Truyền thông Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị tâm lý cho người dân trước kịch bản cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ kéo dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhà đàm phán thương mại hàng đầu của mình, Phó thủ tướng Lưu Hạc, hôm 20/5 tới đặt hoa tại một đài tưởng niệm ở tỉnh Giang Tây nhằm kỷ niệm ngày khởi đầu của cuộc Vạn lý Trường chinh năm 1934.
Trong khi đó, kênh truyền hình CCTV-6 đã hoãn chiếu các bộ phim thường ngày để tập trung vào phát những thước phim về Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc bằng một thế trận hòa khi Trung Quốc can thiệp đẩy lùi quân Mỹ.
"Chúng tôi đang phản chiếu hiện tại thông qua nghệ thuật của bộ phim", kênh truyền hình Trung Quốc giải thích về việc bất ngờ thay đổi lịch chiếu.
Một bộ phim đạt giải Phim Điện ảnh châu Á hôm 17/5 cũng bị hoãn chiếu để thay bằng bộ phim chiến tranh kinh điển kể về những "người lính tình nguyện" Trung Quốc đã giúp Triều Tiên chiến đấu chống lại người Mỹ trong những năm 1950.
Vào cuối tuần, tiếp tục hai bộ phim với nội dung chống Mỹ được phát sóng, bao gồm: "Trận chiến núi Thượng Cam Lĩnh" và "Cuộc tấn công bất ngờ". Bộ phim năm 1960 "Những vệ binh đường sắt", kể về cách các trinh sát Trung Quốc vạch trần những gián điệp làm việc cho người Mỹ, được lên kế hoạch phát sóng vào tối 20/5.
Trên trang Global Times, bình luận viên Xu Hailin hôm qua đăng một bài viết khẳng định cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra gợi nhớ cho không ít người Trung Quốc về chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, khi hai bên đề cập tới lệnh ngừng bắn trong suốt hai năm nhưng xung đột vẫn không ngừng nổ ra.
"Ký ức của người dân Trung Quốc về việc tham gia các cuộc đàm phán và chiến đấu cùng lúc vẫn còn nguyên vẹn", ông viết. "Nó khiến người Trung Quốc nhận ra rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể sớm kết thúc".
Hồi đầu năm, Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc phát hành một ấn bản bao gồm các bài diễn văn của Chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1938 trước cuộc xâm lược của Nhật Bản mà Trung Quốc phải mất 8 năm mới có thể đẩy lùi. Đây dường như là dấu hiệu thể hiện rằng chính quyền đang chuẩn bị tâm lý cho người dân trước một cuộc chiến tranh thương mại dài hơi và khó khăn.
Tất cả những nỗ lực tuyên truyền kể trên đều có chung một mục đích, Dali Yang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, Mỹ, nhận xét. "Không thể xem nhẹ khía cạnh tâm lý. Người Trung Quốc muốn được nhìn nhận như là họ đang đứng lên chống lại Mỹ. Vì thế, họ phải thể hiện một khuôn mặt mạnh mẽ".
Yang nhớ lại những năm 1990, CCTV6 liên tục phát sóng các bộ phim về đồng minh cũ, Nam Tư, qua đó làm khơi dậy tinh thần chống Mỹ trong xã hội. Sau khi Mỹ ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, "những bộ phim đã khiến các học sinh, sinh viên cảm thấy họ cần phải hành động", ông cho biết, lưu ý rằng việc chiếu phim chỉ là tình cờ nhưng mang đến hiệu ứng vô cùng hiệu quả.
Hàng chục nghìn người Trung Quốc, trong đó có cả học sinh, sinh viên, đã tràn xuống đường biểu tình chống Mỹ, ném trứng và gạch đá và đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Thậm chí sau 20 năm, nhiều người Trung Quốc vẫn không tin vụ ném bom là tai nạn, dù Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định điều này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền cân bằng. Họ có lẽ muốn đoàn kết người dân chống lại sức ép từ Mỹ nhưng không qua mãnh liệt đến mức lặp lại kịch bản sinh viên đổ xuống đường biểu tình như trước đây.
Dù vậy, trong một tuần qua, các chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ đã được tăng cường trên thuyền thông chính thống Trung Quốc. Câu khẩu hiệu "Muốn nói chuyện? Hãy nói. Muốn chiến tranh? Hãy chiến. Muốn bắt nạt chúng tôi ư? Nằm mơ đi!" đang lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc.
Tất cả diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng tweet nói ông sẽ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% nhằm đáp trả việc Trung Quốc "từ bỏ" những thỏa thuận từng được thống nhất giữa hai bên.
Truyền thông Trung Quốc sau đó trì hoãn đưa tin về đòn thuế của Mỹ, chờ tới 24 tiếng sau mới đề cập tới lời đe dọa từ Tổng thống Trump và chỉ đưa tin chung chung rằng chính quyền Mỹ sẵn sàng đáp trả.
Giờ đây, những thông điệp chống Mỹ ngập tràn trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Khi tin tức nổ ra về việc Washington áp thuế trở lại, những người dùng mạng xã hội Trung Quốc đồng loạt đồng tình với chính quyền: "Nếu bạn muốn thảo luận, cửa vẫn mở; Nếu bạn muốn chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng", báo Xinhua đưa tin.
Cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc tuyên bố Bắc Kinh không chỉ quyết tâm mà còn sẵn sàng tham gia một cuộc chiến dài hơi với Washington.
"Trung Quốc không chỉ là bậc thầy võ thuật trước những mánh khóe của Mỹ mà còn có thể là một võ sĩ đấm bốc lão luyện đủ sức tung cú đấm chết người vào cuối trận", ông nói với báo South China Morning Post.
Một dấu hiệu cho thấy dường như mối lo âu đang dâng cao đó là việc các trang tin vô tình gửi lại thông báo của Xinhua đăng hôm 20/5/2018, tuyên bố "Trung Quốc và Mỹ đã ngừng chiến tranh thương mại! Chiến tranh đã chấm dứt". Xinhua cho biết họ lên án việc phá tán "tin giả" và sẽ điều tra xem chuyện gì đã xảy ra.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Trung Quốc: Bắc Kinh chưa đồng ý bất kỳ điều kiện nào của Washington
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đang có những "kỳ vọng ngông cuồng" với thỏa thuận thương mại. |
Đài truyền hình Trung Quốc bỏ phim Mỹ, thay bằng phim Trung Quốc chống Mỹ
Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, đài truyền hình lớn của Trung Quốc rút các phim Hollywood và phim có cảnh quay ... |