Từ lâu xạ đen được người dân sử dụng hãm nước uống hàng ngày, nhưng uống xạ đen với liều lượng bao nhiêu để tốt cho sức khoẻ?
Từ lâu xạ đen được biết đến là loại thảo dược quý. Vậy sử dụng nước xạ đen thế nào để tốt cho sức khoẻ?
Tổng quan về cây xạ đen và tác dụng của xạ đen
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, xạ đen tên khoa học là Celastrus hindsii Benth; được biết đến với các tên khác như bạch vạn hoa, cây bách giải, cây dây gối.
Đây là loại cây dây leo có thân gỗ, bám vào các cây lớn để leo khi mọc hoang nhưng khi được trồng thì cành sẽ bám đan xen với nhau tạo thành từng búi để mọc.
Thân xạ đen tròn, dài 3 - 10m, khi còn non màu xám nhạt và không lông nhưng khi lớn lên sẽ chuyển sang màu nâu và có lông rồi dần dần chuyển sang màu xanh.
Ở nước ta, cây xạ đen mọc hoang nhiều ở khu rừng của vùng đồi núi phía Bắc như Ninh Bình, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế.
Xạ đen là một loại thảo dược tốt cho sức khoẻ
Thành phần hóa học của loài cây này gồm:
- Polyphenol: kaempferol 3-rutinoside, rutin, axit lithospermic, axit rosmarinic, axit lithospermic B.
- Triterpene và Sesquiterpene: 1b, 6a, estar agarofuran sesquiterpene, axit glucosyringic, loranthol, emarginatine E, lupenone.
- Một số nhóm hợp chất khác: axit amin, tanin, flavonoid.
Đến nay, tác dụng dược lý chủ yếu được nghiên cứu và ghi nhận của cây xạ đen gồm:
- Chống lại khối u: hợp chất polyphenol, flavonoid, quinone trong xạ đen có khả năng chống lại sự hình thành khối u đồng thời ức chế ngăn cản tế bào ung thư phát triển, và làm cho chúng hóa lỏng nên dễ bị tiêu hủy từ đó hạn chế khả năng di căn của khối u.
- Chống oxy hóa: mọi hoạt chất có trong loại cây này đều có thể chống lại gốc tự do và khiến cho tác hại của nó đến tế bào bị giảm xuống.
- Duy trì huyết áp ổn định: dùng xạ đen mỗi ngày có thể ổn định huyết áp, nhất là với những người cao huyết áp. Riêng với người huyết áp thấp, muốn ổn định thì khi dùng xạ đen nên cho thêm vài lát gừng vào.
- Cải thiện chức năng và giải độc cho gan: hoạt chất trong cây xạ đen có thể hỗ trợ điều trị xơ gan, viêm gan, men gan cao, chống lại các bệnh gan thứ phát.
- Cải thiện giấc ngủ và cảm giác ngon miệng: xạ đen tương đối tốt với người bị suy nhược cơ thể, mất ngủ thường xuyên, bị thiếu máu. Không những thế, loại cây này còn cải thiện tuần hoàn máu, giúp hỗ trợ chữa trị chứng chóng mặt hoa mắt.
Cách uống nước xạ đen tốt cho sức khoẻ
Cây xạ đen tuy tốt cho sức khoẻ nhưng cần phải sử dụng đúng cách.
Báo VietNamNet dẫn lời Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y huyện Văn Giang, Hưng Yên, cho biết nghiên cứu của giáo sư Lê Thế Trung cho thấy lá xạ đen không chứa độc nhưng bạn nên dùng liều lượng vừa phải khoảng 50 g lá khô hoặc 100 g thân cây để sắc uống.
Sau Tết, nhiều người gặp vấn đề các bệnh tiêu hóa hay men gan tăng có thể dùng 100gram xạ đen nấu với 1,8 lít nước đun sôi khoảng 20-30 phút rồi uống như nước trà.
Theo một số nghiên cứu, cây xạ đen tác dụng ức chế ung thư nhưng chỉ trên nghiên cứu lý thuyết. Tác dụng thực sự còn tùy vào cơ thể, các loại bệnh ung thư. Vì tế bào ung thư có thể nhân lên nhanh chóng, tế bào đã bị hỏng nên việc xạ đen tác dụng vào màng tế bào hay nhân tế bào cần có thêm nghiên cứu. Còn đối với các khối u lành tính bạn có thể sử dụng lá xạ đen.
Lưu ý, xạ đen là cây thuốc nên một số trường hợp cần thận trọng khi dùng như phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Người bị huyết áp thấp không nên sử dụng cây xạ đen vì có khả năng hạ huyết áp, gây hoa mắt, chóng mặt. Trường hợp huyết áp thấp vẫn sử dụng xạ đen, bạn nên cho thêm 3 đến 5 lát gừng mỏng khi uống.
Xạ đen cũng chống chỉ định với những người mắc suy thận, chức năng thận kém. Cây thuốc tốt nhưng có thể khiến chức năng thận kém đi vì phải lọc thêm tạp chất. Đặc biệt, không uống xạ đen sau khi uống bia rượu.
Trên đây là những thông tin giải đáp về tác dụng của xạ đen và cách uống xạ đen tốt cho sức khoẻ. Hãy sử dụng xạ đen đúng cách để nhận được những lợi ích tốt nhất nhé.