Các đường bay từ Mỹ và châu Âu tới Trung Quốc ngày càng đắt đỏ

Theo SCMP, việc Nga đóng cửa không phận với 36 quốc gia - hầu hết là các nước phương Tây - đang khiến chi phí các tuyến bay từ Mỹ và châu Âu tới Trung Quốc trở nên đắt đỏ.

luft.jpg
Chi phí đi lại từ Bắc Mỹ và châu Âu tới Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn. Ảnh: Aviation A2Z.

Xu hướng này xuất hiện rõ nét kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, cũng đồng thời đặt ra thách thức đối với Trung Quốc trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài.

Theo giới chuyên môn, mỗi giờ bay một chiếc Boeing 777 tốn ít nhất 10.000 USD, và đôi khi gấp đôi. Giám đốc dịch vụ tư vấn Dennis Lau của công ty dịch vụ hàng không Asian Sky Group (Hồng Kông, Trung Quốc) cho biết, một chiếc Boeing 777 tiêu thụ khoảng 7,5 tấn nhiên liệu mỗi giờ, trong khi một máy bay tiết kiệm hơn như Boeing 787 hoặc Airbus A350 vẫn cần khoảng 5,5 tấn nhiên liệu.

Trong khi đó, một tuyến bay phổ biến là từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đến Frankfurt (Đức) lúc này cần trung bình 9,5 giờ đối với một hãng hàng không Trung Quốc. Tuy nhiên, với một hãng hàng không Đức, thời gian cần thiết lên tới 12 giờ. Điều này đồng nghĩa, chi phí với các hãng hàng không phương Tây cao hơn đáng kể.

Việc thời gian bay kéo dài cũng đồng nghĩa phi hành đoàn bận rộn hơn, chi phí bảo trì tăng lên, khiến tần suất bay suy giảm.

Tình trạng này ngay lập tức tác động tới giá vé. Theo nhà phân tích hàng không Li Hanming (Trung Quốc), giá vé máy bay trên tuyến nói trên hiện chênh lệch từ 600 nhân dân tệ đến 1.200 nhân dân tệ giữa các hãng hàng không châu Âu so với các hãng hàng không Trung Quốc.

Trước khi xung đột Ukraine bùng phát, các hãng hàng không phương Tây thường đi qua bán đảo Kamchatka (Nga) khi muốn đến Trung Quốc từ Bắc Mỹ, hoặc qua Siberia nếu bay từ châu Âu. Tuy nhiên, việc các nhà chức trách châu Âu, Mỹ và Canada cấm các hãng hàng không Nga đã dẫn tới phản ứng của Mátxcơva bằng cách đóng cửa không phận đối với 36 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Âu.

Hệ quả là, có khoảng 6,2% tổng số chuyến bay quốc tế phải đi đường vòng với khoảng cách bay trung bình tăng thêm 13,3%, làm tăng chi phí vận tải hàng không quốc tế toàn cầu thêm 0,6%. Riêng các chuyến bay nối Bắc Mỹ với Trung Quốc đi qua Alaska sẽ phải bay lâu hơn 31,3% và bay dài hơn 31,4%.

Theo Air France-KLM (Pháp), việc phải tránh không phận Nga khiến các chuyến bay giữa Trung Quốc và Amsterdam kéo dài thêm khoảng 2 giờ. Hiện nay, hãng hàng không này chỉ còn khai thác 23 chuyến bay mỗi tuần từ Amsterdam tới các thành phố lớn của Trung Quốc, thấp hơn nhiều mức 43 chuyến trước kia.

Tương tự, Lufthansa (Đức) hiện chỉ khai thác 40 chuyến bay mỗi tuần từ Munich và Frankfurt của Đức đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông (Trung Quốc), bằng một nửa so với mức của năm 2019.

Một số hãng hàng không khác thậm chí cân nhắc việc dừng bay. Tại Anh, British Airways thông báo sẽ ngừng các chuyến bay giữa London (Anh) và Bắc Kinh từ tháng 10-2024 đến tháng 11-2025, đồng thời giảm một nửa số lượng chuyến bay từ London tới Hồng Kông (Trung Quốc). Virgin Atlantic dự kiến đình chỉ tuyến bay nối London và Thượng Hải.

Một số nhà phân tích cũng cho biết, các trạm trung chuyển như Doha (Qatar), Dubai (UAE) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) gần đây đã được hưởng lợi từ những thay đổi. Trong khi đó, ở châu Á, các sân bay tại Hồng Kông (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) ngày càng trở nên bận rộn hơn.

https://hanoimoi.vn/cac-duong-bay-tu-my-va-chau-au-toi-trung-quoc-ngay-cang-dat-do-676364.html

Hoàng Linh / HNM