Cảnh sát một tỉnh Trung Quốc sẽ miễn phạt nếu người vi phạm giao thông tự kể tội chính mình trên mạng xã hội và tích đủ 30 like.
Người đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điện hoặc máy điện vi phạm luật được coi là vấn đề nan giải trong quản lý giao thông. Để giải quyết vấn đề này, đại đội cảnh sát số hai, thành phố Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc mới đây đã đưa ra sáng kiến gói xử phạt "chọn một trong ba".
Theo đó, người vi phạm luật giao thông có quyền tự chọn một trong ba phương án xử phạt chính mình: "Xử phạt theo luật an toàn giao thông đường bộ", "Hỗ trợ cảnh sát, trải nghiệm cảm giác trực ca trong 30 phút", hoặc "Chép phạt kiến thức an toàn giao thông".
Sáng kiến gói xử phạt chỉ áp dụng với người đi bộ, xe thô sơ, xe hai bánh chạy điện. |
Sáng kiến này vừa ra đời đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhiều người dân vì họ cho rằng cách xử phạt như vậy vừa nhân đạo, vừa thể hiện được nguyên tắc pháp luật là "giáo dục làm gốc, trừng phạt là phụ".
Qua thời gian áp dụng, nhà chức trách phát hiện gói xử phạt này dù tốt nhưng chưa đạt được mục đích "phạt một người, răn đe nhiều người", hiệu quả và phạm vi tuyên truyền giáo dục vẫn chưa được lý tưởng.
Để nâng cao hiệu quả, đại đội cảnh sát số hai thành phố Tấn Thành tiếp tục đưa ra lựa chọn thứ tư cho gói xử phạt là "Kể tội chính mình trên mạng xã hội". Theo đó, người vi phạm có thể đăng dòng trạng thái công khai thời gian, địa điểm, và lỗi vi phạm của mình lên trang mạng xã hội WeChat, đồng thời kêu gọi bạn bè không vi phạm pháp luật. Nếu bài đăng có đủ 30 lượt thích, người vi phạm sẽ được bỏ qua không bị xử lý.
Lời đăng có mẫu như sau: "Sáng ngày 29/3, tôi lái xe đạp điện đi ngược chiều bị cảnh sát thành phố Tấn Thành phát hiện. Hiện tôi công khai lỗi lầm với bạn bè trên mạng xã hội, mong mọi người lấy tôi làm gương, tuân thủ luật khi tham gia giao thông, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều. Xin giúp tôi có đủ 30 like".
Từ khi gói xử phạt "chọn một trong bốn" được triển khai từ ngày 18/3 tới nay đã có hơn 150 cá nhân vi phạm chọn lựa phương án "đăng bài công khai lỗi". Số người được giáo dục gián tiếp đạt hơn 4.500 người, hiệu quả tuyên truyền giáo dục thể hiện rõ ràng.
Một người bị phạt chia sẻ việc công khai lỗi vi phạm giao thông với bạn bè làm mình cảm thấy xấu hổ. Cách này không những có hiệu quả giáo dục với chính bản thân mà còn biến người vi phạm thành người tuyên truyền pháp luật, giúp phòng tránh xảy ra tai nạn.
Quốc Đạt (Theo The Paper)
Sàm sỡ phụ nữ ở thang máy sẽ bị phạt tù, đánh roi ở Singapore
Người nào sờ soạng, ôm ấp, hôn hít đối phương mà không có sự tự nguyện có thể bị phạt tù, phạt tiền và phạt ... |