Bên cạnh các trạm của ngành tài nguyên môi trường, một số đơn vị độc lập cũng vận hành hệ thống theo dõi chỉ số an toàn không khí ở thủ đô.
Chi Cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội) đang quản lý 11 trạm quan trắc môi trường tự động. Hai trạm cố định đặt tại phố Trung Yên 3 và phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), quan trắc 6 thông số ô nhiễm là PM10, PM2.5, NO2/NO/NOx, CO, SO2 và O3.
9 trạm còn lại lắp đặt tại khu vực Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ và Đại sứ quán Pháp, quan trắc 4 thông số ô nhiễm PM10, PM2.5, CO, NO2 và thông số khí tượng. Đây chủ yếu là các trạm quan trắc nhỏ (sensor), sử dụng pin năng lượng mặt trời.
Một trạm quan trắc không khí cảm biến tại phố Thành Công. Ảnh: Tất Định |
Hệ thống quan trắc của Hà Nội thu mẫu khí, phân tích chỉ số, định kỳ 5 phút một lần gửi dữ liệu về trung tâm điều hành của Sở Tài nguyên Môi trường và công khai trên cổng thông tin có tên miền moitruongthudo.vn.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) quản lý một trạm quan trắc cố định đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), được kết nối dữ liệu với hệ thống quan trắc của Hà Nội; chỉ số đăng trên cổng thông tin của Tổng cục với tên miền enviinfo.cem.gov.vn.
Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang vận hành 18 máy quan trắc đặt ở một số điểm trên địa bàn thành phố, công khai kết quả trên trang airnet.vn và ứng dụng Airnet
Đại sứ quán Mỹ đặt một điểm quan trắc tự động ở phố Hai Bà Trưng, chỉ số công bố trên trang airnow.gov.
Bầu không khí ô nhiễm ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
Ngoài ra, ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual cũng thông tin về chỉ số môi trường Hà Nội, với dữ liệu được đơn vị này công bố là " thu thập từ 14 trạm kiểm soát không khí", gồm 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.
Công ty D&L đang quản lý 60 máy quan trắc ba chỉ số PM2.5, nhiệt độ và độ ẩm trên địa bàn Hà Nội; các thông số được truyền trực tiếp lên trang Pamair.org hoặc ứng dụng Pamair.
Khói bụi từ các công trình xây dựng ở Hà Nội. Ảnh: Gia Chính |
Trước những thông tin khác nhau về tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội,
TS Trịnh Thái Hà (chuyên gia môi trường độc lập) giải thích, mỗi nền tảng thông tin sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu, nguồn dữ liệu và cách tính toán, biểu thị, công bố chỉ số khác nhau.Ngoài ra, dữ liệu chất lượng không khí bị ảnh hưởng bởi các cơ chế giám sát, chẳng hạn như vị trí quan trắc, số lượng và vị trí của các điểm quan trắc, tần suất quan trắc, tỷ lệ phần trăm dữ liệu thu được trên mỗi địa điểm và quan trọng là độ chính xác của các thiết bị được sử dụng.
Chuyên gia này lưu ý, chỉ số chất lượng không khí (AQI) chỉ phản ánh hiện trạng của khu vực xung quanh địa điểm đo và tại thời điểm công bố dữ liệu. Người dân nên theo dõi AQI ở địa điểm gần nhất xung quanh địa bàn sinh sống, học tập trên bản đồ chất lượng không khí được công bố.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Tài nguyên Môi trường Hà Nội thì cho hay, Chi cục là đơn vị duy nhất ở thủ đô vận hành 10 trạm quan trắc không khí đã hoạt động ổn định từ năm 2017, trong đó có 2 trạm cố định đạt quy chuẩn chất lượng.
"Các công ty phát triển ứng dụng đo chất lượng không khí thường chỉ có trạm quan trắc cảm biến di động (không phải trạm cố định) để đo và đưa ra khuyến cáo, đánh giá nhanh", ông Thái nói và thông tin thêm, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội triển khai dự án lắp đặt thêm các trạm quan trắc để đến năm 2020 thành phố có 20 trạm cố định, 12 trạm di động.