Cái đẹp trường tồn

Thời trung học, lớp trẻ đô thị miền Nam chúng tôi thuộc không ít những câu thơ tình của một số nhà thơ tiền chiến.

Bản thân tôi cũng thế và cho tới nay mấy câu thơ của Nguyễn Bính vẫn khắc sâu trong tâm hồn: "Đằm đằm hoa sữa lên hương/ Chân anh vẫn bước trên đường cái đây/ Nẻo hồ, song cửa, lá bay/ Sáng trưng bóng dáng bao ngày yêu xưa".

Sau ngày nghỉ hưu, tôi mới có dịp cảm nhận rõ và tương đối đủ thế nào là "đằm đằm hoa sữa lên hương" ở đất trời Hà Nội vào những ngày rét lạnh. Năm này cũng thế; và GS Phong Lê rủ tôi đi Sóc Sơn - một trong những danh thắng của Hà Nội, nơi có tượng Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc. Tới chân núi Sóc Sơn thuộc thôn Tép, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, chúng tôi xuống xe vào khu vườn triển lãm tranh, tượng khoảng 1.000 m2 của nhà điêu khắc, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên.

Tiếp chúng tôi là nhà báo lão thành Lý Thị Trung - nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, thân mẫu của nhà điêu khắc, họa sĩ, NSND, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên. GS Phong Lê cho biết thêm thân phụ của Vương Duy Biên là nhà phê bình mỹ thuật Vương Duy Chiêm - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; cụ nội là nhà hoạt động văn hóa Vương Duy Trinh.

Lướt qua một số tượng đồng trưng bày trong vườn, tôi ngẫm huyết mạch truyền thừa nơi nhà điêu khắc Vương Duy Biên khá cao. Sau khi uống chén nước vối ấm lòng, chúng tôi được nhà báo lão thành Lý Thị Trung đưa đi tham quan tranh, tượng của con trai mình.

Qua những bức tranh lụa và sơn mài khổ lớn treo trên tường, tôi thấy hầu hết đề tài sáng tác của Vương Duy Biên là cảnh sinh hoạt của người nông dân đồng quê Bắc Bộ. Chúng tôi là những người "ngoại đạo" nhưng thấy cũng… vui mắt và riêng trong tôi gợi lên một niềm xúc cảm. Sợ mình nghĩ không đúng song chẳng lẽ cứ nhìn rồi khen, tôi nhận xét dường như… hầu hết tranh của Vương Duy Biên trưng bày ở đây có ảnh hưởng nghệ thuật trò rối nước. PGS Vân Thanh thật thà cho biết thấy tranh có màu sắc vui mắt, phản ánh chân thật đời sống người dân quê nhưng ảnh hưởng trường phái hội họa nào thì… chịu!

cai dep truong ton

Tác giả (giữa) thăm và trao đổi về tranh, tượng của họa sĩ Vương Duy Biên. Ảnh: PHẠM NGỌC PHÚC

Nghe vậy, bà Lý Thị Trung cho hay con trai của bà có một giai đoạn rất dài gắn bó với nghệ thuật rối nước, từ tạo hình, sáng tác con rối đến vẽ phông cảnh, trang trí sân khấu rối nước, tác giả kịch bản, đạo diễn nhiều vở múa rối nước… và đã từng giữ chức giám đốc Nhà hát Múa rối trung ương.

Giữa phòng, tác giả trưng bày những tác phẩm điêu khắc với chất liệu đồng. Chúng tôi thật sự thích thú với những tác phẩm điêu khắc này. Nhìn tác phẩm "Đã xong chưa con?", GS Phong Lê như gặp lại mình hồi thời sơ tán. Theo anh, ngày đó, tất cả gia tài, sách vở, con cái… đều chất lên chiếc xe đạp như thế. Nhớ lại để mừng cho cuộc sống hôm nay. PGS Vân Thanh thì cứ xoay tới xoay lui với tác phẩm "Giờ ra chơi". Nhìn những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên vạch quần cho nhẹ bàng quang, chị nói: "Mình đã có con, có cháu nên nhìn những hình ảnh này thấy gần gũi quá và thương chúng quá". Nhưng ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những tác phẩm điêu khắc: "Chum kinh nghiệm", "Mãn nguyện", "Khi chiếc ghế chìm xuống", "Ai bảo tôi không làm được", "Dễ hơn cưa bom"…

Tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của tác giả. Khi chúng đã ra đời thì chúng có cuộc sống riêng, nhận sự khen chê của đời, không ai có thể can thiệp được. Vương Duy Biên cho rằng: "Mỗi tác phẩm đều mong tìm đến một triết lý nho nhỏ để ngẫm suy, đối thoại với người xem". Và chúng tôi, mỗi người "đối thoại" với từng tác phẩm điêu khắc của anh theo cách của mình.

Tác phẩm "Ai bảo tôi không làm được?" là một người đàn ông đứng trong chiếc xô, gồng mình nắm chặt quai xách cố nâng mình lên. GS Phong Lê cười thú vị, bởi ở đời có lắm người không tự biết mình, không ai tự nắm tóc mình mà kéo mình lên được. Với "Chum kinh nghiệm", nếu liên hệ một chút với câu nói của một chính khách là "sợi dây kinh nghiệm của chúng ta dài quá nên rút hoài không hết!". Và cái thú ở tác phẩm này là những người rút dây kinh nghiệm ở nhiều tư thế, kể cả có hai người nhiệt tình leo lên tận miệng chum. "Tác phẩm "Mãn nguyện" và "Khi chiếc ghế chìm xuống" khiến mình chợt nhớ đến câu Kiều: "Nghĩ đời mà ngán cho đời" - GS Phong Lê than thở, làm cho tôi nghĩ tới những gì báo chí đã phản ánh gần đây nên cũng dẫn câu Kiều: "Tiếc thay nước đã đánh phèn/ Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần".

Dường như hiểu được tâm trạng của chúng tôi qua một số tác phẩm điêu khắc của Vương Duy Biên, nhà báo lão thành Lý Thị Trung cười vui đưa chúng tôi tham quan một số tác phẩm sắp đặt và điêu khắc ở ngoài sân vườn. Nhìn tác phẩm điêu khắc "Dễ hơn cưa bom", có người cùng tham quan cất tiếng hỏi: "Cắt trái khế tại sao phải dùng đến hai người với cái cưa xẻ như thế?". Tôi thêm vào: "Nếu vận vào câu thơ của Đỗ Trung Quân được Giáp Văn Thạch phổ nhạc, có khi nghĩ ra vài điều". Vương Duy Biên nói: "Tuy là một công chức của nhà nước nhưng trước tiên tôi là một nghệ sĩ. Và thiên chức quan trọng nhất của nghệ sĩ là sáng tạo tác phẩm".

Nhìn khuôn mặt phúc hậu và nụ cười lành của anh, chúng tôi tin như thế. GS Phong Lê cho rằng trong bất cứ lĩnh vực nào thì hãy luôn xuất phát từ chính mình, nếu không muốn trở thành cái bóng của ai đó hoặc luôn phải xếp sau. Cái đẹp sẽ trường tồn. Và những tác phẩm tranh, tượng của Vương Duy Biên trưng bày ở đây đã nói lên điều đó.

Nhà điêu khắc, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, có nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được đưa vào các bộ sưu tập cá nhân và trưng bày tại các bảo tàng nghệ thuật ở Nhật, Ý, Pháp, Anh, Hà Lan, Mỹ… Anh đã có tác phẩm điêu khắc được dựng tại một số địa phương như: Tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đặt tại Nam Định và đảo Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa; tượng Nụ cười chiến sĩ đặt tại tỉnh Quảng Trị…
cai dep truong ton Nhân chuyện “mức thuế khá cao” của U23 Việt Nam

Dẫu bác bỏ thông tin về khoản thuế thu nhập 7 tỷ đồng mà đội tuyển U23 phải đóng, tuy nhiên, nguyên Phó Tổng cục ...

cai dep truong ton Vùng đất nơi thời gian phải sợ hãi

"Mọi thứ đều sợ thời gian, nhưng thời gian phải sợ kim tự tháp" là câu nói tự hào của người Ai Cập về sự ...

/ http://nld.com.vn