Cầm 200.000 đồng đi chợ, không mua đủ 2 bữa ăn ngon cho gia đình

Nhiều bà nội trợ than, giá cả đắt đỏ nên dù có cầm 200.000 đồng đi chợ thì cũng rất khó mua đủ đồ ăn để chế biến 2 bữa ăn ngon cho gia đình 4 người.

“Cứ như bị đánh rơi, mang 200.000 đồng đi chợ, chưa mua được gì đã thấy hết tiền”, chị Vũ Hồng Hạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chán nản ví von.

Gia đình chị Hạnh có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Bởi các con cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nên bữa cơm của nhà chị dù không quá cầu kỳ nhưng vẫn thường được chế biến đa dạng với 2 món mặn và một món rau, kèm theo chút trái cây tráng miệng. Chị cũng cố gắng tìm cách đổi món để kích thích chồng, con ăn ngon miệng, tái tạo sức lao động và học tập.

Nhưng với mức thu nhập không quá nhiều của cả 2 vợ chồng, chị Hạnh ngày càng đau đầu khi phải đong đếm cẩn thận cho mỗi bữa ăn. Thông thường, chị mua thực phẩm cho 2 bữa liên tiếp để phòng lúc bận rộn không thể đi chợ. Và quan trọng hơn là để giảm bớt sự vất vả, nhàm chán mỗi khi tính toán "hôm nay ăn gì cho đỡ tốn".

Giá cả hàng hóa đắt đỏ, nhiều bà nội trợ đau đầu tính toán cho từng bữa cơm gia đình.

Giá cả hàng hóa đắt đỏ, nhiều bà nội trợ đau đầu tính toán cho từng bữa cơm gia đình.

Ở khu chợ dân sinh nơi chị Hạnh sống, thịt bò hiện có giá 200.000 - 260.000 đồng/kg tùy loại, thịt gà công nghiệp dao động 70.000 - 85.000 đồng/kg, còn thịt lợn ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg.

Chị Hạnh nhẩm tính: “Với việc cần có 2 món mặn, mỗi bữa tôi sẽ phải chi ít nhất khoảng 60.000 đồng cho tiền mua thịt. Rau các loại rẻ nhất cũng khoảng 10.000 - 20.000 đồng. Thêm tiền mua nguyên liệu và các món phụ thứ 2 thường mất thêm khoảng 30.000 - 50.000 đồng nữa. Như vậy, chưa kể tiền trái cây kèm theo, một bữa ăn của nhà tôi cũng đã vượt mức 100.000 đồng. Phải mua khéo lắm thì mới chi đủ 200.000 đồng cho 2 bữa.

Khó khăn nhất với tôi mỗi khi đi chợ bây giờ là suy tính phải mua gì cho vừa không quá tốn lại vừa ngon miệng. Vì nếu qua quýt hoặc tiết kiệm quá thì chỉ mua được vài món đơn giản, dễ gây chán. Bữa cơm gia đình không chỉ để đảm bảo sức khỏe mà còn giúp mọi người thêm hứng thú mỗi khi thấy bữa cơm ngon. Vậy nên tôi cố xoay xở cho tốt, nhưng quả thật nhiệm vụ này ngày càng khó vì giá cả cứ ngày một tăng”.

Gần đây, để không bị chi vượt quỹ, chị Hạnh thường phải đưa các món đơn giản như trứng tráng, lạc rau, đậu sốt…vào mâm cơm gia đình, dù biết các con không thích.

Rau xanh cũng ngày càng đắt, nhiều món còn ngang ngửa giá thịt.

Rau xanh cũng ngày càng đắt, nhiều món còn ngang ngửa giá thịt.

Chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thúy Hằng (Thanh Trì, Hà Nội) cũng nhận định, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao như hiện tại, số tiền 200.000 đồng rất khó để sắm những bữa cơm tươm tất.

"Đơn giản nhất là muốn mua một con gà để cải thiện cũng không đủ. Loại rẻ nhất hiện cũng 120.000 đồng/kg và phải chi khoảng 250.000 đồng/con rồi", chị nói.

Gia đình chị Hằng có 2 vợ chồng ở cùng bố mẹ đã nghỉ hưu, vì thế, bữa ăn không thể thiếu các món thịt, cá…để đảm bảo sức khỏe cho người già. Với 200.000 đồng, chị Hằng thường dành tới hơn 1 nửa để mua các món mặn, số còn lại phải rất khó khăn mới có thể mua đủ các món rau, nguyên liệu đi kèm và trái cây.

