88 trạm thu phí trên toàn quốc. QL 1A có những thời điểm tới 37 trạm thu phí. Tức là cứ 62km lại có một trạm BOT. Cao tốc Hà Nội - Thái Bình dài chưa đầy 100km, nhưng có 4 trạm phí BOT...
Nhân viên trạm thu phí nhận tiền trong chai nhựa của tài xế rồi đưa đến nơi khác đếm để tránh kẹt xe. |
Cái chai, tiếng Anh bottle, đọc là bot. Việc các bác tài bỏ tiền lẻ vào chai để "ứng xử" với trạm BOT Cai Lậy có lẽ là cách chơi chữ - cho một hình thức phản ứng ôn hoà và không hề phạm luật. Nhưng chính vì thế, càng không thể xem thường câu chuyện BOT không chỉ ở Cai Lậy.
Chúng tôi phải khẳng định việc dùng tiền lẻ hoàn toàn hợp pháp, thậm chí sự hợp pháp được bảo hộ bằng quyền lực nhà nước. Một đồng tiền mệnh giá 100 đồng cũng "bình đẳng" ở khía cạnh giá trị sử dụng và khả năng lưu thông như tờ tiền 100.000 đ, 500.000 đ.
Còn cái chai, cho dù nhiều người nói đó là phản cảm, thì bản chất nó chỉ là cái vỏ cho việc thanh toán. Cái chai, chỉ như cái cọng thun buộc tiền mà không bất cứ ai, bất cứ quyền lực nào có thể xem xét trách nhiệm hay xử lý như lời của một vị... luật sư.
Hôm qua, Cục đường bộ sau buổi làm việc với Tiền Giang đã thống nhất rằng cần giảm phí.
Đó có thể là biện pháp tình thế mang tính trấn an, để trước mắt giải tỏa vấn đề Chai/BOT ở Cai Lậy đang ầm ĩ suốt mấy ngày nay.
Nhưng câu chuyện BOT Cai Lậy đang đặt ra câu chuyện hết sức nghiêm túc về sự hợp lý của những trạm BOT.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đưa ra con số: Chỉ 8% các trạm có sự bức xúc.
8%, trong ngót 90 trạm không lớn, nhưng cũng không hề nhỏ. Và dẫu chỉ 1 trạm thôi thì sự ùn ứ, và những sự biến xã hội mà nó gây ra lại hoàn toàn không nhỏ.
Trong câu chuyện BOT Cai Lậy có 3 chi tiết cực đắt:
Báo Thanh Niên dẫn lời một trung tá CSGT "Chúng tôi điều lực lượng tới đây là để giữ trật tự chứ không phải để… bảo vệ trạm thu phí. Bởi trạm thu phí đã đặt sai chỗ và không chỉ người dân mà chúng tôi cũng không đồng tình”. Theo vị CSGT này, việc xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết nhằm giải tỏa áp lực quá tải trên QL1 tại ngã tư Cai Lậy, nhưng trạm thu phí phải được đặt ngay trên tuyến tránh chứ không phải trên QL1.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn nói: “Trong các buổi làm việc với Bộ GTVT trước khi trạm thu phí đi vào hoạt động, chúng tôi đã phản ánh ý kiến của cử tri không đồng tình về địa điểm đặt trạm thu phí trên QL1. Dân kêu, chúng tôi biết...".
Ngay cả những nạn nhân đang chịu cảnh ùn tắc giờ cũng vỗ tay khi chứng kiến những... cái chai tiền lẻ đi qua trạm BOT.
Phải chăng là nỗi bức xúc khó chịu của cảnh chôn chân hàng giờ trên xa lộ đã nhường chỗ cho sự căm ghét trạm BOT.
Và cái trạm ấy sinh ra làm gì khi địa phương không đồng tình, CSGT không ủng hộ, còn người dân, hãy nhìn cách mà họ phản ứng.
BOT là chủ trương xã hội hoá nguồn vốn cho XDCB rất hữu hiệu trong giai đoạn NSNN chẳng mấy dư dả.
Nhưng BOT không thể là việc bán đường cho tư nhân.
90 trạm trên toàn quốc. QL 1A có những thời điểm tới 37 trạm thu phí. Tức là cứ 62km lại có một trạm BOT. Cao tốc Hà Nội - Thái Bình dài chưa đầy 100 km, nhưng có 4 trạm phí BOT. Hay tuyến đường từ tỉnh Đăk Nông lên Bến xe Miền Đông (TP.HCM) chỉ có 330 km nhưng có tới 8 trạm thu phí, bình quân, cứ 40 km có một trạm. Và giờ là Cai Lậy, tiếng là thu cho tuyến đường tránh, nhưng thực chất là chặn ngang yết hầu QL huyết mạch.
Những con số khủng khiếp chỉ đang chứng minh cách thức quản lý của chúng ta đang biến một phương thức tốt, với nguồn vốn của dân là động lực chính, thành ra một thứ đầy đọa dân. Và cái mà chúng ta cần xem lại phải là những trạm BOT chứ không phải những cái chai tiền lẻ.