Phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chủ trương cách ly F1 tại nhà và báo tình hình sức khỏe cho nhân viên y tế.
Nhằm khống chế dịch Covid-19 và cắt chuỗi lây nhiễm của nCoV, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng nhiều phương pháp truy vết, quản lý và cách ly những trường hợp tiếp xúc người đã xét nghiệm dương tính. Tại Việt Nam, vòng tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm được gọi phổ biến là F1. Văn bản hướng dẫn của cơ quan y tế ở nhiều nơi trên thế giới thường gọi chung là "tiếp xúc gần". Biện pháp cách ly bắt buộc đối với F1 được sử dụng phổ biến tại châu Á và đã gặt hái thành công khi đại dịch vừa bùng phát toàn cầu vào năm 2020.
Tương tự chủ trương tại Việt Nam, cơ quan y tế ở Trung Quốc đại lục lẫn đặc khu Hong Kong đều thực hiện cách ly tập trung cho người tiếp xúc gần ca dương tính Covid-19. Đợt bùng phát lây nhiễm vào đầu năm 2021 tại tỉnh Hà Bắc là minh chứng gần đây nhất về cách ly F1 quyết liệt tại Trung Quốc. Khi nCoV bắt đầu lây nhiễm trong cộng đồng ở thành phố Thạch Gia Trang, chính quyền địa phương lập tức xây dựng trung tâm cách ly tập trung dã chiến, quy mô 4.000 giường. Cơ sở này dành cho người tiếp xúc gần "ca bệnh đã xác nhận", cách Trung Quốc phân loại những người dương tính nCoV và có triệu chứng.
Trung tâm cách ly tập trung dã chiến dành cho F1 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc được xây dựng thần tốc vào tháng 1. Ảnh: Xinhua. |
Đa số tỉnh, thành tại Trung Quốc áp dụng chính sách cách ly "14 + 7", gồm 14 ngày cách ly tập trung và 7 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà. Một số thành phố có tầm quan trọng kinh tế hoặc chính trị cao như thủ đô Bắc Kinh còn bổ sung 7 ngày khai báo y tế đối với người đã hoàn thành 21 ngày cách ly. Chính sách được áp dụng thống nhất cho cả công dân Trung Quốc lẫn người nước ngoài vừa nhập cảnh.
Trong khi đó, chính quyền đặc khu Hong Kong cho cách ly tập trung F1 trong 14 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc ca dương tính nCoV. Cơ quan y tế có thể giảm thời gian cách ly còn 7 ngày cho người đã tiêm đủ hai liều vaccine và nhận liều cuối tối thiểu 14 ngày trước khi tiếp xúc ca nhiễm. Trong trường hợp này, người tiếp xúc gần vẫn phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày sau khi rời cơ sở cách ly.
Đối với trường hợp F1 tiếp xúc ca nhiễm biến chủng mới và có nguy cơ lây nhiễm cao, thời hạn cách ly là 21 ngày. Người đã xét nghiệm âm tính với nCoV nhưng từng tiếp xúc ca nhiễm vẫn phải tuân thủ quy định. Tính đến ngày 6/6, đặc khu có 4 cơ sở cách ly tập trung với tổng năng lực tiếp nhận là 4.649 người. Hiện có 173 trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung ở Hong Kong. Chính quyền đặc khu thông qua Chỉ thị Phòng chống và Kiểm soát Bệnh dịch có quyền xử phạt hành chính hoặc đưa ra án tù đối với các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan áp dụng cách ly tại nhà cho F1. Theo cổng thông tin về Covid-19 của chính phủ Hàn Quốc, người tiếp xúc gần ca dương tính có thể chọn tự cách ly trong vòng 14 ngày tại nhà hoặc được theo dõi sức khỏe tại cơ sở công và bệnh viện. Người trong diện F1 sẽ nhận thông báo cách ly từ chính quyền địa phương và được nhân viên chuyên trách liên hệ hai lần/ngày để khai báo y tế, ghi nhận liệu xuất hiện triệu chứng sốt hay gặp vấn đề hô hấp hay không. Để đảm bảo việc tự cách ly được tuân thủ nghiêm chính, luật pháp Hàn Quốc quy định trường hợp vi phạm có thể đối diện mức án một năm tù hoặc phạt hành chính gần 9.000 USD.
