Với lợi nhuận sau thuế hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, kinh doanh nước sinh hoạt đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Thậm chí có những cuộc đua giành quyền cung cấp nước sinh hoạt lên tới nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, bê bối bán nước sinh hoạt nhiễm bẩn của Cty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà dấy lên lo ngại về việc để tư nhân cung cấp mặt hàng thiết yếu, liên quan sát sườn đời sống người dân.
Lợi nhuận hàng trăm tỉ sau thuế
Theo ước tính, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2030 dự kiến 2,4 triệu m3/ngày đêm. Trong khi đó, sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm mang lại cơ hội kinh doanh tiềm năng đối với doanh nghiệp trong ngành. Hiện hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô đang được giao cho 5 đơn vị chính gồm Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco); Cty Cổ phần nước mặt sông Đuống và Cty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).
Trong số 5 Cty cung cấp nước này, Cty Hawacom hiện cung ứng hơn một nửa nhu cầu nước sạch của Thủ đô. Hai năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất tổng cộng 230 triệu m3, tương đương năng lực sản xuất một ngày đêm trên 650.000m3. Năm 2018, Hawacom đạt mức lãi ròng 356 tỉ đồng với tỉ suất lợi nhuận 19% trong năm 2018.
Một Cty khác chiếm thị phần lớn thứ hai sau Hawacom là Viwasupco đang dính bê bối cung cấp nước bẩn cho người dân Hà Nội. Hiện Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, và đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.
Theo báo cáo tài chính, trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Viwasupco đều đạt trên 400 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỉ đồng. Riêng năm 2018, Cty này ghi nhận 219 tỉ đồng lãi ròng, tăng 29% so với năm 2017. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012. Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của Cty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 Cty chỉ lãi 215 triệu đồng).
Nhà máy nước mặt Sông Đuống(Hà Nội) vừa đưa vào sử dụng có công suất giai đoạn 1 là 300.000m3/ngày đêm. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Người dân không có sự lựa chọn
Cuộc đua nhà máy nước sinh hoạt được mở ra từ năm 2013 khi có quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch này, có 3 nhà máy nước mặt gồm nhà máy nước sông Đà vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng đã đi vào hoạt động, nhà máy nước sông Đuống 5.000 tỉ đồng vừa hoàn thành và nhà máy nước sông Hồng với vốn đầu 3.000 tỉ đồng đang xây dựng. Theo quy hoạch, một số nguồn nước ngầm phía Nam Hà Nội có chất lượng xấu sẽ giảm dần công suất khai thác và ngừng hoạt động vào năm 2020 đối với Nhà máy nước Hạ Đình và năm 2030 đối với Nhà máy nước Tương Mai, Nhà máy nước Pháp Vân. Thay thế nguồn nước ngầm này là nguồn nước mặt lấy từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Đáng chú ý, trong 3 nhà máy nước mặt có công suất lớn nhất kể trên, có hai nhà máy nước do các các tập đoàn tư nhân đầu tư, gồm nhà máy nước sông Đuống của tập đoàn AquaOne, nhà máy nước sông Đà thì Cty Gelex giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần. Trong khi đó nhà máy nước sông Hồng do Cty Cổ phần Nước mặt sông Hồng được lập gồm 3 cổ đông là Cty Cổ phần Tập đoàn Thành Long chiếm 79% vốn, Cty Hawacom đóng góp 20% vốn và Cty Hạ tầng Nước sạch Hà Nội góp 1% vốn. Trong số 3 Cty này, chỉ có Cty Hawacom chiếm 100% vốn Nhà nước và theo kế hoạch, Hawacom sẽ cổ phần hoá vào năm 2020.
Cuộc chơi lớn kinh doanh nước sạch thì từ nước mặt sông Đuống, sông Đà, sông Hồng gần như nằm trong tay các tập đoàn tư nhân, Nhà nước chiếm cổ phần rất nhỏ, hầu như không đáng kể. Nhận định về cuộc chơi nghìn tỉ trong ngành kinh doanh nước sạch, một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh nước nói, đây là ngành siêu lợi nhuận, nguyên liệu đầu vào không mất phí, chỉ đầu tư hạ tầng và công nghệ xử lý. “Tuy bỏ ra số vốn đầu tư lớn nhưng bán mặt hàng là không mất tiền đầu vào, đầu ra ổn định và ngày càng tăng trưởng thì ai chả ham” - vị này nói.
Nói về cuộc đua kinh doanh nước sạch, từ bê bối nguồn nước sông Đà, chuyên gia Kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tuy Nhà nước mở ra cuộc đua cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch nhưng lại không sòng phẳng với người tiêu dùng. “Trong quy hoạch nước sạch của Hà Nội, nhà máy nước bề mặt sẽ phân phối cho cả vùng rộng lớn các quận, huyện ngoại thành. Vùng phân phối thậm chí rộng hơn các tỉnh có dân cư trung bình. Tuy nhiên, người dân thì sẽ không được phép lựa chọn dùng nước sinh hoạt của nhà máy nước nào. Đây là điều không sòng phẳng” - ông Kiêm nói.
Với bê bối bán nước nhiễm bẩn của Viwasupco, ông Kiêm cho rằng, đã đến lúc tăng cường quản lý, truy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi để sự việc diễn ra. “Tôi nói thẳng, không chỉ Cty nước làm sai, mà cơ quan quản lý làm không đúng trách nhiệm. Với hàng chục lần vỡ đường ống nước, rồi bán nước nhiễm bẩn lần này, Nhà nước nên tước giấy phép kinh doanh, thậm chí mua lại cổ phần Cty Viwasupco để trực tiếp vận hành” - TS Cao Sỹ Kiêm nói.