Một người Việt Nam mời tôi đi ăn, nói chuyện về thiền, tâm linh, cuộc sống. Ông đãi tôi ở một nhà hàng sang trọng, bữa ăn đắt tiền. Chắc phải rất lâu tôi mới có đủ điều kiện để đến một chỗ như thế.
cá sấu
Ông vừa rót vang đỏ mời tôi vừa kể về cửa hàng hoa mà ông đang kinh doanh. Những bó hoa từ cửa hàng ông luôn sẵn sàng kẹp phong bì tiền vào bên trong khi khách hàng yêu cầu. Đó là cách hối lộ đơn giản qua một bó hoa.
Tôi bị sốc khi nghe đến đây. Ông cố gắng giải thích rằng Việt Nam, cách này giúp mọi việc dễ dàng hơn.
Rồi tôi cũng hiểu vì sao ông phải chiều khách như thế. Mọi người đều làm như vậy. Nếu mang phong bì đi biếu, tặng mà người ta không nhận mới là điều đáng lo.
Một người bạn từng nói với tôi: "Họ không thể thay đổi nó. Bộ máy quản lý bị hư hỏng nặng nề đến mức tất cả mọi người đều tham gia. Nó giống như tất cả mọi người bị bắt buộc phải xỏ chân qua ống quần nếu muốn mặc được quần”.
Tết đang đến và giờ này chắc là đang có nhiều người tất bật “xỏ chân qua ống quần” thông qua những món quà đủ loại kèm theo chiếc phong bì.
Và trong bữa ăn sang trọng hôm đó, tôi đã nói với ông chủ hàng hoa suy nghĩ của bản thân về tham nhũng. Mọi người trong xã hội có thể tuân theo các quy tắc chung hay không, phụ thuộc vào kỷ luật cá nhân và “lập trình đạo đức” của chính bản thân họ. Theo nhà tâm lý học Sigmund Freud, cái siêu tôi (super-ego) của bạn là một phần tâm trí bạn và nó chỉ có ở động vật có vú, chủ yếu là ở con người. Nó quản lý tất cả các quy tắc và đạo đức mà bạn đã học được từ cha mẹ, giáo viên, bạn bè, xã hội, tôn giáo...
Nếu super-ego của bạn được lập trình tốt, bạn sẽ không phá vỡ các quy tắc, những luật lệ mà xã hội đã quy định. Ngược lại, nếu bạn không học thuộc đạo đức, không biết các quy tắc xã hội, biết mà bỏ qua thì cái siêu tôi của bạn rất sẵn sàng phá vỡ quy tắc đó.
Tôi dùng cá sấu như một ví dụ dễ hiểu. Cá sấu không có cái siêu tôi, nó chỉ dùng phần não của bò sát. Còn con người chúng ta có phần vỏ não ở trán trước để tạo ra cái siêu tôi. Vì thế, một con cá sấu quá đói và muốn ăn, nó có thể giết chết một cá sấu khác và ăn thịt đồng loại mình. Tất nhiên một cộng đồng hoang dã thiếu cái siêu tôi như thế sẽ không bao giờ xây dựng một nền văn minh vĩ đại. Cá sấu đâu có thể hợp tác với nhau để xây dựng kim tự tháp.
Tuy nhiên, sự thật, có nhiều luật con người cố tình lách một chút vì nó thoải mái và có lợi cho mình.
Đèn đỏ mà không thấy ai? Thôi, tôi sẽ vượt đèn đỏ này. Họ không cho tôi hút cần sa mà họ lại uống rượu. Thôi, kệ họ. Những khoảnh khắc đó, khi một ai đó bắt đầu tự quyết định “uốn bẻ” các quy tắc vì họ thì đó là lúc tham nhũng ra đời.
Bạn có “tham nhũng” không? Có đấy. Nó bắt đầu từ điều nhỏ bé tý tẹo hàng ngày. Khi bạn rời khỏi nhà buổi sáng. Đèn đỏ đầu tiên, cố gắng đừng vượt nó. Không lái xe trên vỉa hè. Đừng bóp còi và hăng hái vượt qua mọi người. Nếu hiểu tham nhũng không phải là một tội danh hình sự, mà là lạm quyền và làm hại cho lợi ích công, thì vượt đèn đỏ và leo lề là các hành vi như thế. Khi bạn vượt đèn đỏ, những người khác cũng sẽ làm theo.
Việc phá vỡ quy tắc là một thói quen của con người. Để chống tham nhũng, bạn phải đấu tranh với thói quen đó từ cái gốc, là chính mình. Không ai khác sẽ làm điều đó cho bạn. Bởi vì họ cũng tham nhũng theo nhiều cách mà chính họ còn không nhận ra.
Hãy giữ vững nền tảng của mình, lựa chọn không phá vỡ các quy tắc ngay từ đầu ngày và bước dần đến cuối ngày. Chỉ cần cố vượt qua thách thức trong các việc tiếp theo, ở cơ quan, ở nơi giao dịch với cơ quan khác, đối tác khác… Mỗi quyết định bạn đưa ra để ủng hộ không chọn tham nhũng, không gật đầu với lợi ích không phải của mình, không “vay mượn” sự ưu tiên, đều là một trận chiến. Giành chiến thắng, bạn đang chống tham nhũng.
Dorothy Newbury nói: "Kỷ luật chỉ là cách đào tạo tâm trí mình thôi”. Tức là, theo khái niệm này, chúng ta chỉ cần thực hiện một số thay đổi nhỏ trong cuộc sống, tạo ra một số thói quen tốt và những quyết định đúng hơn. Và chúng ta có thể thay đổi mọi thứ.
Thật khó để thuyết phục mọi người về nguyên lý của tham nhũng và hy vọng họ nghe theo bạn. Vì thế mà bạn phải làm điều đó, từ bên trong chính mình. Khi bạn bước đi đầu, trong sự tự tin, những người khác sẽ làm theo.
Trong bài viết trước, tôi đã kêu gọi mọi người tham gia thử thách “không nhậu” trong dịp lễ cuối năm. Lần này, bạn có thể thử một điều mới: hãy nghĩ về mỗi món quà hoặc cuộc giao đãi mà bạn trao đi dịp tất niên này, xem nó có thực sự vô tư hay không.
Sức sống Hà Nội
"Nơi sống của văn hóa đọc", một tờ báo gọi phố sách 19/12 của Hà Nội như thế, khi nó khai trương vào ngày Quốc ... |
Người quen làm to
Một người họ hàng đến gặp tôi dịp tất niên năm ngoái. “Chú có quan hệ rộng, chú xin việc cho cháu nó với, hết ... |