Các ca "siêu lây lan" làm đại dịch virus corona đáng sợ hơn

Số người chết đã tăng gấp nghìn lần chỉ một tháng sau khi ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên, dù tỷ lệ tử vong vẫn còn ở mức tương đối thấp, 2,4%. Số người nhiễm sau hai tháng dịch bùng phát tăng lên hơn 40.000.

Trung Quốc công bố ca tử vong đầu tiên do virus corona ngày 11/1 và chỉ một tháng sau, 1.016 người Trung Quốc đại lục đã chết vì dịch bệnh.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm nay thông báo nước này ghi nhận thêm 108 ca tử vong do dịch viêm phổi cấp, đưa tổng số người chết lên 1.016 ở Trung Quốc đại lục và 1.018 trên toàn cầu, gồm trường hợp một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines và một người đàn ông 39 tuổi ở Hong Kong. Đây là lần đầu tiên số người chết đạt ba chữ số kể từ khi dịch bệnh do chủng mới virus corona (nCoV) khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.

 

Số người chết đã tăng gấp nghìn lần chỉ một tháng sau khi ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên, dù tỷ lệ tử vong vẫn còn ở mức tương đối thấp, 2,4%. Số người nhiễm sau hai tháng dịch bùng phát tăng lên hơn 40.000.

Nhà chức trách Trung Quốc đã phong tỏa hàng triệu người ở một số thành phố, trong khi một số chính phủ cấm công dân đến từ Trung Quốc. Hàng chục hãng hàng không lớn cũng dừng các chuyến bay đến và rời Trung Quốc để giữ dịch bệnh tránh xa lãnh thổ của họ.

Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh ở nước ngoài đều liên quan đến những người từng ở Vũ Hán hoặc người bị lây nhiễm từ những người đã ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, trường hợp một người đàn ông Anh chưa từng đến Trung Quốc truyền virus cho ít nhất 11 người khác đã làm tăng lo ngại về một giai đoạn lây nhiễm mới ở nước ngoài.

Người đàn ông Anh, hiện chưa được công bố danh tính, bị nhiễm virus khi dự hội nghị ở Singapore, sau đó lây cho một số người trong lúc đi nghỉ ở dãy Alps, Pháp. Trở về Anh, ông được chẩn đoán nhiễm nCoV.

Trong số những người lây virus từ người đàn ông này, 5 người đã nhập viện ở Pháp, 5 người ở Anh và một người đàn ông khác ở đảo Mallorca của Tây Ban Nha.

"Việc phát hiện số lượng nhỏ các ca nhiễm bệnh này có thể là tia lửa châm lên đám cháy lớn hơn", người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm qua. "Nhưng bây giờ nó vẫn chỉ là một tia lửa. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là ngăn chặn. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước chớp lấy cơ hội chúng ta có để ngăn đám cháy lớn hơn".

Tuy nhiên Michael Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, nói rằng còn "quá sớm" để gọi hội nghị ở Singapore là "sự kiện siêu lan truyền" virus.

"Luôn có lo ngại khi mọi người tập trung và sau đó tản ra. Chúng ta phải có quy trình quản lý rủi ro liên quan đến điều đó, nhưng bạn cũng không thể đóng cửa thế giới", Ryan cho hay.

Chính phủ Anh gọi nCoV là "mối đe dọa nghiêm trọng và tức thời", nói rằng hiện tại bất cứ ai mắc bệnh này đều có thể bị buộc cách ly nếu họ bị coi là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà chức trách xác nhận số ca nhiễm nCoV ở Anh tăng gấp đôi.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ tại sao một số cá thể lan truyền mầm bệnh cho nhiều người xung quanh hơn so với người bình thường.

 

Trường hợp siêu lây lan (super-spreader) là hệ số có thể làm sai lệch những tính toán cẩn thận nhất. Vì những lý do mà giới nghiên cứu chưa thể xác định rõ, một số người lan truyền dịch bệnh cho nhiều người hơn các bệnh nhân khác. Theo Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ở Đại học Minnesota, sự kiện siêu lây lan rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nó có thể định hình lộ trình của dịch bệnh theo những cách không ngờ, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Thay vì truyền bệnh cho vài người ở gần, người siêu lây lan có thể khiến hàng chục người ở nơi khác nhiễm bệnh.