 

“Một yến gạo hiện nay dao động từ 180.000 đến 250.000 đồng. Nhà tôi thường mua loại gạo Bắc Hương với giá 210.000 đồng/kg. Một yến gạo, cả gia đình sẽ có thể sử dụng trong vòng gần 1 tháng. Chưa kể mắm, muối, mì chính, dầu ăn…

Mỗi lần đi mua thêm các nguyên liệu này chắc chắn chi phí sẽ lên tới cả tiền triệu. Cộng với tiền hàng ngày đi chợ, mỗi bữa ăn sẽ khoảng 120.000 - 150.000 đồng. Như vậy, với số tiền 200.000 đồng để đi chợ, không đủ để tôi mua thực phẩm cho 2 bữa”, chị Hằng phân tích.

Với 200.000 đồng, bà nội trợ chỉ

Với 200.000 đồng, bà nội trợ chỉ "vừa ra đến chợ đã hết tiền".

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Xuân (tiểu thương bán thịt tại chợ Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, giá các loại hàng hóa tại khu chợ của chị đều tăng. Riêng giá thịt heo mà chị đang bán thì tuy có lúc giảm nhưng không đáng kể rồi lại âm thầm tăng trở lại.

Phải nhập hàng giá cao nên chị cũng tăng giá bán lẻ, dù điều này làm chị ngày càng ế ẩm hơn do khách thấy đắt nên hạn chế mua.

“Mọi người cứ nghĩ thịt tăng giá thì người bán sẽ lãi cao và thích. Nhưng thật sự không phải như vậy. Tôi thấy người dân hiện nay đi chợ rất cân nhắc và phải tính toán chi ly. Nếu giá thịt tăng, họ sẽ sẵn sàng không ăn nữa mà mua món khác. Cũng vì thế, tôi chỉ mong giá bình ổn ở mức thấp để đông khách mua”, chị Xuân nói.

Chị Xuân kêu ế khách mỗi khi giá thịt tăng cao.

Chị Xuân kêu ế khách mỗi khi giá thịt tăng cao.

Chị Đỗ Thị Trang (Nam Trực, Nam Định) thì nhận xét: Không chỉ riêng khu vực thành thị mà ở nông thôn, giá thực phẩm cũng đắt đỏ không kém.

Theo chị Trang, giá rau xanh ở quê có thể rẻ hơn một chút do ngiuồn cung nhiều nhưng ngược lại các loại thịt thì không rẻ hơn, thậm chí nhiều nơi còn đắt hơn.

Cụ thể, hiện nay giá thịt bò tại khu chợ quê chị Trang đang dao động từ 260.000 - 300.000 đồng/kg. Ở quê, thịt gà công nghiệp không được người dân ưa chuộng, nên thay vào đó là các loại gà ta, gà mía được rao bán với giá khoảng 140.000 - 160.000 đồng/kg.

“2 bữa ăn của gia đình tôi sẽ tiêu thụ khoảng nửa cân thịt bò hoặc 1 cân thịt gà. Bên cạnh đó là chi phí mua rau và các món phụ. Vì thế, 200.000 đồng cũng không dễ chi tiêu”, chị Trang nói.

Một bữa cơm cho gia đình 4 người ăn, dù đã tính toán kỹ vẫn tốn khoảng 150.000 đồng.

Một bữa cơm cho gia đình 4 người ăn, dù đã tính toán kỹ vẫn tốn khoảng 150.000 đồng.

Như vậy, có thể thấy, với giá cả hàng hóa đắt đỏ hiện nay, dù ở thành thị hay nông thôn thì mức chi 200.000 đồng vẫn khó để bà nội trợ xoay xở chế biến 2 bữa cơm gia đình. Mỗi gia đình vì thế sẽ phải bỏ ra từ 5 - 10 triệu đồng cho việc mua sắm lương thực, thực phẩm mỗi tháng.

Đây là bài toán khiến nhiều gia đình có mức thu nhập không quá cao phải đau đầu để cân đối chi tiêu trong bối cảnh thu nhập không tăng nhưng giá cả ngày một đắt đỏ.

https://vtcnews.vn/cam-200-000-dong-di-cho-khong-mua-du-2-bua-an-ngon-cho-gia-dinh-ar872516.html

Thành Lâm / VTC News