “mở” để tạo cơ hội cho sản phẩm mới phát triển, trong tương lai sẽ khó có những sản phẩm lớn…
Thực tế không ít start up công nghệ khi mới bắt tay nghiên cứu phát triển sản phẩm blockchain, đã nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường này. Chẳng hạn với Công ty Sky Mavis, từ sản phẩm Axie Infinity, một tựa game NFT ban đầu chỉ có vài trăm người dùng, sau 3 năm đã nổi danh toàn cầu, dẫn đầu trong ngành blockchain gaming, với định giá tới 3 tỷ USD. Điều này cho thấy nếu quản lý quá chặt, doanh nghiệp sẽ không có cơ hội bứt phá để thay đổi cuộc chơi.

Có một thực tế là không ít doanh nghiệp blockchain, start up công nghệ đặt trụ sở chính tại nước ngoài… mong muốn được đóng góp cho kinh tế Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút thêm nguồn vốn và chất xám từ nước ngoài về Việt Nam.
Theo Tổng giám đốc Binance Richard Teng, công nghệ nói chung và blockchain nói riêng đang phát triển nhanh và mạnh mẽ. Nó giống như dòng nước, nếu ta cố gắng ngăn lại, nước vẫn sẽ tìm cách len lỏi để tiếp tục chảy.
Việc siết chặt quá mức có thể khiến khó kiểm soát hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Điểm mấu chốt là cơ quan quản lý phải tạo ra khuôn khổ pháp lý với những quy định tối ưu và thúc đẩy ngành phát triển.
Điều này đòi hỏi Chính phủ và những nhà làm luật sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro hợp lý. Khi làm được điều đó, ngành tài sản số ở Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài và vươn ra thế giới.