Không có tỷ lệ truyền nhiễm cụ thể để xác định ai đó là người siêu lây lan, con số phụ thuộc vào tình hình mỗi dịch bệnh. Đối với dịch SARS, một nghiên cứu của cơ quan y tế Mỹ và Trung Quốc xếp bất cứ ai lây bệnh cho ít nhất 8 người khác vào diện siêu lây lan. Khi dịch MERS bùng phát ở Trung Quốc năm 2015, các chuyên gia giới hạn con số ít nhất 6 người.

Trong dịch bệnh do nCoV, báo cáo sơ bộ của một chuyên gia bệnh hô hấp Trung Quốc cho biết 14 nhân viên y tế nhiễm virus do lây từ một bệnh nhân. Đợt bùng phát dịch tại Trung Quốc có thể bao gồm những người lây bệnh cho nhiều người khác cũng như người không truyền virus cho ai. Nhưng mô hình siêu lây lan rất khó phát hiện, theo Larry Anderson, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học Emory, Atlanta.

Trường hợp siêu lây lan đóng vai trò quan trọng trong nhiều dịch bệnh từ Ebola tới bệnh lao. Cách đây vài thập kỷ, một nhóm chuyên gia dịch tễ ở Đại học Oxford phân tích mô hình lây lan của bệnh sốt rét, HIV, và nhiều dịch bệnh khác. Họ nhận thấy 20% số ca nhiễm bệnh lây sang 80% bệnh nhân khác và đưa ra tỷ lệ ước tính là 20 - 80.

Siêu lây lan là yếu tố chi phối sự lan rộng của virus gây dịch SARS, họ hàng của nCoV. Tương tự nCoV, virus SARS bắt nguồn từ dơi và lây sang người qua động vật trung gian tại một khu chợ. Vào ngày 31/1/2003, trước khi dịch SARS được đặt tên, một bệnh nhân mắc viêm phổi bất thường được thuyên chuyển qua ba bệnh viện tại Quảng Châu, Trung Quốc và lây sang 82 người trong suốt quá trình, bao gồm tài xế xe cứu thương. Vài ngày sau, một bác sĩ nhiễm bệnh trong lúc điều trị cho bệnh nhân ở khách sạn Metropole tại Hong Kong và lây sang 12 khách tại đó. Những du khách này lại mang dịch tới Singapore, Việt Nam, Canada, Ireland, và Mỹ. Nếu trường hợp siêu lây lan không được phát hiện ngay lập tức, họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dịch bệnh.

Các bác sĩ vẫn chưa biết chắc chắn tại sao một số người lây nhiễm sang nhiều người khác hơn. Họ cho rằng đó là kết quả tổng hợp từ nhiều yếu tố môi trường và sinh học. Hành vi cá nhân, lộ trình đi lại và mức độ tiếp xúc với người khác đều góp phần dẫn tới siêu lây lan. Vệ sinh cá nhân kém cũng là một yếu tố, theo Jonathan Ball, giáo sư vi trùng học phân tử ở Đại học Nottingham.

Giới chức tại Nhật Bản cũng ghi nhận 135 ca nhiễm nCoV trên tàu du lịch Diamond Princess hiện bị cách ly ngoài khơi nước này. Tàu du lịch do Carnival Japan Inc điều hành, với 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn, bị cách ly tại cảng Yokohama từ 4/2, sau khi một hành khách 80 tuổi từ Hong Kong đi tàu vào tháng trước dương tính với nCoV.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

Ngân hàng giải cứu doanh nghiệp Việt trong đại dịch virus corona
Ngày chết chóc nhất trong dịch viêm phổi
Tâm sự của người mẹ có con vừa trở về từ tâm dịch Vũ Hán
Hành trình phát tán virus Corona của 1 người từ Châu Á sang Châu Âu
Chuyên gia nói về nguy cơ nhiễm virus corona mới với trẻ em