Nhật Bản và Đài Loan cũng khuyến cáo người tiếp xúc gần ca dương tính nCoV cách ly tại nhà. Biện pháp cách ly tập trung chỉ áp dụng cho trường hợp đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đã phát bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Tại Đài Loan, người cách ly tại nhà khi xuất hiện triệu chứng có trách nhiệm tự trình báo qua đường dây nóng. Trong khi đó, theo hai chuyên gia Ko Nakajo thuộc Đại học Hokaido và Hiroshi Nishiura thuộc Đại học Kyoto, người tiếp xúc gần ca dương tính tại Nhật Bản không được phép ra khỏi nhà trong 14 ngày và sẽ được nhân viên y tế đến tận nơi lấy mẫu xét nghiệm. Họ được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và thân nhiệt mỗi ngày.
Đặc biệt, Singapore áp dụng linh động cả biện pháp cách ly tập trung và cách ly tại nhà cho F1. Theo thông báo ngày 30/5 của Bộ Y tế Singapore, trường hợp tiếp xúc gần tiếp tục được chính quyền địa phương chuyển các cơ sở cách ly chính phủ và không được rời đi trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, viên chức giám sát có thể cho phép người trong diện F1 được cách ly tại nhà nếu đánh giá nơi cư trú đảm bảo điều kiện dịch tễ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Singapore cũng mở rộng biện pháp cách ly đối với vòng tiếp xúc thứ hai (F2) là thành viên trong cùng gia đình trường hợp tiếp xúc gần. Người cùng nhà với F1 được yêu cầu tự cách ly tại nơi đang ở. Biện pháp này nhằm tăng khả năng giám sát và cắt đứt chuỗi lây nhiễm với những biến chủng nCoV mới. Quá trình tự cách ly của F2 sẽ kết thúc khi F1 hết thời gian cách ly hoặc xét nghiệm âm tính.
Điểm tiêm vacine ngừa Covid-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ vào ngày 10/2. Ảnh: Reuters. |
Hầu hết các nước phương Tây khuyến cáo hoặc yêu cầu cách ly tại nhà đối với F1, điển hình là Anh và Mỹ. Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người tiếp xúc gần "nên ở nhà, tránh gặp người khác, theo dõi sức khỏe" trong vòng 14 ngày và tuân thủ chỉ thị từ cơ quan y tế bang hoăc địa phương.
Khuyến cáo từ CDC cho các chính quyền bang lưu ý thời gian cách ly có thể được điều chỉnh còn 10 ngày hoặc 7 ngày nếu F1 xét nghiệm âm tính với nCoV, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi triệu chứng đủ 14 ngày như thông thường. Bên cạnh đó, người đã tiêm vaccine Covid-19 có thể không tự cách ly sau khi tiếp xúc gần ca nhiễm, với điều kiện họ không xuất hiện triệu chứng.
Bộ Y tế Anh quy định thời gian cách ly tại nhà kéo dài 10 ngày. F1 có thể duy trì tiếp xúc với thành viên một hộ gia đình khác, gọi là "bong bóng hỗ trợ". Mô hình này chỉ được bao gồm hai hộ gia đình. Quy định tự cách ly tại nhà vẫn được áp dụng bình thường với F1 đã được tiêm một hoặc đủ hai mũi vaccine Covid-19 nhằm ngăn nguy cơ phát tán mầm bệnh. Một số nước châu Âu, như Hà Lan sẵn sàng buộc F1 đến bệnh viện cách ly nếu người này không tuân thủ yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Trung Nhân
"Sớm loại bỏ giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là sai lầm" |
Để không còn cảnh địa phương "ngăn sông cấm chợ" phòng chống COVID-19 |
Một tiểu thương ở Hà Nội nghi mắc Covid-19 |